(15/09/2013) - (Lc.15,1-32)
Nguyên văn Bài Tin mừng:
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Người nào trong các ông có một trăm cho chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bèm hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã dánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa….’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’
Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”
______________________________
Phân tích và Chia sẻ.
Mở đầu bài Tin mừng Kinh thánh viết: ______ Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng”
Ta đã từng nghe Đức Giêsu trả lời cho Kinh sư và người Pharisêu khi chất vấn, tại sao Ngài năng lui tới với những người tội lỗi, Ngài nói: Chỉ người đau yếu mới cần đến thầy thuốc, còn người khỏe mạnh thì không. Người tội lỗi là những người đau yếu thật sự trong tâm hồn, còn Đức Giêsu, sứ mạng của Ngài khi đến trần gian là để đưa mọi người về với Thiên Chúa,vì mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa, như vậy Đức Giêsu được ví như người thầy thuốc.
Những người thu thuế là những người làm ăn sinh sống bằng những nghề khá mập mờ. Thế nên, họ chẳng lưu tâm đến luật lệ của Thiên Chúa trong lý thuyết lẫn trong thực hành; họ chẳng cần biết đến những giá trị tinh thần, những cái họ coi là chỉ tổ mất thì giờ và bất lợi. Họ còn có thái độ khinh dể những nơi thờ phượng nữa.
Còn những người tội lỗi, họ chỉ thấy bình thản khi lãng quên Thiên Chúa và cố tránh né mọi bận tâm về tôn giáo.
Cả hai loại người này được coi là những người đau yếu trong tâm hồn, mặc dù họ có vẻ không quan tâm đến nhu cầu tinh thần, nhưng trong thâm tâm mỗi người đều nhận thấy có cái gì đó không ổn, vẫn văng vẳng đâu đó tiếng nói tra vấn, trách móc, không thể tiếp tục sống như vậy được, phải bắt đầu lại. Nhưng phải bắt đầu lại từ đâu bây giờ? Họ không tìm thấy sự thu hút nơi Kinh sư và Pharisêu, vì họ nhận thấy nơi những con người này đầy sự giả dối. Chẳng thà tội lỗi như họ mà hay hơn, vì họ đã dám sống trung thực với chính mình. Khi Đức Giêsu xuất hiện rao giảng Tin mừng, nghe lời Ngài giảng dạy họ đã bắt đúng nhịp, họ bị lôi cuốn, do đó họ tuốn đến với Ngài.
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với chúng.”
Những người Pharisêu, đại biểu cho thành phần tôn giáo ‘đạo gốc’, là những nhà đạo đức chuyên nghiệp, những người sùng đạo nhiệt thành, những người hoàn toàn không thể trách cứ: tóm lại họ là thành phần đạo đức ưu hạng.
Các luật sĩ là những nhà chuyên môn, những người thông thạo lề luật và thực hành về tôn giáo, thông thái về khoa giáo điều, nói những lời đáng tin về Thiên Chúa. Và hẳn là những hạng người này đã không đến với Đức Kitô, có chăng là tính cách địch thủ, hầu hại Ngài và làm cho Ngài ‘mất tín nhiệm’.
Cả hai loại người này tự cho mình là công chính, họ không cần đến thầy thuốc, họ có một quan niệm rất ẫu trĩ: cho rằng người đạo đức không được gần gũi với người tội lỗi, tránh càng xa càng tốt. Dưới con mắt họ, Đức Giêsu là người khó hiểu, họ không hiểu tại sao: một người như Ngài lại giao du với bọn tội lỗi và thu thuế, có khi còn cả bọn gái điếm.
Để trả lời cho những suy nghĩ thầm kín đó, Đức Giêsu đã đưa ra ba dụ ngôn:
+ Dụ ngôn tìm con chiên bị thất lạc.
+ Dụ ngôn tìm đồng tiền bị mất.
+ Dụ ngôn Người cha nhân hậu.
______________________________
Dụ ngôn thứ nhất: Tìm con chiên bị thất lạc
Kinh thánh viết tiếp: _________ “Người nào trong các ông có một trăm cho chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bèm hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Vì Bài Tin mừng khá dài, có tất cả ba dụ ngôn, nên hai dụ ngôn đầu ta chỉ lướt qua mà tập trung phân tích cho dụ ngôn thứ ba, là dụ ngôn kinh điển của Kinh thánh.
Đoạn Tin mừng trên là Dụ ngôn thứ nhất, nó được gọi là: “Dụ ngôn Tìm con chiên bị thất lạc”. Dụ ngôn này có các điểm chính như sau:
(1) Không nói lý do con chiên đi lạc: Người mục tử không cần biết lý do, ông chỉ biết sứ vụ của ông là đi tìm nó.
(2) Lòng nhân từ của người chăn chiên: Ông đi tìm cho được con chiên lạc, chứ không đợi cho chiên lạc trở về. Sẵn sàng bỏ lại 99 con để đi tìm con chiên bị mất.
(3) Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ vác chiên lên vai. Ông không đánh chiên vì tội đi lạc, cũng không làm chiên xấu hổ vì tội đi lạc; nhưng chứng tỏ cho chiên biết nó được yêu thương qua việc vác chiên trên vai.
(4) Kêu gọi bạn bè và hàng xóm đến ăn mừng: Lý do ăn mừng là tìm được con chiên bị mất. Một con chiên thế nào đi nữa đều có giá trị với người mục tử nhân lành.
Câu trả lời của Đức Giêsu cho Kinh sư và Pharisêu nằm ở cuối của dụ ngôn: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
______________________________
Dụ ngôn thứ hai: Tìm đồng tiền bị mất.
Kinh thánh viết tiếp: _________ “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã dánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Tương tự, Dụ ngôn này có các điểm chính như sau:
(1) Chẳng để ý đến lý do bị mất.
(2) Bà làm hết mọi cách để tìm cho kỳ được: thắp đèn, quét nhà, moi móc. Thiên Chúa cũng làm mọi cách để tìm cho được các tội nhân và đưa về.
(3) Ăn mừng? Nhiều người châm biếm: Bà phải tiêu 9 quan kia để mở tiệc ăn mừng đãi hàng xóm! Câu truyện không nằm chỗ đó; nhưng nếu có phải tiêu hết 9 quan, Thiên Chúa cũng cho Bà 10 quan khác.
Câu trả lời của Đức Giêsu cho Kinh sư và Pharisêu nằm ở cuối của dụ ngôn: “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
______________________________
Dụ ngôn thứ ba: Người Cha nhân hậu. (Không trích dẫn lại)
Dụ ngôn này có các tên gọi sau đây:
+ Dụ ngôn người con hoang đàng.
+ Dụ ngôn hai người con hoang đàng.
+ Dụ ngôn người cha phung phí.
+ Dụ ngôn người cha nhân hâu.
Sở dĩ Dụ ngôn có đến 4 tên gọi, vì khi phân tích, tùy theo ta nhấn mạnh quan điểm nào, mà dụ ngôn có tên gọi theo quan điểm đó, trong phần phân tích sau đây, ta sẽ hiểu được cả 4 tên gọi trên. Nhưng cái tên gọi “Dụ ngôn Người Cha nhân hậu” mới diễn tả chính xác nhất Tình yêu của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Đây là dụ ngôn kinh điển trong Kinh thánh, tức tiêu biểu cho mọi dụ ngôn, là áng văn sâu sắc và hay nhất trong Kinh thánh.
Dụ ngôn Người Cha nhân hậu sẽ bổ túc cho hai dụ ngôn trên.
Trong hai dụ ngôn vừa mới xét: Chính Thiên Chúa đi tìm người tội lỗi (Người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, người đàn bà tìm đồng tiền bị mất)
Trong dụ ngôn thứ ba: Người tội lỗi tìm về với Thiên Chúa (Người con hoang tự trở về với cha mình).
Vì Đức Giêsu đang trả lời cho Kinh sư và Pharisêu: Tại sao Ngài đến với những người tội lỗi, nên các nhân vật trong Dụ ngôn sẽ phản ánh cho các nhân vật trong sự kiện hôm nay. Dụ ngôn có các nhân vật:
+ Người con thứ: Ám chỉ người thu thuế và tội lỗi.
+ Người con cả: Ám chỉ Kinh sư và Pharisêu.
+ Người cha: Ám chỉ Thiên Chúa, cụ thể là Đức Giêsu.
______________________________
NGƯỜI CON THỨ
Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa.
Ta có thể đặt vấn đề: Tại sao đang sống yên ổn trong gia đình, người con thứ lại đòi chia gia tài? Anh ta đòi chia vì động lực gì?
Trước hết, nguyên việc đòi chia gia tài, đã cho biết anh ta là đứa con bất hiếu, vì theo luật Do Thái, người cha có thể định đoạt về của cải của ông hoặc bằng một di chúc được thi hành sau khi ông qua đời (Ds 36,7-9; 27,8-11). Như vậy, việc chia gia tài chỉ có hiệu lực khi người cha đã mất, và luật pháp sẽ dựa vào di chúc này để phân chia, không có chuyện chia gia tài khi người cha còn sống.
Người con thứ đòi chia gia tài có phải vì gia tài không? Xin thưa: KHÔNG.
Vì theo luật Do Thái, Trưởng nam được hưởng “hai phần sản nghiệp”, nghĩa là gấp đôi phần được ban cho mỗi người con khác (Đnl 21,17). Ở đây, vì chỉ có hai đứa con, người con cả được nhận hai phần ba và người con thứ nhận một phần ba. Khi đó, người con có quyền sở hữu, nhưng quyền thu hoa lợi vẫn thuộc về người cha cho đến khi ông qua đời. Nếu người con bán phần gia sản của mình, người mua chỉ được nhận lấy sau khi người cha chết. Khi làm như thế, người con sẽ không còn có quyền đòi hỏi gì về của cải, cả về vốn lẫn lãi.
Như vậy, khi người cha còn sống, thì quyền thu hoa lợi vẫn thuộc về người cha, ngay cả người con bán đi phần của mình, thì người mua chỉ được làm chủ khi người cha của người bán qua đời. Nhưng trong Tin mừng nói rõ: Người cha vẫn chia gia tài và vẫn cho phép người con thứ thu gom phần của mình để trảy đi phương xa làm ăn. Do đó, có người nói, đây là “Dụ ngôn người cha phung phí”.
Như vậy, người con thứ đòi chia gia tài vì lý do gì? Xin thưa: VÌ MUỐN ĐƯỢC TỰ DO.
Mặc dù đang sống trong mái ấm gia đình, được tình yêu thương của người cha, được hưởng tất cả những gì của người con, nhưng anh vẫn cảm thấy có một cái gì đó ngột ngạt, có một cái gì đó khuôn phép và anh phải tuân theo cái khuôn phép đó, anh không được làm bất kỳ những gì mình muốn. Cái gia đình kia, dù nó to lớn thế nào, dù của cải đầy ắp thế nào, từ lâu anh đã coi nó như một chiếc lồng giam hãm, mà mình muốn thoát ra khỏi cái lồng đó bất cứ lúc nào. Sự khao khát tự do đó mỗi ngày một mãnh liệt và ngày hôm nay anh quyết định xin cha chia gấp gia tài để ra khỏi chiếc lồng đó. Cha muốn chia thế nào tùy ý cha, điều đó đối với anh không quan trọng, anh không hề bận tâm.
Người con thứ là hình ảnh của người thu thuế, người tội lỗi và cả chúng ta, vì chúng ta luôn muốn dứt ra khỏi sự yêu thương của Thiên Chúa, cho dù Thiên Chúa có là Người Cha đầy lòng nhân hậu, nhưng cái khao khát tự do của ta mới là cái cháy bỏng. Ta muốn làm gì là tùy ý ta và không muốn bị hạn chế bởi bất cứ quyền lực nào, đó mới là con người trọn vẹn, vì tự do là món quà cao quý mà Thiên Chúa ban cho con người.
Thế nhưng quan niệm tự do như vậy có đúng không? Xin thưa: KHÔNG. Vì ngay tự bản chất, ta chỉ là loài thụ tạo, được Thiên Chúa dựng nên chứ không phải tự mình mà có, nên ta phải ở trong và lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Khi vẫn còn ở trong Thiên Chúa, ta mới có hạnh phúc và ta mới là con người đích thực, vì vẫn ở trong và kết hợp với Đấng dựng nên mình. Nếu ta dứt ra khỏi Thiên Chúa, tức ta đã dứt ra khỏi nguồn sống, kết quả chỉ là sự thảm hại như phần Tin mừng sau đây dẫn chứng.
“Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.”
Anh ta đã phung phí hết tài sản của mình trong các cuộc vui chơi bất tận, cho bọn đĩ điếm và bây giờ đã khánh kiệt. Ta không hiểu tại sao anh không vạch ra cho mình một phương án, một chương trình để gầy dựng cuộc sống mới tốt đẹp, với tài sản mình đang sở hữu mà lại phung phí như vậy?
Xin thưa: Vì cái nguyên nhân đòi chia gia tài để trẩy đi phương xa không phải vì gia tài, mà chỉ muốn sống một cuộc sống tự do. Tiền bạc, của cải anh đang sở hữu không phải do mồ hôi nước mắt anh làm ra, nên đối với anh chỉ là đồ vô nghĩa. Bây giờ anh đã toại nguyện, muốn làm gì thì làm không có ai ngăn cản. Nhưng kết quả thật thảm hại. Anh không ngờ khi làm như vậy cứ tưởng mình được tự do, trái lại mình trở thành tên nô lệ cho chính mình.
Bao giờ cũng vậy, khi từ vạch xuất phát đi lên đỉnh cao, nếu từ đó rơi xuống, nó không rơi xuống trở lại đúng vạch xuất phát mà còn sâu hơn nữa, phải xuống tận đáy bùn đen. Cũng vậy, anh đang ở địa vị người con, là ông chủ tương lai bây giờ rơi xuống còn thua cả con vật. Anh đi chăn heo, đã là điều tệ hại, vì heo là con vật ô uế đối với quan niệm Do Thái. Chưa dừng lại đó, anh còn muốn bằng con heo cũng không được, vì anh muốn ăn thức ăn của heo nhưng không ai cho. Như vậy, chính cái tự do mà anh mong muốn, đã biến anh từ một ông chủ con xuống dưới cả con heo nữa.
“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”
Và trong lúc cùng đường, trong lúc thất bại ê chê, anh mới nhận ra sự ngu ngốc của mình. Anh trộm nghĩ, nếu cứ kéo dài tình trạng này anh sẽ chết. Chính vì vậy anh quyết tâm trở về với cha mình, soạn sẵn trong đầu những câu nói sẽ làm cha mủi lòng. Anh chỉ muốn cha coi anh như người làm công, chứ không dám mong gì hơn nữa. Trong ý nghĩ của anh không thấy một lời xin lỗi nào, mà chỉ mong thoát khỏi nạn đói này. Như vậy, anh trở về với cha không phải tư cách của một người con, nhưng là một tên đầy tớ. Cái động lực trở về không có gì tốt đẹp, chỉ quanh quẩn cái chuyện bao tử.
Nhưng khi trở về, chính thái độ yêu thương của người cha mới thực sự biến đổi anh và đưa anh trở về địa vị người con đúng nghĩa.
Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa….’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
Anh đã thưa với cha theo như kịch bản soạn sẵn, nhưng mới chỉ thưa hết phần đầu cha anh đã ngắt ngay, không để anh nói tiếp. “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa….” Anh chỉ muốn trở thành người làm công, cha anh hiểu anh muốn nói gì, nhưng không có người cha nào lại cho phép điều đó xảy ra. Anh phải là con, là con đúng nghĩa. Ta không thấy người cha có một câu nói trách móc nào, vì ông đang thật sự hạnh phúc, chỉ nguyên việc trở về của anh cũng đủ làm cho ông mãn nguyện rồi, đâu cần phải hỏi han gì nữa. Cha anh sai gia nhân xỏ nhẫn, xỏ dép, mặc áo đẹp nhất,... ông muốn nói với anh: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Qua người con thứ này, chúng ta hiểu được Tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta, là những con người tội lỗi. Nếu chúng ta có can đảm trở về với Ngài, Ngài sẽ tha thứ hết không một chút gì trách móc và phục hồi quyền làm con mà ta đã mất vì tội lỗi.
______________________________
NGƯỜI CON CẢ
Lúc người con thứ trở về, người con cả đang làm việc ngoài đồng. Khi trở về, anh nhận ra trong nhà có chuyện lạ. Sau khi hỏi một người đầy tớ, anh ta hiểu chuyện; anh không thể chấp nhận được, anh nổi giận. Ta thông cảm với anh. Vì anh không chịu vào nhà, người cha đã ra gặp. Thế là anh cho tuôn ra hết những gì vẫn chất chứa tận đáy lòng: anh nói với giọng chua cay, nhưng kể ra đúng các sự việc. Theo anh, đúng là người cha đã xử sự bất công! Những người Pharisêu và các kinh sư cũng nghĩ rằng họ có lý khi tỏ ra khó chịu với Đức Giêsu.
Trước tiên người con cả nói về chính mình: “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Chắc chắn đấy cũng là lý tưởng của người Pharisêu và các kinh sư: “phục vụ” Thiên Chúa bền bỉ, và rất chú ý để không bao giờ vi phạm một điều răn nào.
Sau đó, người con cả nói về em với giọng hết sức khinh bỉ. Anh không gọi là “em con”, nhưng nói là “thằng con của cha đó”. Điều này cũng giống như người Pharisêu trong dụ ngôn Lc 18,10-14 nói đến “tên thu thuế kia” với giọng miệt thị.
Như thế, Đức Giêsu đã ngỏ lời với những người vẫn nghĩ rằng mình là những tôi tớ tốt lành, luôn quan tâm để không bao giờ thiếu sót một điều răn nhỏ. Khi đó, họ nghĩ họ có nhiều quyền; họ tỏ ra khó chịu, không phải đối với người tội lỗi, nhưng đối với chính Thiên Chúa vì Ngài đã đối xử với kẻ tội lỗi như vậy: Nếu như thế, sống đạo đức còn ích lợi gì? Nếu như thế, sống trung thành và vâng phục Thiên Chúa còn có ý nghĩa gì nữa?
______________________________
NGƯỜI CHA
Người cha trông mong người con thứ từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt thúc đầy tớ chuẩn bị lễ mừng. Ông chẳng màng đến bài diễn từ bần tiện của anh ta. Ở nhà có con bê béo, ông quyết định cho giết ngay để ăn mừng. Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay nó lại được tìm thấy. Quá khứ không còn gì đáng kể, điều quan trọng là nó đã trở về!
Đã không muốn nghe lời hối lỗi của con thứ, nay người cha lại để cho người con cả tha hồ nói lên những tâm tình chua chát. Sau đó, ông đã trả lời với giọng dịu dàng âu yếm. Qua lời ông nói, người con cả chẳng còn lý do gì mà nói rằng cha xử bất công với mình nữa. Nhưng ông tế nhị điều chỉnh: “vì em con đây…”. Nếu cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào người anh lại không vui sướng khi gặp lại em?
Chúng ta không bao giờ biết được phản ứng sau đó của người con cả (nghe theo đề nghị của cha? Đi vào nhà và chào em? Đi vào ăn tiệc chung vui?). Chúng ta cũng không biết người con thứ được sống theo chế độ nào, anh ta sẽ đáp lại thế nào. Dù sao, toàn chương 15 Tin mừng Luca giống như một bài ca chan hòa niềm vui, được tấu lên để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm lại được điều mà họ đã mất.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét