Trang

Nhãn

08 tháng 12 2013

GÕ ĐẦU TRẺ



Chuyện phiếm của Gã Siêu
Không hiểu ở bên nớ thế nào, chứ còn ở bên ni thì cứ vào giữa tháng 11, giới học trò lại lao xao lên phương án cho một ngày, được gọi la ngày nhà giáo, ngày tết của các thày cô. Đó là ngày 20 tháng 11.
Đây là cơ hội để tôn vinh và tưởng nhớ đến công ơn của các thày cô, những người đã hy sinh cuộc đời cho thế hệ tương lai, như lời cổ nhân đã dạy :
- Nhất niên chi kế mạc thụ cốc, thập niên chi kế mạc thụ mộc, bách niên chi kế mạc thụ nhân. Có nghĩa là kế một năm không gì bằng trồng lúa, kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người.

Chả thế mà Viện Đại học Công giáo tại Đalạt ngày xưa đã lấy cho mình cái huy hiệu cây thông xanh với hai chữ : thụ nhân.
Trong ngày vui ấy, học trò ríu rít tặng hoa, tăng quà cho các thày cô. Nhà gã ở cạnh trường và có được một vườn bông nho nhỏ, quanh năm ra sức chăm sóc. Thế nhưng, vào ngày này, thế nào cũng được xấp học trò chiếu cố, kéo đến và…vặt trụi. Tuy nhiên nhìn vào những khuôn mặt hớn hở, những cặp mắt ngây ngô và những bước chân tung tăng… gã cũng cản thấy vui lây vì mình đã làm được một việc tốt lành và hữu ích cho tuổi thơ vùng khỉ ho cò gáy này.
Chính vì lẽ ấy, mà lịch năm thánh tại Việt Nam cũng đã ăn theo, chọn ngày này để cầu nguyện cho các thày cô. Còn gã thì chỉ xin ăn ké, lợi dụng nước đục thả câu, để tán dông tái dài về đề tài này tí chút.
Ngày xưa có những chú bé, đầu còn để chỏm, thế mà cũng đã mong vào “tràng la tinh”, tức là vào chủng viện với ước mơ được làm…cha. Sở dĩ như vậy chỉ vì các cha được ăn bánh tây, ở nhà tây, đi giày tây và ra tới ngõ đều được bàn dân thiên hạ, bất kể già trẻ lớn bé, khoanh tay cúi đầu chào :
- Con xin phép…lạy cha ạ.
Những chú bé ấy cũng như các tông đồ, mặc dù đã theo Chúa, nhưng vẫn còn mang nặêng đầu óc xôi thịt, muốn được làm lớn và được ngồi bên tả bên hữu trong vương quốc của Chúa, theo kiểu vinh thân phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ. Thế nhưng, với sự trợ giúp của ơn Chúa, với sự hướng dẫn của các bề trên, ước mơ lúc ban đầu tuy vẫn đục, nhưng dần dần được thanh lọc để rồi kết tinh thành lý tưởng dấn thân phục vụ.
Ngày nay, nhiều cô cậu học trò khi được hỏi về nghề ngỗng tương lai, cũng đã trả lời :
- Lớn lên, em sẽ làm cô giáo.
Đây quả là một chọn lựa can đảm bởi vì giữa thời buổi xô bồ, đang lúc mọi người nhắm mắt chạy theo dòng chảy của tiền bạc mà lại đi chọn lựa nghề giáo, một nghề nghèo rớt mùng tơi, thì chỉ có thể là anh dũng hay dại khờ mà thôi.
Cũng như chú bé “nhà tràng”, nhiều cô bé đã vô tư ươm mơ làm cô giáo, chỉ vì mỗi khi ra đường đều được mọi người gọi là cô, lúc nào cũng áo quần bảnh bao, đồng thời còn nhận được rất nhiều quà trong những dịp lễ tết.
Gã còn nhớ, hồi bé lúc ở bậc tiểu học, năm nào cũng được đi tết thày. Bởi vì như các cụ đã từng dạy con cháu :
- Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết  thày.
Đồ lỡi của mối đứa là ba trái trứng gà, được mẹ túm cẩn thận trong một chiếc khăn. Cả lớp mấy chục đứa nên trứng chất đầy cả một cái chum và thày cứ việc xơi trứng đến  mệt xỉu. Rủi thay đứa nào bị vấp ngã làm bể trứng thì chỉ có nước đứng khóc hu hu dọc đường mà thôi. Được thày xoa đầu, lì xì cho tí tiền còm hay một cái kẹo, cũng đã vội chạy về khoe với bu.
Tuy nhiên, nghề nào thì cũng có mặt phải và mặt trái, niềm vui và nỗi buồn của nó. Vậy niềm vui của nhà giáo là gì ? Gã xin          thưa : Niềm vui thứ nhất, đó là thày cô đã góp phần vào việc hướng dẫn và đào tạo các em trở nên những con người hiểu biết và hữu ích.
Thực vậy, nhờ thày cô mà chúng ta biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia và biết mở ra thế giới bên ngoài…Nhờ thày cô mà chúng ta biết rèn luyện nhân cách để thăng tiến bản thân. Chính vì thế mà người ta vốn gọi thày cô là nhà kỹ sư của tâm hồn, vì không thày đố mày làm nên.
Niềm vui thứ hai, đó là thày cô đã góp phần vào việc xây dựng xã hội.
Thực vậy, nếu yếu tố con người là tiền vốn đầu tư cho đất nước, thì tuổi thơ cũng chính là tương lai của quốc gia. Đào tạo các em trở thành những người hiểu biết và hữu ích là các thày cô đã làm cho quê hương  này được phát triển và đi lên phơi phới, chả mấy chốc mà hóa kiếp thành rồng lớn, rồng nhỏ, dễ như trở bàn tay. Chính vì thế mà người xưa cũng đã bảo :
- Lương sư hưng quốc. Có nghĩa là thày giỏi thì nước mạnh.
Do bởi những đóng góp này mà nhà giáo luôn được trọng kính ở mọi nơi và trong mọi lúc. Ngày xưa cũng như hôm nay. Bên đông cũng như bên tây.
Ở Việt Nam, nền luân lý mang nặng ảnh hưởng của Khổng giáo. Và theo Khổng giáo, thì trong xã hội có ba hạng người chúng ta phải kính phải trọng, đó là quân sư phụ, vua thày và cha. Cho dù người thày ấy chỉ dạy chúng ta được có một chút xíu, bởi vì :
- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Một chữ cũng là thày và nửa chữ cũng là thày.
Từ đó chúng ta thấy “tôn sư trọng đạo” kính thày va mộ đạo vốn là một nét đẹp của truyền thống dân tộc.
Ở bên Tây cũng vậy. Người ta thường bảo :
- Phải trọng kính thày cô  hơn cả cha mẹ, bởi vì cha mẹ trao ban cho chúng ta sự sống, còn thày cô chỉ vẽ cho chúng ta cách sống tốt đẹp.
Gã còn nhớ hồi nhỏ có được học một bài về lòng nhớ ơn thày. Bài này kể lại hình như ông Carnot, sau khi đã gặt hái những thành công rực rỡ trên đường đời, ngày kia ông trở về thăm quê cũ, mọi người trong làng ra nghênh đón ông một cách trọng thể và coi ông như là một vị anh hùng của dân tộc.
Thế nhưng, vừa đến đầu làng, ông đã vội vàng xuống ngựa, chạy thẳng tới và ôm hôn một cụ già, khiến cho cụ già ấy vô cùng xúc động. Cụ già ấy chính là thày giáo trường làng, đã từng dạy cho ông những bài học vỡ lòng, khi ông cắp sách đến trường. Ông nói lớn cho mọi người cùng nghe :
- Chính nhờ thày mà tôi được như ngày hôm nay.
Như trên gã đã phát biểu thật hách xì xăng :
- Phàm bất cứ nghề ngỗng nào trên đời thì cũng có mặt phải và mặt trái, niềm vui và nỗi buồn. Vậy nỗi buồn của nhà giáo là như thế nào ?
Rất tiếc, nghề ngỗng của gã không phải là nghề gõ đầu trẻ, thành thử vốn liếng kinh nghiệm tích lũy chẳng được bao nhiêu. Thôi thì cứ việc giương mắt ếch mà nhìn, thấy cái gì, viết cái ấy. Lỡ có thêm tí mắm muối, hành tỏi để được đậm đà, thì cũng mong bàn dân thiên hạ thông cảm, chứ đừng cho nhà báo…nói láo ăn đòn đấy nhé.
Phàm làm bất cứ công việc gì trên thế gian thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề…tiền đâu ? Qui luật của muôn đời ấy mà ! Không hiểu ở bên tây thế nào, chứ còn ở bên ta, nhà giáo vốn thường được gọi là những người bán cháo phổi. Vất vả rất nhiều mà tiền lương ba cọc ba đồng, chẳng được bao nhiêu. Nuôi sống bản thân đã khó, huống nữa là nuôi sống vợ con và gia đình. Vi thế, người ta thường hay diễn tả :
- Nhà giáo húp…cháo mà ăn.
Cũng vì đồng lương ba cọc ba đồng, bụng đói đầu gối phải bò…Và thế là các thày cô, ngoài giờ đến trường và đứng lớp còn phải kiếm sống thêm bằng những nghề phụ, được gọi là những nghề tay trái.
Có thày thì đi chạy xe ôm. Thế nhưng, chẳng may gặp khách hàng là những cô cậu học trò của mình, thì chỉ còn nước cúi gầm mặt xuống, mong  được đằng vân độn thổ như Tôn Ngộ Không trong Tây du ký mà thôi.
Có cô thì mở lớp dạy thêm và thế là bị cuốn theo chiều gió của đồng tiền để rồi cũng mánh mung câu học trò. Nào là dạy trước ở cua những bài sẽ giảng trong lớp. Nào là khi ngày thi sắp đến thì cắt nghĩa đề cho nhóm nhỏ thân yêu. Vì thế, những em học thêm sẽ cảm thấy khỏe re khi tới lớp, bởi vì thế nào mình cũng sẽ được điểm cao. Nào là những em học thêm sẽ được ưu đãi.
Có một cô bé đã vô tư hỏi mẹ :
- Má à, hôm nay cô chọn năm bạn vào đội học sinh giỏi, nhưng không có con. Sao kỳ vậy hả má, bởi vì năm ngoái con đứng hạng nhì cơ mà.
Rồi hôm qua, đi học về cô bé đã nằm sõng sượt, vùa kể vừa rơm rớm nước mắt :
- Hôm nay cô chọn thêm mười bạn nòng cốt của lớp mà vẫn chẳng có con. Nòng cốt là giỏi phải không má ? Như vậy là con bỗng bị tụt xuống hạng mười sáu, mười bảy rồi còn gì. Con chẳng muốn đi học nữa đâu.
Bỗng cô bé “à” lên một tiếng. Nó ngồi bật dậy và nói :
- Thôi đúng rồi. Tại con không đi học thêm ở nhà cô đấy thôi. Con nghĩ kỹ rồi. Mười lăm bạn cô chọn, bạn nào cũng đi học thêm hết. Vậy là cô không công bằng gì cả.
Nghe thế, người mẹ như cảm thấy nhói trong lòng vì thực tình, bà không muốn cô bé phát hiện ra điều ấy chút nào, bởi nó xúc phạm người thày quá.
Mẩu đối thoại này đã được đăng trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” làm cho gã cũng phải xót xa. Nếu ngày xưa các cụ ta đã bảo :
- Kim tiền hắc nhân tâm, có nghĩa là vàng bạc làm mờ lòng người.
Thì hôm nay, đồng tiền cũng đã làm mờ mắt một số các thày cô, để rồi không còn có được thái độ “chí công vô tư”, nhưng ngả bên này, nghiêng bên nọ. Báo chí cũng đã phê phán rất nhiều về nạn “học thêm”, khiến cho các em nhỏ phải học quá sức mình, không còn thời giờ nghỉ ngơi, bởi vì :
- học ngày không đủ, tranh thủ học chiều học tối.
Còn những bậc cha mẹ, dù thương con, cũng phải cố gắng chắt bóp để bắt con cái đi học thêm, bởi vì con người hàng xóm học thêm mà con mình lại không thì cũng chẳng ra làm sao. Hơn thế nữa, để được đẹp lòng thày cô, không bị trù dập, thì cũng chỉ có con đường một chiều, đó là học thêm mà thôi.
Tiếp đến, nhân vô thập toàn, đã là người thì ai cũng có những khuyết điểm. Vì thế, thày cô cũng là người cho nên không tránh khỏi những sai sót của mình. Chính những sai sót này, đôi khi đã tạo nên những bất mãn, những bực bội và làm giảm bớt sự trọng kính đối với các thày cô.
Gã xin ghi lại nơi đây hai sự việc cũng đã được đăng trên báo “Phụ nữ Chủ nhật”. Sự việc thứ nhất được một bà mẹ bật mí như sau :
Con trai tôi kể chuyện : vào những tiết học toán, cả lớp con không còn là học sinh nữa, mà thành những con bò, còn lừa tất. Cô giáo chỉ vào từng đứa, hét lên :
- Một con bò, hai con bò, cả một lũ bò.
Tôi ngạc nhiên :
- Hôm nọ là bò rồi cơ mà.
Con trai tôi thật thà :
- Lẽ ra là lừa, nhưng chắc là cô quên. Nhưng mà lừa hay bò thì cũng thế cả thôi.
Ngày khác, cháu nói :
- Hôm nay cô giáo con không gọi học trò là lừa hay bò nữa.
Rồi cháu cao giọng bắt chước tiếng cô :
- Óc của các trò chỉ đáng đem cho heo ăn mà thôi. Sao mà ngu thế không biết.
Em gái cháu cười bò ra, vô tư. Trong lúc tôi đang buồn bã, chưa biết nói gì, thì cháu thở dài :
- Cô gào thét nhiều quá, vừa điếc tai, vừa mất bao nhiêu thời gian học.
Ngược lại, có những cô giáo không hề la hét, mà chỉ nói rất nhẹ nhàng :
- Hình như đầu em chỉ chứa toàn đậu phụ mà thôi, có phải như vậy không ?
Hoặc hạ giọng mỉa mai một cô bé mặc bộ quần áo đắt tiền mà bài không thuộc :
- Em tưởng rằng làm người mẫu thời trang thì chẳng cần phải học. Đúng vậy không ?
Lại có cô điều khiển lớp học bằng cây thước :
- Quên vở hả ? Bốp.
- Không thuộc bài hả ? Bốp.
- Chưa làm bài hả ? Bốp.
Không ai có thể thoát khỏi cây thước của cô, kể cả những học sinh giỏi và ngoan, bởi vì có rất nhiều lý do đáng được ăn thước. Thế là cả tiết học, học trò thấp thỏm chờ đến phiên mình “ăn thước”, cứ căng người lên mà chờ đợi, có được mấy kiến thức chui vào đầu đâu ?
Viết tới đây, gã bỗng nhớ tới một vị thày đáng kính, rất yêu thương học trò, những cũng vì yêu thương ấy, khiến thày rất hay chửi bới. Thí dụ, một học trò tên là Thông, chẳng may hôm ấy không thuộc bài, thì liền bị một chầu xỉ vả :
- Tên mày là Thông, mà chẳng thông thái chút nào, cứ thế này thì lớn lên sẽ đi thông cống mà thôi.
Sự việc thứ hai là tự ái quá cao của các thày cô. Cứ nghĩ rằng mình đứng trên bục giảng là được đặc ân “vô ngộ”, không thể sai lầm, giống y như Đức thánh “Pha Pha” vậy.
Một cô giáo dạy văn, khi biết mình sai về một chữ nào đó, chẳng hạn như “trà đạp” thay vì “chà đạp” đã nói với các em học sinh như sau :
- Cô xin lỗi vì cô đã sai. Các em chữa bài đi, “chà đạp” chứ không phải là “trà đạp” đâu. Cô đã hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng và hôm nay một  em đã chỉ cho cô thấy mình sai.
Rồi quay sang em đã chỉ ra chỗ sai, cô nói :
- Cám ơn em. Từ hôm nay em có thể nghỉ học ở lớp này vì em giỏi rồi, tôi không còn gì để dạy em nữa. Cả lớp mở vở ghi bài mới.
Lời cám ơn này đã làm cho mọi người chới với và hụt hẫng.
Nỗi buồn còn len lỏi vào cả cách thức giảng dạy. Thực vậy, thế giới và con người không ngừng chuyển biến. Mỗi thời có những đổi thay riêng của nó. Ngày xưa, cách thức giảng dạy có phần nghiêm khắc hơn, bởi vì :
- Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.
Người tây phương cũng bảo :
- Bác sĩ nghiêm khắc với bệnh nhân thế nào, thì thày cô cũng phải nghiêm khắc với học trò như vậy.
Gã còn nhớ thày giáo già dạy lớp mẫu giáo, khi tập dánh vần, lúc nào thày cũng cầm sẵn một chiếc roi mây, đứa nào nói ngọng hay chữ “r” mà không cong lưỡi lên thì liền bị một roi. Chính nhờ vậy mà bọn gã phát âm tương đối chuẩn.
Còn thày dạy Pháp văn khi gã ở bậc trung học. Ngày nào thày cũng khảo bài cả lớp. Và hễ tên nào không thuộc thì lập tức bị thày phán :
- Hạ mã. Có nghĩa là quì xuống.
Nhờ sự nghiêm khắc ấy mà bọn gã học rất tiến, để rồi bây giờ gã có thể xác quyết :
- Tất cả vốn liếng tiếng “Phăng xe” còn đọng lại cho tới ngày hôm nay, thì hầu hết là do công lao của thày.
Hiện giờ, cách thức giảng day có phần thoải mái hơn. Thày phải tôn trọng trò. Nếu thày cho trò ăn đòn, thì không khéo sẽ bị lôi ra ba tòa quan lớn như tại các nước bên tây.
Tuy nhiên, nỗi buồn lớn hơn hết của các thày cô hôm nay, đó là hình như lòng trọng kính dường như đang bị sút giảm. Mặc dù báo chí vẫn hô hào và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nhưng trong thực tế, không thiếu gì những sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Thày giáo tên Cảnh, dạy môn toán, mắc chứng hay la mắng và hù dọa học trò, nhất là khi chúng không thuộc bài. Thế rồi một buổi sáng, khi bước chân vào lớp, thày nhìn thấy trên bàn một củ hành tây thật to. Hình như bọn học trò này muốn gửi cho thày một thông điệp. Thông điệp ấy gói gọn  trong củ hành tây ấy, bởi vì :
- Củ hành, có nghĩa là Cảnh hù.
Một cô bé khác trả thù thày như sau : ruộng nhà thày nằm sát cạnh ruộng nhà cô bé. Và thế là mỗi khi đi làm cỏ, nhổ được cọng cỏ nào, cô bé liền ném sang ruộng nhà thày…cho bõ tức.
Đúng là nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò. Có những nghịch ngợm dễ thương, những cũng có những nghịch ngợm hỗn láo cần phải lên án. Không thiếu gì những trường hợp trò đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với thày cô. Cách đây không lâu, báo “Công an Thành phố” có đăng tải một mẩu tin nho nhỏ với tựa đề “Học kém đâm…giận thày”, đại khái như sau :
“Khu nhà tập thể của giáo viên tại ấp Phú lâm, xã Phú thành B, huyện Tam nông, tỉnh Đồng tháp, từ ngày hai mươi tháng mười một đến ngày mồng bảy tháng mười hai đã ba lần bị cháy. Lần sau cùng, khi ngọn lửa được dập tắt thì khu nhà chỉ còn trơ trọi một đống tro. Toàn bộ quần áo, sách vở, giáo án, sổ liên lạc, bài kiểm tra…đều bị thiêu rụi. Mỗi thày cô chỉ còn lại duy nhất một bộ quần áo mặc trên người. Trước sự việc nghiêm trọng này, Công an huyện Tam nông  quyết làm rõ vụ việc. Thủ phạm là Nguyễn hoàng Nam mới chín tuổi, ở cách khu nhà tập thể chừng năm mét. Nam là con trái út trong nhà, rất lì lợm nhưng luôn được cưng chiều. Trong lớp, nhiều lần Nam không thuộc bài nên bị thày phạt. Từ đó Nam nghĩ phải…trả thù bằng cách đốt nhà thày.
Học trò giảm sút lòng trọng kính đã là một sự việc đáng buồn. Thế nhưng, đáng buồn hơn nữa, khi những bậc phụ huynh về hùa với con cái mình mà hành hung và xin “tý huyết” thày cô. Hay lợi dụng chức quyền mà chửi bới, trù dập thày cô. Vì bênh con, nhiều bậc cha mẹ đã có những hành động đáng tiếc.
Hôm đó, chẳng hiểu thày sơ ý hay vì nóng giận đã cho một cậu ấm, con một vị chức sắc mấy thước kẻ. Khi hay biết tin ấy, vị chức sắc kia đã đi dọc theo những con đường làng, vừa đi vừa chửi thày một cách thậm tệ :
- Nó không đẻ, nó không đau, nó dám đánh con cái nhà người ta như thế à. Tiên sư cha nó.
Chắc hẳn là còn nhiều nỗi buồn hơn nữa, nhưng bằng đó mà thôi cũng đủ làm cho gã cảm thấy thấm thía và cay đắng. Trong nghề nhà giáo, có những cái nghịch lý, nhất là các cô giáo dạy ở những lớp nhỏ, chẳng hạn con mình không day lại đi dạy con người khác. Những nghịch lý ấy phần nào được diễn tả trong một bài thơ của Đoàn thị Lam Luyến, gã xin mượn tạm và viết ra đây :
- Em là cô giáo mầm non,
  nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng.
  Đêm thì vắng, ngày thì đông
  Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!
  Sáng sớm đi, tối muộn về
  Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường,
  Chồng thì khi giận khi thương.
  Trẻ thì đứa ấm, đứa ương lạ đời.
  Trẻ ngoan thì cô mới cười
  Con mình thì nhãng, con người mình chăm
  Lương mình chẳng đủ mình ăn
  Thì em cấy ruộng cho bằng người ta.
Rồi tác giả đã kết luận :
- Trẻ thơ như chiếc lá diều
  Em là ngọn gió một chiều đương thu.
Mặc cho những nghịch lý, mặc cho những nỗi buồn, nghề nhà giáo vẫn cao trọng, vẫn tốt đẹp. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, quê hương này vẫn luôn cần đến, vì lương sư hưng quốc, và kế trăm năm không gì bằng trồng người.

Không có nhận xét nào: