Trang

Nhãn

06 tháng 12 2013

TUỔI THƠ BỊ ĐÁNH CẮP



Chuyện phiếm của Gã siêu.


Trước cửa nhà gã, có một khoảng sân rộng được lát bằng gạch tàu. Ban tối, nhất là những đêm trăng sáng, bọn nhóc thường tụ tập ở đó để chạy nhảy vui đùa…Thế nhưng hôm nay, chúng kéo nhau đến để tập múa lân. Tiếng trống vang dội trong xóm vắng :
- Tùng tùng cắc tùng tùng…tùng tùng cắc tùng tùng.
Tiếng trống dồn dập làm cho gã bỗng sực nhớ ra rằng : trung thu đã gần kề. Mà đúng vậy, bước chân ra đường, từ chợ thành thị cho đến chợ thôn quê, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán đèn lồng và bánh ngọt.

Thế nhưng, phần lớn số đèn và bánh này được dành cho con nhà giàu, hay cho những xếp nhớn, bởi vì đây chính là dịp dân lính lác biểu lộ tình cảm đối với các xếp của mình bằng quà biếu. Còn bọn khố rách áo ôm thì chỉ đứng nhìn mà thèm rỏ rãi. May mắn lắm thì mới được bu mua cho khi trung thu đã qua rồi. Số hàng ế ẩm bị tồn đọng này, các chủ tiệm cũng muốn tống khứ đi cho khuất mắt, nên được bán với giá rẻ mạt. Vì thế, con nhà nghèo chịu khó “ăn” trung thu muộn một chút cũng không sao. Méo mó có vẫn hơn không kia mà. Và lỡ bị đau bụng thì cũng phải cắn răng chịu vậy. Song le Đức Chúa Trời vốn lòng lành vô cùng, nên Ngài thường ban cho con nhà nghèo một cái bao tử với chất lượng cao, dù xơi phải những thứ quá “đát” thì cũng chẳng hề hấn gì.
Tết trung thu, như tên gọi, đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu, mùa đẹp đẽ nhất trong năm với trăng thanh và gió mát. Theo Toan Ánh trong “Tín ngưỡng Việt Nam” thì tết Trung thu bắt đầu từ thời vua Duệ Tôn, đời nhà Đường.
Số là vào một đêm rằm tháng tám, trăng tròn sáng tỏ, nhà vua bèn hứng chí bèn làm một vòng ngự chơi ngoài thành mãi tới tận khuya. Lúc bấy giờ có một ông lão, râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc tới bên nhà vua, rồi kính cẩn chào và hỏi :
- Bệ hạ có muốn lên cung trăng hay không ?
Nhà vua trả lời :
- Có.
Vị tiên liền giơ chiếc gậy lên trời. Và thế là ngay lập tức có một cây cầu, một đầu giáp trăng, một đầu giáp đất. Tiên ông liền đưa nhà vua lên cầu và chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời với những nàng tiên nữ xinh như mộng, xiêm y cực kỳ, múa nay hết ý. Đang say xưa ru hồn vào cõi trên, thì tiên ông đã đưa nhà vua trở lại hạ giới.
Để kỷ niệm ngày được chu du nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra tết trung thu. Trong tết này, người ta uống rượu thưởng trăng, vì thế còn được gọi là tết trông trăng.
Nói đến trung thu thì không thể nào bỏ qua ông Trăng, chị Hằng và chú Cuội.
Trước hết là ông Trăng. Người Việt Nam chúng ta vốn dạt dào tình cảm, nên đã xếp những kẻ xa lạ và ngay cả những vật vô tri giác vào lãnh vực thân thương của mình, vì thế mới có chú ba tàu, anh bảy cà ry, ông trời, ông trăng…cho nó thêm phần gần gũi :
- Ông trăng xuống cô gái đẹp, thì gái đẹp cho chồng.
  Ông trăng xuống anh đàn ông, thì đàn ông cho vợ.
Thực chất ông trăng chỉ là một vệ tinh của trái đất và xoay quanh trái đất mỗi tháng một vòng. Chúng ta thấy được mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào. Dựa trên những bức hình của phi thuyền Apollo gửa về, thì dung mạo của mặt trăng cũng lồi lõm, cũng rỗ chằng rỗ chịt, chứ nào phải mặt hoa da phấn…
Thế nhưng, mấy ông thi sĩ, nhất là thi sĩ bên Tàu, thường nhìn mặt trăng bằng cặp kính tươi hồng của mình. Và dưới cặp kính tươi hồng ấy, thì mặt trăng còn được gọi là cung Quảng hàn, nơi ở của Thái âm thần nữ, vợ của thần Thái dương, tức là mặt trời.
Tiếp đến là chị Hằng. Sách “Hoài Nam Tử” cho biết :
Hằng Nga vốn là vợ của Hậu Nghệ. Ông ta đã dùng ba tấc lưỡi năn nỉ ỉ ôi bà Tây Vương Mẫu và đã xin được một viên thuốc trường sinh. Vốn thuộc nòi nể vợ, nên ông ta đã trao cho Hằng Nga cất giữ viên thuốc quí hiếm ấy. Biết chồng là kẻ độc ác, lại toan tính làm phản, Hằng Nga liền vội vã nuốt trửng viên thuốc và hóa thành cô tiên mà bay lên cung trăng. Vì thế, người ta thường gọi mặt trăng là Hằng Nga, là chị Hằng. Ngoài ra danh từ này còn được dùng để chỉ người con gái đẹp, như trong “Cung oán ngâm khúc” có câu :
- Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
  Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.
  Hương trờ đắm nguyệt say hoa,
  Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.
Tuy nhiên có sách lại bảo :
Hằng nga bay lên cung trăng và ra mắt Thái âm thần nữ, kể rõ sự tình và xin thần nữ che chở. Thái âm thần nữ liền hóa phép biến Hằng Nga thành con cóc và đem giấu ở một nơi kín đáo trong cung Quảng hàn cho tới ngày nay.
Sau cùng là chú Cuội. Theo người Tàu thì chú Cuội chính là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thượng giới, nên đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Thế nhưng, theo người Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Còn cái bóng mà người Tàu gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu :
- Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
  Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
  Cha còn cắt cỏ trên trời,
  Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Sự tích chú Cuội, hẳn chúng ta đã rõ. Đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh :
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh :
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo :
- Bắc thang lên đến tận mây,
  Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
  Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
  Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt : nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo : hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
Lớn lên, chú đánh lừa được một lão trượng hiền lành và lão trượng này đã cho chú một cây đa thần mà lá có thể làm người chết sống lại. Lão trượng dặn chú mang về phải trồng ở mé đông và phải luôn tưới cho cây được xanh tươi, đồng thời còn cho chú hay cây đa thần này rất kỵ nước tiểu. Nếu trồng cây ở hướng đông thì mọi người phải đi tiểu ở hướng tây, không thì cây sẽ dông lên trời mất.
Hàng ngày chú vào rừng đốn củi. Ở nhà chị vợ vẫn tưới cây rất chăm chỉ theo lời chỉ dẫn của chú. Cho tới một hôm vì mải mê công việc nên quên tưới, chợt thấy chú về đến ngõ, chị vợ sực nhớ ra nhiệm vụ của mình. Sợ đi múc nước bị chú trông thấy sẽ la mắng, nên chị vợ vội chạy lại gốc cây, tốc váy lên và…tè vào đó. Vừa tè xong, thì cây đa bỗng từ từ nhổ gốc và bay lên trời.
Về tới nhà, thấy cây dông lên trời, trong tay lại sẳn có chiếc cuốc, chú lền móc ngay vào gốc cây, mong giữ được cây lại. Nào ngờ, chú chẳng giữ được cây mà lại còn bị cuốn theo cây bay lên cung trăng cho đến tận hôm nay. Thành thử cứ mỗi độ trung thu về, bọn nhóc tì thường hay ca hát :
- Bóng trăng trắng ngà,
  Có cây đa to,
  Có thằng Cuội già,
  Ôm một mối lo…
Dĩ nhiên, còn nhiều điều phải nói về ông Trăng, chị Hằng và chú Cuội cũng như về những tập tục dân gian của ngày tết trung thu, chẳng hạn như thi cỗ, thi đèn và múa lân... Nhưng bằng đó mà thôi cũng đã đủ để cho thấy : tết trung thu trước kia là tết của người nhớn, nhưng dần dần được chuyển hệ và biến thành tết của trẻ nhỏ.
Toan Ánh cũng viết :
“…Để đón tết, các em có những đèn xếp, đèn lồng sặc sỡ thắp sáng, kéo nhau thành từng đoàn vui reo ca hát, tối tối cùng nhau nhởn nhơ, cùng đi đường này ngõ khác. Đây là dịp để người nhớn đặc biệt quan tâm và chăm sóc tới các trẻ nhỏ, nhất là những em tàn tật, mồ côi và bất hạnh…”
Ăn theo vào đó, gã xin tán dông tán dài đôi điều về tuổi thơ.
Thực vậy, Thánh vịnh đã coi con nít là quà tặng Đức Chúa trời ban cho những bậc làm cha làm mẹ vì thế chắc chắn nó phải mang nhiều vẻ đẹp tuyệt vời.
Người ta đã gọi tuổi thơ là tuổi thần tiên, cặp mắt của nhóc tì là cặp mắt của thiên thần và hương thơm của trẻ nhỏ xuất phát từ thiên đàng, mặc dù người ta chẳng hề nhìn thấy các thiên thần, chưa một lần bước chân vào thiên đàng và cũng chả biết thế giới thần tiên là đí gì, ngoại trừ một vài kẻ đã được diễm phúc lạc vào đó, chẳng hạn bên Tàu thì có vua Duệ Tôn, vua Đường Minh Hoàng…Bên ta thì có Lưu Thần, Nguyễn Triệu, Từ Thức…nhưng tất cả đều đã nằm yên trong phần đất của cổ tích.
Ông thánh Phaolô trong bức thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrinthô cũng đã cho biết một môn đệ được đưa lên tầng trời thứ ba. Nhưng có lẽ cách diễn tả đúng nhất, vẫn là mắt chưa hề thấy và tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nghiệm…
Còn Chúa Giêsu, Ngài đã khám phá ra nơi trẻ nhỏ vẻ đẹp của các nhân đức nên Ngài không phải chỉ yêu mến, chúc lành và bênh vực mà hơn thế nữa còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho người nhớn phải noi theo :
- Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.
Nhìn vào trẻ nhỏ chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp.Trước hết, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới.
Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, gã thấy hay hay nên “cóp pi” ra đây để cả và thiên hạ cùng đọc.
“…Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó. Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ  mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi  múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết. Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù…Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại…Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây. Nó là ai ? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó ? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy ? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ  như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi. Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ : trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta”.
Tiếp đến, nơi trẻ thơ không có mưu mô và gian dối, mà chỉ có một sự đơn sơ thành thực.
Một ông bố kia mắc nợ như chúa chổm. Vừa mới thò mặt ra ngoài, bỗng thấy thiên hạ tới đòi tiền, bèn vội thụt vào và căn dặn đứa bé :
- Tí nữa họ đến, con cứ bảo với họ rằng bố đi vắng nhé.
Khi vị khách bất đắc dĩ này gõ cửa, đứa bé đã vô tư nói :
- Bố cháu sai cháu ra thưa với bác rằng bố cháu đi vắng.
Chả thế mà bên tây người ta thường bảo :
- Chân lý xuất phát từ môi miệng trẻ thơ. La vérité sort de la bouche des enfants.
Còn bên ta thì nói :
- Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.
Sau một thời gian đi vắng, muốn biết rõ những sự việc xảy ra ở nhà thì chỉ cần hỏi bọn nhóc, chúng sẽ vô tư phun ra cho bằng hết, kể cả những sự việc người nhớn muốn dấu diếm và che đậy.
Thế nhưng, ngày hôm nay, những nét đẹp này dần bị phai nhòa, thậm chí còn bị bôi xóa trong tâm hồn trẻ thơ. Vì thế, gã mới giám cả tiếng lại dài hơi mà la lên rằng :
- Tuổi thơ đã bị đánh cắp.
Vậy ai đã đánh cắp tuổi thơ của các trẻ nhỏ ?
Gã không phải là một chuyên viên về xã hội xã hiếc hay tâm lý tâm liếc gì cả, nên chả dám múa rìu qua mắt thợ, hay đánh trống qua cửa nhà sấm, mà chỉ xin mạo muội đưa ra một vài nhận xét thô thiển dựa vào những điều mắt thấy tai nghe mà thôi.
Tên trộm xa đánh cắp tuổi thơ chính là xã hội.
Thực vậy, nhìn vào môi trường sống hiện nay, gã thấy tình trạng đạo đức dường như đang xuống cấp hay tuột dốc không phanh. Nhan nhản khắp nơi những bạo lực, những gian tham, những đồi trụy…Trên báo chí và truyền hình, không ngày nào mà không có những vụ cướp bóc và trấn lột, xì ke và ma túy, cưỡng bức và hiếp dâm.
Trẻ nhỏ hôm nay không mấy đứa còn thích chơi những trò chơi dân gian. Chẳng hạn con giai thì chơi rồng rồng rắn rắn, chơi đánh khăng, chơi đánh núm, chơi thả diều…Con gái thì chơi chuyền, chơi trải gianh, chơi ô quan, chơi nhảy giây, nhảy cò cò…Nhưng lại có sẵn những trò chơi điện tử. Có đứa thay vì học bài, đã miệt mài ngồi bấm máy loạn cào cào hết giờ này qua giờ khác, như ngày xưa thiên hạ ghiền tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, đọc ngày quên ăn, đọc đêm quên ngủ vậy. Mà trò chơi điện tử thì nhan nhản những bạo lực, nào bắn súng, nào bỏ bom, nào triệt hạ tàu bay, tàu bò, tàu thủy. Và để ăn dỗ tiền của con nít, người ta khéo chế tạo ra những đồ chơi hấp dẫn chúng : nào kiếm, nào gươm, nào đao, nào chùy…Thôi thì đủ món ăn chơi, không thiếu một thứ gì sốt.
Chả thế mà trong những năm gần đây tại Việt Nam đã xảy ra những vụ học trò đấm đá thày cô và ở bên Mỹ đã xảy ra những vụ nhóc tì vác súng bắn nhau loạn cào cào nơi sân trường cũng như nơi công viên, đâu còn hình ảnh đứa bé của hòa bình nữa.
Thế nhưng thủ phạm chính, tên trộm gần đã đánh cắp tuổi thơ lại chính là gia đình và đặc biệt là cha mẹ.
Thực vậy, có những bậc cha mẹ luôn hục hặc, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, rồi lôi nhau ra ba tòa quan lớn mà ly dị. Những đứa con bị hất ra ngoài đường, đi bụi đời, lang thang kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc. Nếu may mắn còn được sống trong mái gia đình, thì cũng chẳng tìm thấy một  tình yêu thương chăm sóc, Những em nhỏ bất hạnh này chẳng có được tuổi thơ. Và nếu có, thì cũng chẳng giữ được cho mình.
Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ đã đánh cắp tuổi thơ của con cái mình với những hình thức giáo dục sai lạc.
Chẳng hạn có những đấng làm cha làm mẹ đã cố tình bôi xóa sự đơn sơ chân thật của con cái bằng cách dạy cho chúng gian tham. Một cô giáo đã tâm sự qua mục  “triển lãm cách dạy con” của báo “Phụ nữ Chủ nhật” như sau :
“Chiều qua, trên đường đi làm về, nhìn thấy mấy hàng cam tươi bên hông chợ Phạm văn Hai, tôi bèn rẽ vào mua. Trước đó, một bà mẹ trẻ đón con trai từ trường mẫu giáo về cũng vừa ngồi trên xe Dream cúi xuống lựa cam cho vào bịch ny lông. Trong khi lựa, chị vô tình làm rớt một trái cam khá lớn xuống đất. Sau đó, thay vì nhặt trái cam lên, trả vào thúng cam của chị bán hàng, thì người mẹ này lại thản nhiên cho vào giỏ xe của mình sau khi bịch cam chị lựa đã được cân và trả tiền đầy đủ. “Mẹ ơi, đó là trái cam của cô bán hàng chớ mẹ ?” Cậu bé ngạc nhiên hỏi mẹ. Người mẹ trẻ không ngờ cặp mắt ngây thơ của cậu con trai đã kịp phán hiện ra…sự “lầm lẫn” của mẹ nó, nhưng chị lờ đi. Thằng bé tưởng mẹ không nghe thấy, khẽ giật vạt áo mẹ, hỏi lớn hơn : “Mẹ ơi, đó là trái cam của cô bán hàng bị rơi xuống đất, chớ có phải của mình đâu mà mẹ lượn lên cho vào giỏ xe hở mẹ ?” Bất ngờ, người mẹ quay lại, tát đánh “bốp” vào mặt con, vừa tức giận la lên : “Mày có câm miệng ngay đi không hả thằng khùng. Mắt mũi mày để đâu mà không thấy đó là cam trong bịch của mình bị rớt ra ngoài, mà còn cứ hỏi mãi.” Bị đánh oan, cậu bé ôm mặt, òa khóc nức nở. Chiếc xe Dream của người mẹ lao vút đi, nhưng tiếng khóc oan ức cùng câu hỏi chưa được giải đáp trong lòng cậu bé thì vẫn còn lưu lại trong tôi cho đến ngày hôm nay…”
Cũng có thể chính sự nghiêm khắc, thiếu cảm thông của cha mẹ đã đẩy con cái tới chỗ gian dối. Cũng trong mục “triển lãm cách dạy con” có một mẩu như sau :
“…Cách đây vài tháng, cháu gái tôi xin phép ba mẹ đi cắm trại hè với các bạn. Anh đồng ý cho cháu đi đến sáu giờ chiều. Hôm đó, sau khi cắm trại xong, trên đường trở về, các bạn rủ nhau đi ăn kem. Cháu tôi cảm thấy lo lo, nhưng nghĩ bụng : “Đã xin phép, chắc lỡ trễ một chút cũng không sao.” Và rồi cháu tôi vui với các bạn đến bảy giờ tối. Thế nhưng, đáp lại lời “Thưa ba, con mới về” là một cái tát như trời giáng vào mặt cháu. Sẵn tay, anh túm mái tóc dài của cháu và tay kia cầm kéo (đã chuẩn bị trước), “xẹt” một cái ngắn đến cổ, gần nửa phần tóc cháu. Mớ tóc đen mượt vội rơi xuống đất. Thế là từ đó, cháu gái tôi có một mái tóc “tém” rất “mô đen”. Và cũng từ đó, mỗi khi muốn cùng đi chơi, giải trí với các bạn, cháu tôi đều nói dối là đi học nhóm, hoặc mượn tập, vở…Chiều này, anh của nhỏ bạn cháu từ nước ngoài về, ngỏ ý “khao” các bạn của em một chầu hải sản tươi sống, cháu tôi buộc phải nói dối là cùng đi học nhóm. Thế mới được sự đồng ý của ba. Cháu nói nhỏ với tôi rằng : “ Chính ba cháu buộc cháu phải nói dối, cô ạ.” Tôi nghe mà không khỏi giật mình. Bây giờ thì cháu tôi chỉ nói dối những chuyện đơn giản, mai sau cháu sẽ quen dần, rồi chuyện gì sẽ xảy ra ? Còn cháu út, vì không có dịp tụ tập, vui chơi với các bạn, nên dần dà các bạn cô lập cháu với lý lẽ “có rủ nó cũng chẳng đi”. Theo thời gian, cháu út đã trở nên mặc cảm, chán nản và mặc dù trước mặt vẫn ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng sau lưng đã bắt đầu tỏ thái độ “phản đối” ba.
Ngoài ra, còn có những bậc cha mẹ tập cho con cái mình thói bạo lực, vũ phu chi cục mịch.
Có lần gã được chứng kiến cảnh hai nhóc tì bịch nhau. Một đứa chạy về méc bố và ông bố đã làm quân sư quạt mo, vẽ đường cho hiêu chạy. Ông ấy đã phán với nó như sau :
- Mày cứ sang nhà nó, phết cho mó một trận. Mày mà không phết được nó thì về đây tao sẽ phết cho mày te tua.
Tương tự như thế, vào một buổi chiều người mẹ đón thằng bé học ở trường mẫu giáo, chị bỗng thảng thốt hỏi : “Sao lại trầy mặt như thế này ?” Thằng bé trả lời : “Bạn Hải cào mặt con”. Người mẹ liền quay hỏi cô giáo : “Hải là thằng nào vậy cô ?” Cô giáo trả lời : “Cháu Hải về rồi chị ạ, nhưng ban nãy cháu đã bị rầy và xin lỗi cu Bim rồi, xin chị đừng giận, các cháu chỉ đùa và lỡ tay một tí thôi mà. Không thể trút giận vào cô giáo, người mẹ quay ra quát thằng bé : “Sau ngu thế, mai mốt bạn nào cào con, thì con cứ cào lại nó, ai đánh mình, thì mình phải đánh lại gấp đôi cho nó sợ chứ, đứng yên ra đấy cho người ta cào cả mặt”. Dạy cho con đánh nhau như vậy quả là hết nước nói…”
Cha ông chúng ta thường bảo :
- Học ăn học nói, học gói học mở.
Trẻ nhỏ cần phải được học kể cả những cái đơn sơ và tầm thường nhất, thế nhưng nhiều bậc cha mẹ lại quên mất sự thật này, để rồi vô tình đẩy con cái vào những thói hư tật xấu. Một tác giả trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” cũng đã ghi nhận như sau :
“Một lần tôi tới nhà người bạn chơi, lúc đó mọi người trong nhà đang quây quần bên một đứa nhỏ chừng ba tuổi. Trông đứa bé mập mạp, trắng trẻo thật dễ thương, tôi đến gần và nựng bé, bỗng bé kêu lên : “Đ.M. mày”. Tôi thật ngỡ ngàng, nhưng mọi người trong gia đình ấy lại cười ồ và lặp lại cái từ xấu xa kia nhiều lần, như thể kích thích bé nói lại lần nữa.”
Gã bỗng nhớ lại một mẩu chuyện khác trong sách “Cổ học tinh hoa” như thế này :
Vợ thày Tăng tử đi chợ, thấy con khóc đòi theo, bà nói :
- Con ở nhà, rồi khi về, mẹ sẽ làm thịt heo cho con ăn.
Lúc vợ về, thày Tăng tử bèn bắt heo làm thịt. Thấy vậy bà vợ bảo :
- Mình chỉ đùa thôi.
Nhưng thày lắc đầu và nói :
- Đừng khinh trẻ thơ không biết chi. Cha mẹ làm gì thì con cái thường bắt chước làm theo. Nay mình nói dối con là mình đã dạy con nói dối rồi đó.
Nói xong, thày bèn đi làm thịt heo cho con ăn thật.
Nhưng thôi, viết nữa thì chỉ thêm buồn. Cùng với tiếng trống tập múa lân : Tùng tùng cắc tùng tùng… tùng tùng cắc tùng tùng…Xin hãy trả lại tuổi thơ cho con em chúng ta.

Không có nhận xét nào: