Trang

Nhãn

05 tháng 7 2013

CỐ SƠN



(Ba năm ngày mất của LM Giuse Đào Thọ Sơn, cha sở
giáo xứ Đồng Công F2, địa phận Long Xuyên – 06-07-2006)

Tên của ngài là Đào Anh Thọ, nghe kể rằng vì trùng tên với nghĩa phụ nên dược đổi thành Đào thọ Sơn, vị linh mục giáo sư đã rời bục giảng trường trung học Hòa Bình, nhận bài sai của bề trên về coi sóc giáo xứ Đồng Công (Kinh F2) với thời gian đáng nể: 39 năm ròng.
Gần bốn mươi năm với bao nhiêu biến đổi thăng trầm, đôi tay linh mục đã trao vô vàn bí tích hồng ân cho ba thế hệ, người cha chung tài hoa, bảo bọc, đức độ, mẫu mực, thương yêu, hòa nhã, khiêm nhu và nổi bật nhất là đơn sơ hiền lành, đã để lại cho ngàn con chiên cả ba thế hệ nhiều kỷ niệm êm đềm, nhiều gương sáng cho cho các đấng chăn dắt kế nhiệm những bài học lãnh đạo tinh thần thiết thực.
Ngài đã thanh thản về nước Hằng Sồng ở tuổi 80, đã trả Chúa Trên nén kim ngân sinh lời vô số, thân xác ngài nghỉ yên trong khuân viên giáo đường, dưới hàng bóng cây che mát, mắt ngắm nhìn trời cao và tai nghe tiếng chuông giáo đường ngân vọng, những bước chân sớm chiều của đàn chiên về trại, xôn xao và đông đảo.
Ba năm là hơn một ngàn ngày, nhân gian có giỗ đại tường, có lễ trừ phục, rũ bỏ tang chế, nhưng tận đáy lòng con chiên thọ nhiều ân đức, làm sao quên người cha chung kính yêu, người thầy chỉ bảo dậy dỗ đường lành, càng khơi lại bao nhiêu nhân đức âm thầm trong suốt bốn mươi năm hành trình cùng đàn chiên giáo xứ.
Người cha hòa giải:
Về nhận giáo xứ ở tuồi 40, thay thế cha già Trần Công Mục, độ tuổi chín chắn và năng động nhất trong đời người, một giáo xứ với lời đồn thổi nguội lạnh đạo đức mà nóng bỏng tranh kiện, đau đầu đến cả Đức Giám quản địa phận. Hình như đã có một câu vè “muốn lên thiên đàng thì về Kinh A, muốn ra ma thi về Kinh F…” như để ví von cái bất kham của xứ đạo này. Định cư về đây tiền thân là dân Bùi Chu và Thái Bình chẳng ưa nhau là mấy, bằng mặt mà chẳng bằng lòng, đố kỵ bắt bẻ nhau từ lời ăn tiếng nói, từ tục lệ xa xưa, hiềm khích cứ âm thầm kéo dài cả đến 10 năm. Ngài đến thăm hỏi từng nhà, sự cởi mở thân mật, sự binh dị hòa đồng dần dần đánh tan những thành kiến cố hữu, “hai phe” đã bớt kình địch, những mối lương duyên trai trẻ nảy sinh càng làm bền thêm sợi dây hữu hảo, ngài là nhân tố chính trong cuôc bắt tay hòa giải, để cùng xây dựng một xứ đạo sánh vai ngang bằng với các xứ láng giềng.
Người thợ làm vườn nho không mệt mỏi:
Về nhận giáo xứ, ngài bắt đầu xây dựng thánh đường mới, tại trung tâm điểm dân cư, hai lô đất được sang nhượng lại, đã sẵn sàng chờ công sức những chàng trai vượt lập, từng viên đất đào ao đắp thổ, thanh niên thiếu nữ ngày ngày ra sức góp công, bao giọt mồ hôi là bấy nhiêu tiếng cười rộn rã, mệt lắm mà lại vui nhiều, những bữa cơm nhà xứ chan hòa tình đoàn kết, đạm bạc và thiết tha. Cứ vậy theo tháng năm trôi trôi, nhà xứ nhà thờ, trường tiểu học, cầu đúc bê tông, tượng đài Đức Mẹ đã được hình thành, lại đến vượt lập nghĩa trang, cho người nằm xuống yên giấc ngủ ngày về với đất, con đường “tống cố” rộng rãi thênh thang, tiện lợi cho kẻ sống viếng thăm mộ chí người đã mãn phần.
Người kiến thiết các hội đoàn:
Song song với công việc dựng xây nhà Chúa, ngài quan tâm và thao thức nhiều đến kiến thiết hoạt động các hội đoàn, trước đây chỉ có các hội Dòng Ba Đa Minh dành cho ông bà lớn tuổi, hội Nghĩa Binh (nay là Thiếu nhi Thánh Thể) cho các em nhi đồng và một hội hát với dăm cô thiếu nữ. Nay ngài khuyến khích mọi giới gia nhập sinh hoạt thêm các hội đoàn, hội Con Cái Đức Mẹ, hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae), hội Liên Minh Thánh Tâm, hội các Bà Mẹ Công Giáo và các ca đoàn giáo xứ, bầu khí sinh động hẳn lên, mạch sống tâm hồn lâu nay ngưng trệ đã được khơi dòng, mỗi chiều chung quanh nhà thờ náo nhiệt đủ giới rộn ràng.
Ngoài các hội đoàn trên, với bản chất người nghệ sĩ, ngài còn đồng ý cho thành lập các hội khác như hội trống, hội trắc, hội mõ, hội bát âm và hội kèn tây, ngài như Đa-vít nhảy múa trước hòm bia Thiên Chúa, tiếc thay các hội này chẳng đươc bền lâu, các thành viên không ổn định vì cuộc sống đổi thay chỗ ở.
Người cha của yêu thương:
Dám khẳng định một điều, không một ai ghét được ngài vì ngài luôn khoan hòa nhân ái, ngài bình dị tưởng không ai bình dị hơn, ngôn phong của ngài ai ai cũng hợp, Kính trọng người già, hòa đồng người trẻ, hành xử thong dong không gượng ép, chẳng bao giờ kết án một ai, bàn tay ngài như một suối nhạc réo rắt cung bậc yêu thương, con đường ngài đi đúng theo thánh Gioan Vianey là quan thầy các cha sở, sau năm 1975, ngài dám đem uy tín và cả mạng sống mình bảo lãnh cho cha cố Nguyễn Thượng Uyển và cha giáo Đặng xuân Hải khỏi vòng lao lý, để cùng về coi sóc hai họ trong giáo xứ.
Có nhiều người bây giờ không còn trẻ, con cái họ sinh ra đã được ngài rửa tội, khi chúng trưởng thành lại đã được ngài ban phép hôn phối, để hôm nay họ đã lên chức ông bà nội ngoại đông đảo cháu con, lúc nào cũng nghe họ kể về ngài liên lỉ mà chẳng chán tai.
Có nhiều người già bây giờ không còn nữa, nhưng con cái họ kể lại, ngài đã xức dầu bệnh nhân, trao của ăn đàng và ngậm ngùi tiễn đưa cha mẹ họ an nghỉ nơi nghĩa trang.
Lại có nhiều người không còn ở trong xứ đạo, vì cuộc sống phải cố lý tha phương, họ luôn nhắc về ngài , mỗi người với lắm kỷ niệm khác nhau, cuộc đời truân chuyên theo thời gian đã lãng quên nhiều thứ, sao kỷ niệm về ngài lại chẳng phôi phai.
-oOo-
Kỷ niệm ba năm ngài giã từ trần thế, có những con chiên không còn định cư nơi xứ đạo Đồng Công, họ đã lưu lạc bốn phương, nhưng đã liên kết rủ nhau xum họp trong ngày này, lại lấy mốc thời điểm ngày ngài về nhà Chúa là ngày hội tụ đồng hương, một ngày đáng nhớ, gặp nhau hàn huyên và trước di ảnh ngài, kính yêu thầm thì hai tiếng: Cố Sơn.
(Bùi Nghiệp SG-2009)

Không có nhận xét nào: