Trang

Nhãn

11 tháng 7 2013

NGẮM VĂN CÔI ĐỨC BÀ



LTS: Tác giả Josept Vũ là người trước đây ở Kinh F2 (Giáp Đồng Lạc), nay định cư bên Hoa Kỳ

Có ai đọc kinh Ngắm Văn Côi Đức Bà chưa? Nếu chưa đọc thì xin dừng ở đây.
Chẳng biết bản kinh nguyên thủy có nằm ở Trung Tâm Văn Hóa & Đức Tin mà Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống mới xây dựng ở Saigon không? Cứ theo mạch văn thì hình như kinh này đã bắt nguồn từ ngoài Bắc. Tôi mong có ngày được về Saigon để tìm hiểu thêm. Không phải vì tôi là người đạo đức hay ‘học giả học thật’ gì đâu, nhưng chỉ vì kinh này là một kỷ niệm rất đẹp trong đời tôi thôi.
Có những lời kinh đến giờ này đã trên 50 tuổi mà tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa như là “Thái linh chi giả tư kỷ bản, Chước lễ toàn giả thám kỷ nguyên”. Ngày xưa, tôi chỉ theo mẹ, theo bà đọc thuộc lòng như con vẹt, nhưng mỗi chữ trong kinh bây giờ đọc lại đều gợi cho tôi những kỹ niệm rất thân thương: trong gia đình và trong khu xóm.
Chắc chẳng mấy ai tin đâu, nhưng thực sự tôi đã thuộc lòng bản kinh này khi chưa đầy 12 tuổi. Người dậy tôi kinh này lại chính là bà nội và mẹ tôi: hai người đàn bà cùng quê mùa thất học như nhau, không biết một chữ Quốc Ngữ, chứ đừng nói đến chữ Nôm, chữ Nho hay chữ Hán. Bà nội đã dậy tôi những lúc tôi chèo thuyền đưa bà đi nhà thờ với các bà dòng ba Đa-Minh mỗi buổi chiều. Còn mẹ tôi đã dậy tôi những lúc tôi ngồi trên thuyền hái rau muống với mẹ ở ao sau hoặc nằm trên thuyền ăn mía với mẹ.
Tôi học kinh ở trên ghe trên thuyền vì Tháng Mười là Tháng Mân Côi và cũng là tháng lũ lụt ở miền Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tất cả đồng ruộng đều chìm dưới làn nước lũ. Có nơi đất khô và  nứt nẻ đến nửa gang tay vào mùa khô vậy mà đến mùa nước thì lại chìm dưới hai, ba thước nước.
Có nước là có cá. Và có nước là có cây cối mọc. Mùa nước lên, cá tôm từ hồ Tonle Sap bên Cam Bốt đổ về rất nhiều. Sen, súng, rau muống, điêng điểng, ấu, các loại rong… cũng theo giòng nước phù sa mọc nhanh và nở hoa khắp nơi làm chỗ cho tôm tép, cá mú ẳn mình và sinh sản. Vùng Cái Sắn quê tôi người ta trồng hai loại lúa: lúa Tàu Binh và lúa Nàng Tây. Lúa Nàng Tây hột gạo trắng, thơm, và mềm nên có giá cao,  nhưng số thu lại hoặch không nhiều và cây lúa không chịu được nước sâu. Còn lúa Tàu Binh thì hột gạo đỏ, cứng, ăn không ngon nhưng lại chịu nước và có số thu hoặch cao. Năm nào lụt lớn thì đến mùa gặt tôi thấy thân cây rạ Tàu Binh có khi dài gần bằng cây tằm để đo ruộng.
Nước ngập đầy đồng người nông dân trong vùng ăn chơi với sông nước cả mấy tháng chờ ngày nước rút và lúa chín để xuống ruộng. Người thì tụ tập vót tre đan rổ, đan rá, đan thúng… chuẩn bị cho mùa gặt sắp đến. Nhóm thì tụ tập đan lờ, đan lọp, làm ống lươn hoặc đan vó, đan chài, đan lưới, uốn lưỡi câu, xe giây câu… Người nông dân vào những tháng này thật nhàn hạ.
Khu xóm khá thanh bình và thời tiết mát mẻ nhờ có nước. Tháng Mười chưa cười đã tối, sáu giờ chiều thì trời đã nhá nhem. Sau những tiếng chầy dã cua hai bên bờ kinh một hồi là nhà nhà đã lên đèn, và chẳng bao lâu thì tiếng kinh Văn Côi đã vang vang, trải dài trên mặt nước, nối tiếp từ nhà này sang nhà kia.
Chị tôi vừa vặn cái đèn dầu cho cao ngọn rồi bỏ trên bàn thờ đọc kinh thì tiếng cá lóc dính câu cặm giãy phạch phạch ngay bên bờ ao làm tôi phải lội ra vớt cá. Nước trong và mát thật, nhưng dằm nước nhiều mà không rửa sạch thì chân tay cũng nhiễm độc mà người địa phương hay gọi là bệnh ‘nước ăn chân’, phải lấy chanh hay phèn chua chà vào mới bớt. Đã chà phèn chua vào chân rồi mà phải lội xuống nước thì rất ngại, nhưng tiếng cá vẫy đuôi ục ục vẫn mời gọi quyến rũ.
Đọc đến chục kinh mùa vui thứ bốn:
Lạy ơn Ðức Mẹ nhân thay.
Xin vì sự nhiệm mầu này dủ thương.
Cho con thủ tiết băng sương,
 Ðáng lên hưởng phúc thiên đường ngày sau.
Thì mẹ tôi hét lên: “Giêsu Ma Lạy Chúa tôi…ông ơi…”. Ai nấy hoảng hồn tưởng rắn rết bò lên giường, nhưng không phải. Thằng em út của tôi vừa ăn no một bụng cơm canh cua rốc và cá rô mề kho nhừ, ngồi nghe lời kinh vần vần êm tai quá, ngủ gật, rơi tõm xuống nước và đang cố giấy dụa quậy nước bò lên. 
Thế đấy, nền nhà có khi đã vượt cao hơn mặt ruộng cả hai thước vậy mà khi mùa lũ lớn, nước vẫn ngập sàn nhà. Cá rô cá trê tự do ra vào, bơi lội, đuổi nhau dưới gầm giường. Vách nhà bằng đất lâu ngày nước cuốn mòn, cũng chỉ còn lại mấy cây dứng bằng cây tràm con hoặc cây lau. Còn chim, chuột, rắn thì kéo nhau lên các bụi tre bụi trúc làm tổ, có khi lên cả mái nhà nữa. Tre và trúc thường rất chịu nước, nhưng những loại cây ăn trái nhu đu đủ, soài, măng cầu, mít đều vàng lá rồi chết ối sau vài tuần ngập nước. Mía thì thường cũng chết.
Nước lớn cá nhiều nên đi giăng lưới giăng câu rất thích thú. Có khi chưa bỏ hết giường câu thì đầu bên cá đã dính một hai con rồi. Có lẽ tôi mau thuộc kinh Ngắm Văn Côi cũng là nhờ tính ham giăng câu và sự nghiêm ngặt của bố tôi đấy: “mày không thuộc kinh thì đừng hòng bước xuống xuồng con ạ. Tao để sắn cái roi tre ở mũi xuồng rồi đấy”.  Nghĩ tới những đàn cá rô đói mồi, những đàn cá linh cá he đuôi đỏ chói bới lội quanh đám rong xanh biếc dưới làn nước trong  suốt là tôi mê rồi. Kinh nào cùng phải thuộc để còn được nhót xuống xuồng, rút cây sào, chống theo tụi bạn. Ôi sung sướng quá. Mồi câu cá vào mùa nước lũ là cào cào và nhện làm tổ trên những lá lúa.
Khu xóm khá thanh bình có nghĩa là người ta chỉ nghe tiếng bom xa xa vọng về từ mạn Cờ Đỏ hoặc vùng Núi Cấm Thất Sơn. Còn trôm cướp thì đôi khi cũng xảy ra, nhất là mùa nước lũ, lợi dụng nước lớn, trộm cướp dễ trốn và dễ phi tang. Đêm đêm tiếng ‘tù và’ từ những  kênh bên cạnh thổi nghe cũng ai oán và rợn người lắm. Lại thấy bố mẹ xì xèo với nhau về cách đối phó khi có trộm cướp, tôi sợ lắm và rất thương khuôn mặt đăm chiêu của bố. Hỏi mẹ, mẹ chỉ bảo “Người ta thổi tù và để báo động đấy. Mình phải đọc kinh cầu nguyện cho gia đình được bằng an”. Tôi càng sợ càng đọc kinh to. Đôi khi được bố khen ‘đọc kinh giỏi hơn chị’, tôi thích lắm.
Chẳng biết bố mẹ tôi có hiểu hết lời kinh đọc hay không? Nhưng bắt cả nhà đọc không thiếu một chữ nào. Kể cả tựa đề “Ngắm Văn Côi Đức Bà” hay  “Thơ Rằng”...  Chị tôi bảo không cần đọc những chữ này, nhưng ‘cãi’ sao lại bố mẹ tôi. 
Cứ thế, Tháng Mười năm nào nhà tôi cũng đọc kinh này cho đến ngày chị em tôi đi học xa.  Và đã gần nửa thế kỷ nay tôi không đọc kinh này, cho đến hôm nay có người bạn từ Việt Nam gởi qua cho tôi bản kinh.(Cảm ơn Nghiep Bùi). Tôi mừng lắm và xê-vơ ngay vào đĩa để lúc rảnh rỗi đưa ra đọc. Tôi đọc để nhớ lại những ngày xưa thân ái, nhớ lại mái ấm gia đình, nhớ lại niềm tin đơn sơ, nhớ bố nhớ mẹ, nhớ chị nhớ em…chứ chưa dám gọi là cầu nguyện đâu vì lòng đạo của tôi bây giờ khác xưa nhiều rồi.
Ngày xưa tôi thuộc kinh và đọc kinh.
Ngày xưa tôi đọc kinh là cầu nguyện.
Và ngày xưa tôi cho rằng cầu nguyện là đạo đức. Và đạo đức để lên thiên đàng…
Ngày nay tôi nghĩ khác và cầu nguyện kiểu khác. Cầu nguyên và sống đạo kiểu khác thôi chứ không có nghĩa là đức tin của tôi vững mạnh hơn xưa đâu. Có khi ngược lại là khác.
Dẫu sao tôi cũng ước mong để lại cho con cái tôi một kỷ niệm đẹp và thiêng liêng như bà nội và bố mẹ tôi đã để lại cho tôi: Ngắm Văn Côi Đức Bà 
Ai chưa từng đọc kinh này, nhưng lại đã tò mò đọc kỷ niệm của tôi tới đây mà không chán thì thử đọc một lần kinh nay xem sao nhá. Tôi xin Đức Bà Rosa chúc lành cho những ai đọc đến chữ cuối cùng. 
Joseph Vu, 10/08/2006

1 nhận xét:

Đồng Hương Đồng Công nói...

Bạn Josept Vũ! Tôi lấy bài này của bạn đăng lên, vì mình cùng là người xa quê cả, bài hồi ức này đọc vui mà ý nghĩa, rất thích.