Trang

Nhãn

14 tháng 12 2013

CHỒNG

Chuyện phiếm của Gã Siêu.


Chẳng hiểu cụ chủ nhiệm khả kính của chúng ta mắc phải chứng bệnh “dị ứng” chết tiệt nào mà hễ nhận được những sự phản đối của độc giả, nhất là độc giả thuộc phe kẹp tóc, thì cụ liền nổi máu tam bành lục tặc, nổi giận đùng đùng, phùng má trợn mắt như Trương Phi trong “Tam quốc chí diễn nghĩa”,  quyết làm cho ra ngô ra khoai.
Chả thế mà, có lần gã vô ý tán hươu tán vượn về “sự ngược đời của đờn bà con gái”, liền bụ cụ phang cho một trận tơi bời hoa lá, tối tăm mắt mũi.
Và rồi Cụ đã phán :
- Bộ chú mày muốn xơi cà chua ủng và trứng ung của các cô nường hay sao mà dám bạo gan bạo phổi, mở mồm mở miệng bốc thối phe địch đến thế.
Không kịp để cho gã phân bua, Cụ liền méo mó nghề nghiệp mà “ra việc đền tội” :
- Hãy may mau viết ngay một bài nói xấu đờn ông con giai cho ta. Liền tút xuỵt, không oong đơ gì sốt.

Trở về với thực tại. Số trước, gã đã nổi hứng mần một “quả” về dung nhan “kiều diễm” của các chị vợ. Thế nhưng, vốn biết thân phận mình hẩm hiu, còn đen hơn cả mõm chó mực, thành thử hôm nay gã phải ép mình ép xác mà cà kê dê ngỗng về khuôn mặt hốc hác của những anh chồng.
Sở dĩ như vậy, bởi vì gã đã di “dép râu” trong bụng Cụ chủ nhiệm nhà ta, nếu không viết thì rồi cụ cũng bắt phải viết. Hình như lúc nào cụ cũng chỉ muốn “dĩ hòa vi quí”, có âm có dương, có nếp có tẻ, có đực có cái, có mình có ta...
Theo một số nhà nhân chủng học thuộc hạng “gà mờ” thì rất có thể vào cái thuở xa xưa ấy, nhân loại đã trải qua một thời kỳ sống trong chế độ mẫu hệ. Nghĩa là người mẹ nắm mọi quyền hành trong nhà cũng như ngoài ngõ.
Trong chế độ mẫu hệ này, thì phe đờn bà con gái được lên ngôi, nắm đầu và chỉ huy tất tật.
Hồi đó, các cô nường đi cưới chồng, chứ không phải là các anh chàng đi cưới vợ như ngày hôm nay. Phe đờn bà con gái thì lãnh đạo, còn cánh đờn ông con trai thì chỉ đóng vai trò trang trí cho vui cửa vui nhà, đúng là :
- Phụ xướng phu tùy, có nghĩa là vợ nói thì chồng phải theo. Đã bảo thì đừng có gân cổ ra mà cãi.
Chứ đâu có phong cách nho nhe :
- Phu xướng phụ tùy, có nghĩa là chồng nói thì vợ phải theo.
Tàn tích của chế độ “phong kiến hồng quần” này còn rơi rớt lại trong một vài câu tục ngữ, chẳng hạn như :
- Một trăm con giai,
  Không bằng lỗ tai con gái.
- Ba đồng một chục đờn ông,
  Ta bỏ vào lồng, ta xách đi chơi.
  Ai ngờ dây đứt, lồng rơi,
  Nó bò lổm ngổm, mỗi nơi một thằng.
Thế nhưng, cho tới ngày hôm nay thì chế độ phong kiến rất êm dịu và rất dễ chịu này đã “phẹc mê bu tích”, nghĩa là đã đóng cửa tiệm từ lâu, để nhường chỗ cho cánh đờn ông con giai lên ngôi.
Bằng sức lao động và sản xuất của mình, cánh đờn ông con trai đã thoát khỏi tình trạng nô lệ, để nắm vai ông chủ. Điều này gã thấy nhan nhản trong kho tàng văn chương bình dân của người An nam mình.
Các cụ ta ngày xưa đã chẳng bảo :
- Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Có nghĩa là đẻ được một “thằng cu” thì đã là có, chứ còn đẻ được cả trăm “cái đĩ “ cũng vẫn kể như  là không.
Rồi các cụ cũng đã nâng anh đờn ông con giai lên tới tận chín tầng mây khi nói :
- Đờn ông nông nổi giếng khơi,
  Đờn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
- Khôn ngoan cũng thể đờn bà.
  Dù là vụng dại cũng là đờn ông.
Còn rất nhiều những câu đại loại như thế nữa, gã chẳng dám kể ra, kẻo mà như bà huyện Thanh quan đã diễn tả :
- ...Đau lòng con quốc quốc.
- Và...mỏi miệng cái gia gia.
Cánh đờn ông con giai được ưu thế trong nhiều lãnh vực, gã chỉ xin đan cử một lãnh vực rất mực bình thường, chẳng hạn như lãnh vực tuổi    tác :
- Giai ba mươi tuổi đang xoan.
  Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Có kẻ đã sánh ví cuộc đời của anh đờn ông con giai tựa như đoàn tàu lửa :
- Ở tuổi hai mươi, họ muốn đỗ ở mỗi ga.
- Sang ba mươi tuổi, họ chỉ có thể đỗ ở một ga.
- Đến bốn mươi tuổi, họ muốn đỗ, nhưng họ không được phép đỗ ở một ga khác.
- Quá tuổi năm mươi, họ muốn đỗ nhưng họ không thể nào đỗ được.
- Và khi họ sáu mươi, thì ngay đến việc khởi động họ cũng không thể, thì làm sao mà đỗ được đây.
Về phương diện này, để an ủi phe đờn bà con gái, gã bèn trích một câu trong cuốn “Tục ngữ phong dao” của Ôn như Nguyễn văn Ngọc, trang 350, gọi là để nói có sách, mách có chứng :
- Giai ba mươi tuổi mà già,
  Gái bốn mươi tám đang ra má hồng!!!
Chính vì sự đổi ngôi này, mà có một vị chân tu, mặc dù tuổi đời đã xế bóng, thế mà lúc nào cũng mỉm cười, để lộ hàm răng như răng trẻ thơ, nghĩa là chẳng còn một cái răng nào sốt.
Thiên hạ thấy vậy, bèn rất lấy làm ngạc nhiên và hỏi :
- Tại sao cụ cứ cười hoài vậy ?
Như được gãi đúng chỗ ngứa, vị chân tu không phải chỉ cười ruồi, mà còn há miệng  cười một cách hả hê, cười ngặt cười nghẹo đến vãi cả và nước mắt, âm thanh thì rộn rã như tiếng chuông nhà thờ.
Sau một hồi cười dài như xe lửa kéo còi, vị chân tu mới lồm cồm bật mí.
- Tại sao ta lại không cười được ? Này nhé, Đức Chúa Trời dựng nên loài người ta có đờn ông và đờn bà. Có đúng vậy không hề ?
- Dạ thưa đúng.
- Mà làm đàn ông thì sướng hơn làm đờn bà. Có đúng vậy không  hề ?
- Dạ thưa đúng.
- Đó là lý do thứ nhất khiến ta cười hoài.
- Còn lý do thứ hai ?
- Này nhé, làm đờn ông thì một là lấy vợ, hai là đi tu. Có đúng vậy không hề ?
- Dạ thưa đúng.
- Mà đi tu thì sướng hơn là lấy vợ. Có đúng vậy không hề ?
Thấy thiên hạ yên lặng gãi đầu chẳng giám trả lời, vị chân tu bèn phán luôn :
- Mấy cái lão này chả biết đí gì sốt. Người đời đã chẳng bảo : tu là cõi phúc tình là giây oan đó sao.
- Dạ thưa đúng.
- Đó là thứ hai khiến ta cười mãi.
- Còn lý do thứ ba ?
- Thứ ba hử ?
Vị chân tu bèn rít một điếu thuốc lào kêu ro ro, rồi lim dim đôi mắt mà khẽ nói :
- Này nhé, thiên hạ đi tu thì một là làm cha hai là làm ma...xơ, đại loại là như thế.  Có đúng vậy không hề ?
- Dạ thưa đúng.
- Mà làm cha thì sướng hơn làm ma...xơ bội phần. Có đúng vậy không hề ?
Lần này, thiên hạ cũng lại yên lặng gãi tai chưa kịp trả lời, thì vị chân tu đã vội cướp đài nói luôn phăng xi lô :
- Mấy cái lão này lại chẳng biết đí gì sốt, không sướng mà sao mấy ma...xơ cứ biểu tình, lập kiến nghị đòi cho được làm...cha. Thế có ngược đời không cơ chứ ?
- Dạ thưa đúng.
- Chính vì thế mà ta cười vang lên như nắc nẻ. Ví dù có các vàng thì ta cũng chả dám làm ma...xơ đâu.
Gã chẳng biết ý kiến ý cò của vị chân tu này có lệch lạc nhiều lắm không. Riêng bản thân mình, gã cảm thấy làm thân đờn ông con giai cũng nhiều cái nhiêu khê, phức tạp và rắc rối, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, chứ chẳng phải êm ru bà rù đâu.
Hẳn là bàn dân thiên hạ đều biết rằng :
Thuở ban đầu, Đức Chúa Trời đã dựng nên ông Adong và cho ông sống trong vườn địa đàng. Cảm thương cái cảnh cô đơn vò võ của Adong, Đức Chúa Trời bèn đợi lúc ông ngủ say, rồi lấy một nửa chiếc xương sườn của ông mà dựng nên Eva.
Sau khi hoàn tất tác phẩm của mình, Đức Chúa Trời bèn dẫn Eva vô ra mắt Adong. Vừa nhìn thấy bà, ông đã mừng húm mà hô vang :
- Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi.
Kiểu diễn tả của dân Giu-dêu như trên xem ra có vẻ hơi vòng vo, chứ còn diễn tả theo kiểu người Việt Nam ta thì khỏe re, Adong chỉ cần chớp chớp hai hàng mi, rồi khe khẽ kêu lên với một giọng đầy trìu mến :
- Mình ơi.
Hai chữ “mình ơi” này quả thật là tuyệt vời, quả thật là hết ý!!!
Vì Eva được dựng nên bởi nửa chiếc xương sườn của mình, nên suốt đời Adong hằng loay hoay tìm kiếm nửa chiếc xương sườn kia của mình. Chính vì thế, dân “Phú lãng xa” vốn gọi bà xã của mình là :
- Ma moitié, có nghĩa là “hỡi nửa kia của anh ơi!”
Bởi vậy cho nên đờn ông hướng tới đờn bà, con giai hướng tới con gái và ngược lại, âu cũng là chuyện rất bình thường và rất tự nhiên, vốn nằm sẵn trong bản tính con người :
- Trai thấy gái lạ,
  Như quạ thấy gà con.
Thế nhưng, chính cái khuynh hướng bình thường và tự nhiên này đã gây nên nhiều rắc rối cho phe đờn ông, nhất là cho những anh con giai mới nhớn. Chuyện rằng :
Có một vị thiền sư kia ngày nọ dẫn chú đệ tử của mình xuống núi. Trên đường, hai thày trò gặp mấy cô thôn nữ đang đi cấy, cười nói vui vẻ. Thấy vậy, chú đệ tử bèn hỏi sư phụ của mình :
- Thưa thày, đó là cái chi vậy ?
Vị thiền sư chưa biết trả lời ra làm sao, thì bỗng nhìn thấy mấy cô thôn nữ đội những chiếc nón lá, bèn trả lời :
- Ồ có gì đâu, đó chỉ là mấy chiếc nón mà thôi.
Kể từ lúc bấy giờ, chú đệ tử chẳng nói chẳng rằng. Một sự im lặng thật là dễ sợ. Về đến nhà, cứ thừ ra như người mộng du hay đi trên mây ấy. Vị thiền sư lân la hỏi chuyện, miết rồi chú đệ tử mới dám thỏ thẻ bày tỏ nỗi lòng :
- Thày ơi, sao con nhớ mấy cái...nón ấy quá. Con thương mấy cái nón ấy lắm.
Mang thân phận đờn ông “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” theo “mô đen” của anh chàng Từ Hải mà Nguyễn Du đã diễn tả trong truyện Kiều, mà nhảy vào lòng cuộc đời, lắm lúc cũng thật là nhiêu khê và rối rắm như nắm bòng bong.
Nếu chẳng may sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, trong một gia đình làm ruộng, suốt ngày đánh vật với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”,  thì bị bọn con gái sẽ chê ỏng chê eo :
- Chàng nông nãi vũ phu chi cục mịch,
  Lấy yếm thắm chỉ đào chi cho uổng công.
Còn nếu may được sinh ra dưới một ngôi sao sáng, trong một gia đình giàu có, được ăn học đến nơi đến chốn, thì cũng bọn con gái ấy lại mở miệng, trề môi ra mà liệt vào hạng “trói gà không chặt”, ham chi mà ham :
- Ai ơi chớ lấy học trò,
  Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Rồi thiên hạ cũng lại bảo :
- Nhất sĩ nhì nông,
  Hết gạo chạy rông,
  Nhất nông nhì sĩ.
Khi có được mấy cọng râu lún phún, tập tễnh bước vào đời, đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, thì cũng lại gặp phải những phiền toái.
Nếu mình cặp kè với một cô bồ thuộc loại con nhà giàu, thì bị thiên hạ coi khinh, nhìn mình bằng nửa con mắt và phong ngay cho cái học vị “kỹ sư đào mỏ”.
Nếu mình vớ được một cô vợ cao, cao về thân thể cũng như cao về kiến thức, thì thiên hạ lại lo cho mình :
- Chồng thấp mà lấy vợ cao,
  Nồi tròn, vung méo úp sao cho vừa.
Còn nếu ông tơ bà nguyện xe lầm sợi tơ duyên, cột chân mình lại với một cô nàng hơn mình tí tuổi đời, thì chắc chắn thiên hạ chẳng chịu buông tha, lại chõ mồm vào mà bình luận lung tung :
- Chồng già, vợ trẻ là tiên,
  Vợ già, chồng trẻ là duyên...con bò.
Tử tế hơn, thì họ bảo :
- Chồng lớn, vợ bé thì xinh,
  chồng bé, vợ lớn ra tình chị em.
Nếu vớ được một cô vợ đẹp như tiên giáng trần, hay ít nữa cũng như một cây trúc mà tục ngữ đã diễn tả :
- Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
  Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
Với một cô vợ đẹp và xinh như vậy, thì dễ gì mà đã được hạnh phúc và sung sướng, bởi vì khi đi ở ngoài đường, lắm lúc tức hộc cả máu mồn, cũng tại bọn đờn ông chiếu cố, ngoái nhìn đến sái cả cần cổ. Chẳng lẽ lại nổi máu Hoạn thư, ghen lấy ghen để. Bản lãnh lắm thì mới tự an ủi  lấy mình :
- Thôi thì bông hoa đẹp cứ để cho cả và thiên hạ nhìn ngắm chán chê mê mỏi, có mất mát đí gì đâu mà sợ.
Ấy thế mà vẫn còn bị thiên hạ cho mình là kẻ tầm thường và dại khờ.
Có một người đàn ông đã hỏi Đức Chúa Trời :
- Tại sao Ngài tạo ra đờn bà đẹp thế ?
- Thì ngươi mới yêu được cô ta.
- Nhưng tại sao họ lại nông cạn vậy ?
- Để cô ta có thể yêu được ngươi ấy mà.
Hay như Somerset Maugham đã phát biểu :
- Tại sao những người đờn bà đẹp lại lấy những người đờn ông tầm thường ? Xin thưa : vì những người đờn ông khôn ngoan sẽ không lấy những người đờn bà đẹp.
Trong thời gian bồ bịch, anh con giai lại còn phải tỏ ra hết sức “ga lăng”, chiều chuộng “cô nường bé bỏng” của mình cho tới mức, đúng là phải :
- Cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa.
Thế mà nhiều lúc cũng vẫn còn bị “thất sủng” với những độc chiêu, chẳng hạn như : nào giận, nào hờn, nào phạt, nào nghỉ chơi…và không chừng còn bị cho leo cây, như lời tâm sự với nhau của hai nữ sinh khoa điện, mà gã đọc được trên báo Phụ nữ Chủ nhật như sau :
- Hôm qua tao định cắt cầu dao với lão ta rồi. Con giai gì mà điện trở kém quá, tao đến muộn có 45 phút mà lão ta đã nóng đỏ cả dây tóc lên rồi! Lần sau mà còn như vậy thì tao cho đứt cầu chì luôn.
Cô bạn nghe xong bèn tiếp lời :
- Mày còn hiền quá đấy, phải tao thì lão ta đã bị một trận tóe hồ quang ra ấy chứ...Cái lão chập mạch ấy sao mày ham quá vậy. Thử xem lão ta đẹp ở chỗ nào mà cảm ứng được mày cơ chứ. Người thì dài ngoẵng như cây bút thử điện. Đầu tóc thì bù xù không ra nối tiếp, cũng chẳng ra song song, lại còn ngủ ngày như cái “tăng phô”. Mày đi với lão trông lệch pha bỏ xừ. Là con gái, mày phải chủ động nắn dòng cho lão ta mới được. Khi hắn quá dòng mà mày chịu tụt áp, thì lão ta sẽ xem thường mày ngay cho mà xem…
Thế thì có trời mới hiểu được lòng dạ đờn bà con gái. Thật đúng như lời một câu danh ngôn đã bảo :
- Chỉ có hai khoảng thời gian trong đời anh đờn ông không hiểu gì về đờn bà, đó là trước và sau đám cưới.
Suy gẫm về câu danh ngôn này, gã bèn thở dài thườn thượt mà  rằng :
-Thế thì hết bố nó rồi còn gì.
Thực vậy, một tác giả, dày dạn trên “tình trường”, đúc kết lại những kinh nghiệm riêng tư của mình, đã bật mí cho cánh đờn ông con giai như một lời tâm sự chân thành, để mà suy gẫm và tùy nghi “đối phó”, hay theo ngôn từ của những cuộc thi hoa hậu hôm nay thì để mà tùy nghi…“ứng xử” :
- Nếu bạn hôn cô ta, cô ta bảo bạn không đứng đắn. Còn nếu bạn không hôn, cô ta bảo bạn chẳng phải đờn ông.
- Nếu bạn khen cô ta, cô ta bảo bạn nói dối. Còn nếu bạn không khen, cô ta bảo bạn không biết nhìn người.
- Nếu bạn chiều theo ý cô ta, cô ta bảo bạn nhu nhược. Còn nếu bạn không chiều theo, cô ta bảo bạn chẳng hiểu gì cả.
- Nếu bạn tới thăm cô ta thường xuyên, cô ta bảo chán ngấy. Còn nếu bạn không tới thăm thường xuyên, cô ta nghi ngờ bạn bắt cá hai tay.
- Nếu bạn ăn mặc “mô đen”, cô ta bảo bạn là dân chơi. Còn nếu không, cô ta bảo bạn là cù lần cù lèo, quê ba bốn cục.
- Nếu bạn ghen, cô ta bảo đó là tật xấu. Còn nếu bạn không ghen, cô ta bảo bạn chẳng biết yêu là đí gì.
- Nếu bạn tỏ ra lãng mạn, cô ta bảo bạn không tôn trọng cô ta đúng mức. Còn nếu không, cô ta bảo bạn không thích cô ta.
- Nếu bạn đến trễ một phút, cô ta bảo bạn đã để cô ta phải chờ gần chết. Còn nếu cô ta đến trễ, cô ta bảo con gái là như vậy đó.
- Nếu bạn tới thăm cô gái khác, cô ta bảo bạn không nghiêm túc trong tình cảm. Còn nếu cô ta được chàng trai khác tới thăm, cô ta bảo đó là chuyện thường tình của con gái.
- Nếu bạn thỉnh thoảng mới hôn cô ta, cô ta nói bạn lạnh lùng. Còn nếu bạn hôn cô ta thường xuyên, cô ta bảo bạn lợi dụng.
- Nếu bạn không xách nặng giúp cô ta, cô ta bảo bản chẳng lịch sự. Còn nếu bạn  xách, cô ta bảo đó chỉ là ý đồ đen tối, âm mưu dụ dỗ.
- Nếu bạn nhìn cô gái khác, cô ta bảo bạn không đáng tin cậy. Còn nếu cô ta được chàng trai khác ngắm, cô ta bảo đó chỉ là ngưỡng mộ mà thôi.
- Nếu bạn nói, cô ta muốn bạn nghe. Còn nếu bạn nghe, cô ta lại muốn bạn nói.
Quả thật là nguy tai, thậm nguy tai ấy chứ. Đến quỉ thần cũng chẳng hiểu nổi đờn bà con gái :
- Ở sao cho vừa lòng người.
  Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
  Cao chê ngỏng, thấp chê lùn.
  Béo chê béo trục, béo tròn.
  Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.
Tới khi lập gia đình, bước vào hôn nhân, chính thức sống chung hòa bình “mí nhau”, cánh đờn ông con giai cũng không thoát khỏi cảnh lận đận và long đong. Vì thế, thiên hạ đã sánh ví :
- Trong đời anh đờn ông, khi còn độc thân là như một con công; Khi đã đính hôn là như một con sư tử; Còn khi đã kết hôn, là như một con…lừa.
Sở dĩ như vậy, đó là vì :
- Trai có vợ như rợ buộc chân.
Bởi thế, dân Ý đại lợi đã bảo :
- Cưới vợ là bán đứt sự tự do của mình...Cưới vợ là tự tạo cho mình những điều phiền muộn.
Và rồi họ đã kết luận :
- Trong đời anh đờn ông có hai ngày sướng nhất, đó là ngày cưới vợ và ngày chôn vợ.
Xem ra điều kết luận này thật là...quá đáng. Dầu vậy, thì thân phận của anh chồng cũng chẳng được sáng sủa hơn bao nhiêu. Bởi vì trong hôn nhân, chị vợ là người được hưởng lợi trăm bề.
Gã xin đưa ra một vài thí dụ nho nhỏ, chứng tỏ anh con giai khi đã có vợ thì bị “bóc lột” đến tận xương, tận tủy.
Này nhé, sau nhiều năm dài học hành chăm chỉ anh chồng mới khều được cái bằng bác sĩ, thế mà phóc một cái, chị vợ bỗng nghiễm nhiên trở thành bà bác sĩ.
Sau biết bao nhiêu ngày tháng chí thú mần ăn, đổ cả mồ hôi hột...anh chồng mới ngoi lên được cái chức giám đốc, thế mà ngày trước ngày sau, chị vợ bèn tót ngay lên thành bà giám đốc, mà chẳng gẫy một tí móng tay móng chân nào.
Sau những năm dài đấu tranh cực kỳ gian khổ, anh chồng mới ngồi được vào cái ghế tổng thống, thế mà chị vợ chỉ đi làm cảnh, cho thêm phần màu mè hoa lá, cũng lập tức được cả và thiên hạ cúi gập mình xuống mà xưng tụng là “First Lady”, có nghĩa là đệ nhất phu nhân, vợ tổng thống, hay...bà tổng thống.
Còn nếu cuộc tình mà tan vỡ, để rồi anh đi đường anh, em đi đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ có vậy mà thôi, thì chị vợ vẫn được lợi như thường.
Trong một cuộc chia tay kia, chị vợ nói với anh chồng :
- Tôi là đờn bà, nên phàm cái chi là giống cái thì thuộc về tôi, còn phàm cái gì là giống đực thì thuộc về anh.
Anh chồng nghe nói bùi tai bèn gật đầu cái rụp. Và thế là chị vợ bèn chỉ vào từng đồ vật trong nhà mà nói :
- Cái ti vi, cái tủ lạnh, cái xe hơi. Cái...và cái...và cái...
Tóa hỏa tam tinh, nói chậm thì hết, anh chồng bèn chỉ vội vào con dao rựa mà bảo :
- Đực rựa.
Và rồi anh chồng bèn chộp vội lấy con dao rựa mà ra khỏi nhà. Thật là bẽ bàng và cay đắng cho thân phận những kẻ...đực rựa như gã vậy thôi.
Ngày nay, pháp luật đã gióng lên tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của những anh chồng chẳng may bị đứt gánh giữa đường, nên đã qui định là phải chia đôi, “half anh half”, mỗi bên năm chục phần trăm.
Nhưng dù thế nào chăng nữa, xét theo khía cạnh kinh tế, thì hôn nhân vẫn là một cuộc đầu tư có lợi cho...đờn bà con gái.
Không biết có phải vì lý do trên hay còn nhiều lý do khác nữa cộng lại, chẳng hạn như vì lý do tình cảm, muốn cho gia đình được trong ấm ngoài êm, hay vì lý do tâm sinh lý...mà các anh chồng thường hay nể chị vợ. Và từ chỗ nể đến chỗ sợ, đoạn đường ngắn chủn, chẳng bao xa. Thậm chí có anh chồng còn tuyên bố một cách hắch xì xằng :
- Mình sợ vợ mình chứ có sợ vợ thiên hạ đâu mà lo. Nào có mất mát chi!
Đáng lý ra gã sẽ còn viết thêm mấy trang nữa về chuyện này, nhưng vì phần đất có hạn. Hy vọng số sau, gã sẽ mổ xẻ về những căn bệnh trầm kha của cánh đờn ông, trong đó dĩ nhiên phải có cái bệnh đáng yêu, đó là cái bệnh...sợ vợ.
Chừ thì gã chỉ xin kết luận bằng một câu danh ngôn :
- Thật tội nghiệp cho nhà nào có gà mái gáy, còn gà trống thì lại im.
Chẳng biết câu nói này của dân Ý đại lợi đúng được bao nhiêu phần trăm đây ???




Không có nhận xét nào: