Sau khi viết xong bài “ông xã” với thói độc tài và độc đoán
của mấy anh chồng cà chớn, gã cảm thấy thơ thới hân hoan như vừa mới giải tỏa
được nỗi u uất trong lòng, bởi vì từ rày mà đi, lỡ có vác cái bản mặt ra ngoài
đường, thì cũng không sợ các bà các cô lườm nguýt vì tội hay nói dông nói dài,
nói xỏ nói xiên về phe…ta.
Và thế là gã bèn tự thưởng cho mình một điếu thuốc lào, rồi
lơ tơ lơ mơ, vểnh mấy cọng râu cá chốt mà suy gẫm chuyện đời. Đang lúc ngon
trớn, “xì tốp” lại không kịp, nên chi gã bèn tiếp tục kể tội đờn ông với cái
thói đào hoa phong…đòn gánh, chuyên môn dùng những lời đường mật, hay vung tiền
dụ khị con gái nhà người ta làm…bồ nhí cho mình.
Hôm nay người ta không thể nào chấp nhận chủ trương :
- Trai năm thê bảy thiếp.
Trong khi đó :
- Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Thế nhưng, đối với xã hội ngày xưa thì đó lại là chuyện
thường ngày ở huyện. Vì cớ làm sao lại xảy ra như thế ?
Vốn thuộc nòi “bần cố nông”, khố rách áo ôm, gã nhận thấy
rằng nghề làm ruộng có nhiều công việc nặng nhọc, từ khâu dọn đất, xuống giống,
cấy dặm và làm cỏ, đến khâu bón phân và xịt thuốc, từ khâu gặt hái, phơi phóng
đến khâu dí bồ… Ngay cả việc bán lúa cũng cần tới những người khỏe mạnh để cân
đo đong đếm.
Những công việc nặng nhọc này đòi hỏi phải có nhiều người,
chứ chỉ một hay hai người thì không thể nào cáng đáng cho xuể. Mà muốn có nhiều
người trong gia đình, thì phương cách bảo đảm và an toàn nhất, chính là lấy
nhiều vợ.
Vì thế, các xã hội nông nghiệp ngày xưa vốn chủ trương đa
thê, tạo thành một vòng tròn khép kín trong cái đại gia đình để của cải khỏi bị
thất thoát ra người dưng nước lã.
Hơn thế nữa, nhiều khi thiên hạ còn đánh giá sự giàu sang và
uy quyền cũng như cốt cách phong lưu của một người qua số vợ mà người ấy đã
cưới, cũng như qua số thê thiếp mà người ấy đã “tậu”.
Cái khó là anh chồng phải làm thế nào để điều khiển được một
nội cung toàn đờn bà con gái của mình, tránh đi những sự hờn ghen, lườm nguýt
và cấu xé lẫn nhau, vì bà nào cũng chỉ muốn được lên ngôi “ái khanh” mà
thôi. Vì thế, trong thiên hạ mới có câu :
- Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.
Chuyện rằng :
Với một sinh lực dồi dào và với một thân thể cường tráng,
năm bảy mươi ba tuổi, Nguyễn công Trứ vẫn còn cưới nàng hầu. Và ông có tất cả
mười bốn bà vợ.
Đêm tân hôn, giai nhân hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông đã chẳng
ngần ngại đáp :
- Ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Nghĩa là năm mươi năm về
trước, anh mới chỉ có hai mươi ba tuổi hà.
Còn hôm nay, với phong trào giải phóng phụ nữ, đờn bà con
gái đòi bình đẳng với đờn ông con giai, thậm chí còn muốn lấn sân, vượt lên
trên theo kiểu qua mặt không cần bóp còi :
- Ba đồng một chục đờn ông,
Ta bỏ vào lồng, ta xách đi chơi.
Ai ngờ dây đứt, lồng rơi,
Nó bò lổm ngổm mỗi nơi một thằng.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xóa bỏ tập tục đa
thê, đồng thời chủ trương chế độ một vợ một chồng , nên chị em phụ nữ thường
thỏ thẻ, tỉ tê tâm sự mí nhau :
- Chém cha cái kiếp chồng chung.
Hay :
- Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Tuy nhiên, luật là một chuyện, còn lệ lại là một chuyện
khác. Và nhiều khi :
- Phép vua thua lệ làng.
Vì thế cho nên vẫn có những chuyện lôm côm trong lãnh vực
này, mặc dù luật hôn nhân và gia đình của các dân các nước đề hết sức rõ ràng
và minh bạch.
Tới đây, gã xin ghi lại một vài mẩu chuyện tưởng như đùa mà
lại hóa ra có thật ở Việt Nam trong những ngày gần đây, đã được báo Công An
đăng tải.
Chuyện thứ nhất, đó là hợp đồng xin làm…vợ.
Cách đây bảy năm, T. là một cô sinh viên từ Quảng Ngãi vào
học đại học Kinh tế tại Thành phố Hồ chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, T.
quen với P. (do môi giới của một chủ quán cà phê), một cán bộ đã ngoài bốn mươi
tuổi, nhưng trông còn dáng vẻ trai trẻ và tỏ ra thông cảm với cô nữ sinh viện
đang gặp khó khăn về cuộc sống vật chất. Thế là lần gặp sau, P. chẳng ngần gại
đưa ngay cho T. bản hợp đồng xin…làm vợ được qui định như sau :
Suốt bốn năm đại học, T. và P. chung sống với nhau như vợ
chồng. P. sẽ đài thọ từ A đến Z về mọi chi phí để học tập. Riêng T. phải
phục vụ chu tất cho P. như một người vợ thực sự, nhưng không để xảy ra chuyện
có con và trong thời gian này, T. không được phép có bạn trai. Nếu không thực
hiện đúng các điều trên, P. sẽ cắt hợp đồng trước hạn.
Thế nhưng, để có cuộc sống an nhàn ăn học mà chẳng mất mát
gì (?), T. nghĩ cuộc sống thật giản đơn về chuyện suốt bốn năm trời, mặc dù
phải chung sống với một người đàn ông lừa lọc, nên đã đồng ý với hợp đồng.
Suốt bốn năm đèn sách với cuộc sống bất đắc dĩ để đổi lấy
tấm bằng đại học Kinh tế loại trung bình, đến khi T. tỉnh ra thì mọi chuyện đã
rồi. Và T. hết sức đau đớn khi biết mình không còn khả năng làm mẹ, bởi suốt
thời gian chung sống với P. do phải thực hiện đúng hợp đồng nên T. đã nhiều lần
đi phá thai.
Chuyện thứ hai, đó là góp vàng xin…làm vợ bé.
Cách đây mấy năm, một hôm đang đi trên đường, cô Út, ngụ tại
Bến Tre, chẳng may bị choáng váng và không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, mới
hay mình đang nằm trong bệnh viện là nhờ một người khách tốt bụng có tên là NVT
đưa cô tới đây.
Năm đó cô Út đã ngoài ba mươi tuổi. Khi cha mẹ qua đời để
lại cho cô một tài sản nho nhỏ, song nhờ biết cách làm ăn nên đã tạo được một
cơ ngơi khá ổn định. Trong lần tai nạn này, cô luôn “biết ơn” anh T. vì đã khổ
công giúp đỡ cô.
Vì vậy, trong nhiều lần thiếu vốn làm ăn, cô Út sẵn lòng trợ
giúp và tình cảm nẩy sinh ngày càng sâu đậm. Cho tới một ngày, cả hai quyết
định phải có cuộc họp mặt cùng gia đình T. để phân trần.
Trong cuộc hội ngộ, cô Út thưa :
- Thưa mẹ, thưa chị (mẹ và vợ anh T.), con và anh T. lỡ
thương nhau…Con biết phận mình nên chấp nhận làm vợ nhỏ. Con xin đóng góp hai
cây vàng để lo chuyện nhà cửa…
Sau đó, cả nhà cùng vui vẻ bên mâm cơm tác hợp thêm một
“thành viên” của gia đình.
Thế rồi, một thời gian dài họ vẫn sống êm ấm giữa hai người
đàn bà cùng một tấm chồng. Nào ngờ mới đây bỗng nhiên chị T. đòi lại chồng
(!), anh T. tuyên bố bỏ cô Út để về với “vợ ruột” và không chịu “lỗ vốn”
nên cô Út cũng nổi sung đòi lại hai câyvàng.
Mọi chuyện khi vỡ nhẽ thì cả ba đều vi phạm luật hôn nhân
gia đình, riêng cô Út có lẽ là người đau nhất.
Chuyện thứ ba, đó là tờ ly hôn có…hai bà vợ cùng ký.
PHV, ngụ tại Đồng nai, cưới vợ là LTT vào năm 1986. Thời
gian sau, T. sinh con đầu lòng. Em gái T. tên là LTH, đến ở giúp đỡ chị
gái lúc sanh nở. Ai dè chị T. vừa cứng cáp thì H. bỗng có thai. Chị T. truy hỏi
mãi, H. mới thú nhận hậu quả này do quan hệ với anh rể. Thế là chị T. đành phải
chấp nhận cuộc sống một chồng, hai vợ với V. và H.
Từ đó, V. làm chồng còn sung sướng hơn cả làm…vua. Chị em T.
và H. tha hồ làm lụng vất vả để cung phụng cho V. Vậy mà nào có được yên. V.
luôn đánh đập ngược đãi hai bà vợ bất cứ lúc nào anh ta cảm thấy không hài
lòng.
Đầu năm 1999, hai chị em bị hành hạ đến độ không còn chịu
nổi, bèn hè nhau cùng viết đơn xin ly hôn với V.
Những truờng hợp hi hữu kể trên phải chăng chỉ là những tia
nắng cuối cùng còn sót lại và lóe lên khi hoàng hôn đã buông xuống, hay chỉ là
một thoáng âm ấm trước khi đi vào giá lạnh bóng đêm theo kiểu mặt trời lặn
nhưng sức nóng vưỡn còn.
Chế độ đa thê đã bị cấm tiệt, nhưng xem ra một vài “cụ trong
rân” vưỡn còn tiếc xót cho “thời oanh liệt” nay còn đâu và thế là những cụ ấy
tìm cách luồn lách mà đèo bòng vợ nọ con kia. Vì thế, trong dân gian mới nảy
sinh ra hai tiếng “bồ…nhí”.
Mấy anh lơ xe đò, sáng tỉnh này chiều tỉnh kia và để lấp đầy
khoảng trống trong lúc chờ tài, bèn kiếm thêm một cô bồ nhí để được chiều
chuộng và chăm sóc, thành thử vợ cả một nơi, còn bồ nhí một nẻo. Nếu không bị
phát giác và đổ bể, thì lúc nào anh ta cũng oang oang ngoác mồm ra mà thề sống
thề chết mí đầu gối rằng :
- Mình lúc nào cũng trung thành, cũng thủy chung quá cỡ thợ
mộc.
Sở dĩ như vậy vì lúc này và ở đây anh ta chỉ có một bà mà
thôi. Vì thế thiên hạ bèn gọi cái sự một vợ một chồng của mấy anh lơ xe đò là :
- Nhất phu nhất phụ, mỗi mụ một nơi.
Còn những ông Việt kiều, vì đồng Mỹ kim rất có giá ở đất
nước nghèo túng này, nên với một dúm đô la trong tay, ông ta có thể tiêu xài
vung vít, mặc sức thỏa mãn những thói hư tật xấu của mình. Với sức hấp dẫn của
những tờ giấy bạc màu xanh ấy, ông ta có thể kiếm cho mình không phải một mà là
dăm ba cô bồ nhí một lúc cũng dễ như trở bàn tay vậy.
Chính cụ chủ nhiệm đã từng cả tiếng lại dài hơi mà than van
với gã và gã cũng đã từng bật mí cho bàn dân thiên hạ trong bài về “bà
xã” như sau :
“Ở Thụy sĩ cũng như ở các nước Âu Mỹ nói chung, các
đấng ông chồng mày râu thường về Việt Nam chim chuột…lang chạ hay kiếm đại bà
vợ bé nào đó để dành, lâu lâu vừa trở lại thăm quê hương, vừa đi nghỉ hè, lại
vừa có sẵn của xài mà vợ con không mấy khi hay biết.”
Chẳng hiểu lời than thở trên đây có bi quan lắm không ? Và
nếu có đúng, thì đúng được bao nhiêu phần trăm ? Chắc chỉ có mình Đức Chúa Trời
phép tắc và thông suốt vô cùng thì mới biết được mà thôi.
Còn ở trong nước, ngoài cái kiểu “nhất phu nhất phụ mỗi mụ
một nơi” của mấy anh lơ xe, thì một vài vị quan chức và dân mánh mung, thừa
tiền nhưng lại thiếu đạo đức, được lúc ăn no rửng mỡ cũng vơ đại cho mình một
cô bồ nhí để trang trí cho cuộc đời, cũng như để đáp ứng những đòi hỏi
của con lợn lòng.
Vậy thế nào là bồ nhí ?
Theo sự suy luận thô thiển của gã, thì trước hết bồ có nghĩa
là phe cánh, chẳng hạn như khi đánh bạc, người ta thường cặp bồ, hay bắt bồ mí
nhau.
Còn trong ngôn ngữ dân gian,thì bồ có nghĩa là bạn thân.
Riêng trong mối liên hệ giữa đờn ông và đờn bà, giữa con giai và con gái, bồ
còn có nghĩa là người tình hay người yêu.
Tiếp đến là chữ nhí. Nếu gã không lầm thì chữ nhí, dưới một
góc cạnh nào đó, cũng đồng nghĩa với chữ nhỏ.
Hồi học lớp đệ ngũ, trong lớp của gã có hai cô nường tên là
Thủy. Một cô thì “ăn gì to lớn đẫy đà làm sao”, còn một cô thì ngược lại, mai
cốt cách tuyết tinh thần, vừa thấp, vừa bé, lại vừa ốm tong ốm teo. Cô nường
này mà leo qua cầu khỉ chắc chắn sẽ bị gió thổi bay và nếu có đi thi sắc đẹp,
thì thế nào cũng ẵm được cái vương niệm “hoa hậu tăm tre Việt Nam”.
Và để phân biệt, thiên hạ đã đặt cho mỗi cô nường một
cái…hỗn danh.
Với cô nường to lớn đẫy đà, thiên hạ gọi đó là :
- Thủy…tồ.
Còn với cô nường hoa hậu tăm tre Việt Nam, thiên hạ bảo đó
là :
- Thủy…nhí.
Lê văn Đức trong “Việt Nam Tự điển” còn chua thêm một nghĩa
nữa cho chữ nhí, đó là lẳng lơ và liến xáo. Chẳng hạn nhí nhảnh có nghĩa là
lẳng lơ, hay se sua quần áo, sửa sang điệu bộ cốt được nhiều người để ý đến.
Gã nhận thấy quan hệ tình cảm giữa con giai và con gái, giữa
chàng và nàng được phân ra từng hồi.
Hồi thứ nhất, từ gặp nhau rồi đến yêu nhau. Và khi đã chịu
đèn và thương nhau, thì người ta lập tức liền có bồ, có người tình hay có người
yêu. Còn nói theo kiểu phim nhiều tập Hồng Kông, thì người ta có bạn giai hay
bạn gái.
Hồi thứ hai, từ yêu nhau rồi đến lấy nhau. Và khi đã lấy
nhau, thì người ta nghiễm nhiên trở thành anh chồng hay chị vợ, ông xã hay bà
xã, ngoài ra còn một lô những danh xưng khác người ta gán cho nhau tùy theo mức
độ tình yêu còn mặn nồng hay đã phai lạt. Thí dụ như :
- Mình ơi ! Đằng ấy ơi !
Hay :
- Cái con mụ kia hở !
Hồi thứ ba, từ lấy nhau rồi đến sinh con đẻ cái, người ta
bỗng dưng được thăng cấp, được lên đời, trở thành cha thành mẹ, thành ba thành
má, thành bố thành…bầm. Trong hồi này, người ta cũng thường gọi nhau bằng những
danh xưng tùy mức độ đậm nhạt của tình yêu.
Thí dụ như :
- Bố thằng cu…Mẹ cái đĩ.
Hay :
- Cha tiên sư cái con mẹ mày.
Ngoài ba hồi chính của chuyện tình trên đây, thỉnh thoảng gã
cũng ghi nhận được một hồi phụ. Hồi phụ này thường nằm lửng lơ con cá vàng đâu
đó trong hồi thứ ba, nghĩa là sau khi đã lấy nhau, đã sinh con đẻ cái, bỗng
dưng anh chồng dở quẻ, thiết lập “deuxième bureau”, tiếng phú lãng sa có nghĩa
là phòng nhì.
Tuy nhiên, không phải chỉ phòng nhì mà thôi, đôi khi còn có
cả phòng ba, phòng bốn…Cũng không phải chỉ có V2 mà thôi, đôi khi còn có cả V3,
V4…nữa. Những kẻ đi “tình tang” như thế được thiên hạ gọi là có…mèo, hay có
bồ…nhí.
Như có lần gã đã phân phô cùng bàn dân thiên hạ : có bồ, có
người tình hay có người yêu thì khác với có mèo hay có bồ nhí. Bởi vì loại có
trên thường là công khai, hợp pháp, mang nhãn hiệu trình tòa hẳn hoi, còn loại
có dưới bao giờ cũng thầm lén vụng trộm, chui lủi và bất hợp pháp.
Trong một cuộc đấu láo vung vít mí nhau tại câu lạc bộ “bồ
nhí”, mấy ông to gan lại bạo phổi, thiết lập phòng nhì, đã vuốt chòm râu dê của
mình mà xuất khẩu thành thơ.
Ông thì ngâm nga :
- Vợ là địch,
Bồ bịch mới là ta.
Khi chiến sự xảy ra,
Ta buộc về với địch,
Nằm trong lòng địch,
Ta vẫn nhớ đến ta.
Có ông lại cười khà khà mà ví ví von von. Coi vợ là cơm và
bồ nhí là phở :
- Sáng,
Chở cơm (vợ) đi ăn phở.
Trưa,
Chở phở (bồ) đi ăn cơm.
Chiều,
Cơm về nhà cơm,
Phở về nhà phở.
Tối,
Nằm với cơm,
Mà vẫn mong về phở.
Hai mẩu thơ trên dĩ nhiên không phải của gã phệu ra đâu,
nhưng là của một tác giả tên là Duyên Trường, được đăng trên tờ báo Phụ nữ Chủ
nhật. Gã xin thanh minh thanh nga như thế để khỏi bị mang tội “thuổng văn”
thiên hạ.
Nói về những hậu quả do bồ nhí đem lại, thiết tưởng không
cần bàn rộng tán dài làm chi, bởi vì cả và thiên hạ đều đã hay biết. Gã chỉ xin
tóm gọn vào mấy chữ T sau đây.
Trước hết là tốn tiền.
Thực vậy, cô bồ nhí nào cũng biết cái vị trí và thân phận
bấp bênh của mình, nên phải nhanh tay lẹ con mắt, vơ vét về càng nhiều càng tốt,
kẻo khi chiến tranh bùng nổ, xẻ nghé tan bầy, thì cũng có được tí chút làm vốn,
đảm bảo cho tương lai hậu vận.
Vì thế, cô nường lúc nào cũng nhõng nhẽo và vòi vĩnh, đòi
cái này, xin cái kia…từ cái tổ uyên ương đến những chi phí hằng ngày. Và trong
lúc máu hào hoa phong nhã nổi lên đùng, anh đờn ông chỉ biết chi và cho mà
thôi. Tiền bạc cứ tiếp tục đội nón ra đi. Và lỡ túng thiếu, anh đờn ông sẵn
sàng bán trời không văn tự chứ nói gì đến biển thủ công quĩ.
Tiếp đến là tan tình.
Anh đờn ông một khi đã có bồ nhí, thường có hai thái độ. Một
là tỏ ra cưng chiều chị vợ để che dấu và lấp liếm tội lỗi của mình. Hai là tỏ
ra vũ phu, luôn chửi bới và đánh đập vợ con để có nhiều dịp chuồn đi mà hú hí
mí bồ nhí. Nhưng làm sao dấu mãi cho được bởi vì cái mũi của chị vợ sẽ rất
thính trong những tình huống như thế.
Một khi chuyện tình dan díu bị bại lộ, thì tình yêu chị vợ
dành cho anh chồng sẽ vỡ tan thành từng mảnh, rất khó mà hàn gắn, bởi vì nó đã
khoét sâu trong lái tim chị vợ một vết thương lòng không thể nào cứu chữa. Và
nếu có hàn gắn, có cứu chữa được phần nào, thì nó cũng khập khiễng, chổng chểnh
như cầu ba chân.
Cổ nhân đã từng diễn tả :
- Cốc nước đổ xuống đấât làm sao hốt lại cho đầy.
Sau rốt là tiêu tùng tất tật.
Bản thân đương sự sẽ bị thân bại danh liệt, bằng không thì
cũng bị một phen hú vía. Biết bao chính khứa mất chức vì đã tòm tem mí bồ nhí,
thậm chí chả còn mặt mũi nào để về nhà đuổi gà cho vợ bởi vì lúc ấy làm
gì còn có vợ, và nếu còn thì chị vợ cũng chẳng dễ gì mà chấp nhận…cho tái hồi
mà đuổi gà.
Gần đây nhất là vụ tổng thống Bill Clinton nước Cờ hoa đã
lẹo tẹo với cô thư ký tập sự tại Nhà Trắng tên là Monica Lewinsky. May mà ông
tổng thống này cứng tướng nên mới vượt qua cửa ải một cách khó khăn và vất vả,
toát cả mồ hôi hột. Nếu có dịp, gã sẽ điểm qua những khuôn mặt chính khứa nổi
cộm từ đông sang tây, từ cổ chí kim…đã ngã ngựa chỉ vì những chuyện tình còm
như thế.
Gia đình của đương sự sẽ bị gẫy đổ. Chị vợ cắn răng chịu
đựng mãi cũng không ổn. Kéo quân gia tới đánh ghen một cách ồn ào cũng không
xong. Còn ông ăn chả bà ăn nem, chị vợ cũng đi tìm một bờ vai để tựa đầu, hay
một giải tình còm để vắt vẻo ngang lưng, bù lỗ cho những giây phút trống vắng
thì cũng chẳng ra làm sao.
Và nếu lôi nhau ra ba tòa quan lớn để ký vào đơn ly dị, thì
gia đình lập tức sẽ tiêu tùng và phần thiệt hại sẽ nằm về phía con cái. Bởi vì,
kể từ lúc bố một nơi, mẹ một nẻo, con cái có hai nhà nhưng rốt cuộc chẳng có
được một mái ấm dung thân.
Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ?
Nguyên nhân thứ nhất đó là bổn tính anh đờn ông vốn hướng
tới chị đờn bà. Phải chăng đây là một quy luật mà Đấng Tạo hóa đã khắc ghi vào
thiên nhiên cũng như vào lái tim con người. Như hai cực âm và dương thu hút
nhau thế nào, thì đờn ông và đờn bà, con giai và con gái cũng thu hút nhau như
vậy.
Vì thế, tục ngữ đã bảo :
- Trai thấy gái lạ, như quạ thấy gà con.
Cộng thêm vào đó là cái thói hào hoa phong đòn gánh, cứ
thích của lạ nên cắm đầu cắm cổ nhào vô, như con thiêu thân lao mình vào lửa :
- Đờn ông những bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Rồi vợ mình không khen lại cứ nhè vợ thiên hạ mà khen theo
kiểu : Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Thế mới rách việc.
Bởi đó, hỡi những anh chồng đèo bồng bồ nhí, hãy can đảm đấm
vào ngực mình mà rằng :
- Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…
Tuy nhiên, đôi lúc chị vợ đã vô tình hay cố ý đẩy anh chồng
vào con đường tội lỗi mà cũng chẳng hay.
Thí dụ mỗi khi anh chồng đi làm về, vừa bước chân vào nhà,
đã lập tức nghe thấy những tiếng quát tháo của chị vợ :
- Sao về trễ thế, hẳn lại đi nhậu ở đâu chứ gì ?
- Con cái chi mà lì như trâu, nói hoài cũng không chịu nghe…
Rồi lại còn áo quần xốc xếch, tóc tai luộm thuộm…Chị vợ đã
đánh mất cái duyên dáng, cái dịu dàng thưở nào, để lộ rõ cái bản mặt bà la sát,
nói dài nói dẻo nói dai nói day nói dứt…Và như thế, gián tiếp khuyến khích anh
chồng đi tìm sự “tươi mát” ở một nơi khác.
Trên một số báo Phụ nữ Chủ nhật, tác giả Minh Huê đã sánh ví
cuộc đời là chiến trường, còn vợ hiền là hậu phương. Anh lính từ chiến trường
trở về cốt chỉ mong được thấy một hậu phương thanh bình để nghỉ ngơi. Còn nếu
hậu phương mà cũng đầy khói lửa thì…thảo nào…chả trách.
Gã xin ghi lại nơi đây những dòng thơ của tác giả trên để
thay cho lời kết luận :
- Cuộc đời là chiến trường,
Vợ hiền là hậu phương.
Thế nhưng,
Khi chiến trường tạm lắng,
Tôi trở về hậu phương,
Với áo lem bụi đường,
Mong tìm nơi ngơi nghỉ,
Để giữ gìn dũng khí,
Từ những chiến trường xa,
Hậu phương là của ta,
Kẻ thù không thể đến,
Cái “miền quê” thương mến.
ÊÂm đềm trong tiếng ru,
Tôi thèm một lời ru,
Bình yên và sâu lắng,
Để xua đi hơi đắng
Của khói bay chiến trường.
Điều mơ ước của tôi,
Mãi vẫn là mong mỏi.
Vì :
Hậu phương đầy khói lửa,
Không một ngày bình yên.
Nên :
Ước gì có cô tiên,
Giữ yên lành hậu cứ
Như ngàn năm bất tử.
Vợ
hiền : hậu phương ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét