Trang

Nhãn

07 tháng 7 2018

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN




(Nhân mười hai năm ngày mất của LM Giuse Đào Thọ Sơn,
 cha sở giáo xứ Đồng Công F2, địa phận Long Xuyên)

Ngày 06.7.2006 đã qua, cha sở Giu-se Đào Thọ Sơn giã từ trần thế, cũng đúng vào ngày này năm nay 2018, anh chị em ly hương của giáo xứ Đồng công lại tổ chức kỷ niệm lần thứ 12 xuyên suốt. Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, con người không loại trừ ai ra khỏi định mệnh này, vậy buồn sầu chi nữa mà hãy vui lên, đổi ngày giỗ kỵ này thành mốc đoàn tụ đồng hương, ý nghĩa lắm đấy ạ!
Mười một lần đã thưc hiện liên tục mỗi năm, quả là đáng khen ngợi. Những người xa xứ lại hẹn hò rồi hội ngộ, tay bắt mặt mừng, tíu tít thăm hỏi, chuyện nọ chuyện kia, không đuôi không đầu, câu được câu mất mà sao ấm cúng lạ kỳ, từ khắp nẻo các địa phương, quy định một nơi tái ngộ, bao ký ức hiện về, tựa cá gặp mùa nước nổi, như chim tụ họp mùa xuân.
Thầm khen cho những người tình nguyện làm công việc kêu vời, họ chẳng ăn giải gì mà sao nhiệt tình đến vậy. Bốc đồng ư? Chẳng phải! Muốn nổi sao? Để làm gì! Xin đừng phê phán mà thay vào là sự cảm ơn, xin chớ chê bai mà đổi lại ân cần. Họ là những cây cầu liên kết, những chuyến đò nối liền bờ vui. Công việc nhân sinh ai cũng cuống cuồng tất bật, chạy vạy mưu sinh, thế mà còn kê vai vác ngà thiên hạ. Cừ lắm, đáng trân trọng!
Nhiều năm trôi qua rồi nhỉ? Lúc ấy họ còn niên tráng, có thể nông nổi nhưng đầy ắp  nhiệt tình. Ngày tháng cứ trôi, khuôn mặt mỗi năm lại hằn thêm vài vết, tuy còn năng nổ nhưng đã có dấu hiệu âm trầm, tuổi già bắt đầu ập đến. Ôi  cái vết thời gian nghiệt ngã.
Đâu chỉ mỗi năm một lần tái ngộ, mà còn những sớt chia không hẹn. Những người đáo hạn nhân sinh hay đột nhiên ngang bỏ cuộc chơi trần thế, lại thông báo cho nhau, bằng phương tiện truyền thông, đến biệt ly lần cuối, ủi an người ở lại vơi bớt sầu đau, cầu cho người đi sớm an cư nơi miền đất Hứa. Hằng luôn vững chãi vào niềm tin bén rễ: Sự sống chỉ thay đổi mà không hề mất hẳn.
Ai đã đi xa mới biết đau đáu nhớ quê nhà, con kinh dài thẳng tắp chia cánh đồng rộng lớn, nghề nông xưa nhọc nhằn mà giờ đây mỗi năm thêm quy mô nhàn nhã, lúc ra đi đường xá mấp mô, nhà cửa tềnh toàng, nay trở về nhẵn nhụi bê-tông, cửa ngõ cầu đưòng khang trang hoàn tất. Người đi đa phần nỗ lực làm ăn nên càng khấm khá, mát mặt lắm thay, ngả mũ chào cố hương đó.
Tất cả vì đâu? Phải chăng mưa lâu thấm đất, nhờ truyền thống giáo dục gia đình, hưởng sự dắt dìu của các chủ chăn, các con chiên đã hoàn toàn thuần hoá. Không những chỉ Cố Sơn, Cố Uyển, Cha giáo Hải, mà cả những vị tiền bối trước: Cha già Thăng, cha già Mục, cha già Báu… Các ngài liên lỷ hướng dẫn giáo dân trong xứ toàn tòng, những chân lý trong Kinh Thánh, những tri thức góp nhặt lại trải ra, những kinh nghiệm đời thường, đã tạo nên nhiều nỗ lực thành quả.
Chắc chắn một điều, trong niềm tin nơi Hội thánh thông công, các ngài ấy hằng cầu bầu cho chúng ta, xin Đấng toàn năng ban cho nhiều ân sủng, cả thể xác mong manh và linh hồn vĩnh cửu, càng thêm nguồn bảy ơn sức mạnh.
Tôi mở cuốn Kinh Thánh, sách Gioan đoạn 12 câu 24 chép rằng: “Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Gấp sách lại tôi chìm trong nhận định nhỏ nhoi, nhưng quả là chính xác đến tuyệt vời.
Hạt giống ấy tuy rữa mục, nhưng đã trổ sinh đơm hoa kết trái, từ một xứ đạo khô khan nhếch nhác, nay đã sinh hoạt đạo đức rộn ràng, lại có lớp trẻ học hành thành đạt, một số cương quyết dấn thân, nam làm linh mục, nữ làm bà phước, tuy chưa nhiều nhưng là một tín hiệu phấn khởi, giáo dân không còn oán hờn nhau, tranh cạnh chi ly nhỏ nhặt, kẻ đi thương nhớ quê nhà, người ở ngóng trông chờ tao ngộ, nhiều phương trời mà tâm hồn quy về làm một. Đẹp thay!
Bùi Nghiệp



Không có nhận xét nào: