Cô nàng lắc đầu bảo tớ: “ Eo ơi ghê
quá. Ghê quá. Anh đừng nói nữa. Ai mà ăn chuột”. Cô nàng sợ chuột, sợ ăn chuột,
và sợ chuột ăn vì cô nàng vốn thuộc gia đình giầu có và sống ở tỉnh thành. Tớ
tôn trọng sự sợ hãi ấy của cô nàng nên không kể ‘truyện chuột’ nữa, nhưng trước
khi ngừng, tớ hỏi vặn cô nàng: “Vậy con chuột với con tôm hùm và con ốc biển
đầy gai, con nào dễ coi hơn? Ở Việt Nam, người ta chết vì ăn gà, chứ có ai chết
vì ăn chuột đâu nào?”.
Cô nàng sợ chuột, nhưng vẫn thương
một tay ngày xưa chuyên bắt chuột như tớ thì cũng được. Cô nàng không ăn chuột,
nhưng vẫn hôn lên cái miệng tớ ngày xưa đã thường xơi chuột thì cũng tốt
thôi.(Hôm nay nếu có món chuột xào với mẻ và riềng, tớ vẫn ăn). Cô nàng khiếp
chuột, nhưng lại ngủ với tớ, một tên đã từng đeo chuột trên vai và đội chuột
trên đầu thì cũng kể là có ‘nhân duyên’ đấy.
Tớ nằm nhớ lại những bài báo mới đây
trên tờ báo điện tử Người Lao Động trong nước. Được biết ở Việt Nam bây giờ
người ta tìm ăn nhưng món độc đáo như những con Bò Cạp hiểm độc sống ở vùng núi
Thất Sơn Châu Đốc, rồi những con Rắn Lục - cũng cực độc - ở vùng rừng Tuyên
Quang, Bắc Cạn… Tất cả đã trở thành những đặc sản miền quê. Món thì để
chữa bệnh ung thư, món thì để tăng cường khả năng chăn gối. Tớ không chắc về
những điều này, nhưng điều chắc là những món này đã và đang chữa được cơn bệnh
nghèo của những người ở vùng… nghèo.
Nói đến đặc sản thì chắc đã có nhiều
người về phe tớ, phe ăn chuột rồi hoặc ít nhất cũng bớt sợ …chuột rồi. Thật
vậy, sống ở miền quê những năm 1960 mà không ăn chuột, ăn rùa, ăn rắn… thì làm
sao mà lớn nhanh để còn đi lính hoặc nếu may mắn được miễn dịch thì còn đi tát
đìa mướn hoặc lái máy cày?
Miền quê nào vậy? Để tớ kể tiếp. Hồi
mới xuống Cái Sắn những năm 1958, tớ mới 6 tuổi. Chẳng nhớ nhiều, chỉ nhớ thửa
đất bố mẹ mới vượt để cất nhà còn ướt nằm bên cạnh con kênh nước trong veo. Mẹ
tớ dẫn đi chơi và chỉ cho xem những đàn cá rô, cá sặt bơi lội đầy dưới nước.
Chiều xuống là ếch nhái thi nhau kêu bì bọp, ọp ẹp, chim chíp inh ỏi cả ruộng.
Đồng ruộng hoang vu, dân mới định cư
nghèo nàn nên phải cố bám lấy đất để sống. Đời sống ở đây nếu không vô cùng cơ
cực thì cũng vô vàn lam lũ. Bố mẹ tớ lại nghèo hơn cả những người chung quanh
nên chị em chúng tớ rách rưới lắm. Lên mười tuổi tớ mới lần đầu nhìn thấy lọ
kem đánh răng hiệu Perlon có cô gái cười tươi với hàm răng trắng như bông gòn.
Và hai anh em tớ lúc ấy vẫn phải xài chung một khăn rửa mặt và đắp chung một
cái chăn.
Để sống và để lớn, tớ được bố mẹ cho
ăn đủ mọi loại ‘đặc sản’: cá, cò, rùa, rắn, lươn, ếch, chuột, tôm, tép, cua,
cóc, ốc…Thịt gà và thịt lợn thì cũng có, nhưng chỉ có vào dịp tết nhất hoặc giõ
chạp thôi. Thịt trâu và thịt bò thì hầu như chỉ vài lần suốt thời niên thiếu.
Đó là những món ăn bố mẹ đã chính thức ‘kiểm duyệt’. Còn những món như dế
nướng, cào cào nướng, hay liềng liễng sao dòn, hoặc cháo nhái… những món chị em
chúng tớ ăn vụng với lũ bạn hàng xóm lại là khác. Rắn thì có nhiều loại: rắn
bông súng, rắn rái cá, rắn doi doi là những loại lành và ngon. Còn các loại hổ
như hổ hành, hổ đất, hổ ngựa… thì bố tớ cấm tuyệt không cho đụng tới. Tớ vẫn
nhớ đã bị rắn doi doi táp hai lần, bị rắn hổ ngựa rượt một lần, và một lần bố
đánh đòn vì đã dám làm thịt rắn hổ đất. Phải tớ giỏi viết văn thì chắc cũng góp
được vài mẩu truyện đồng quê như Bình Nguyên Lộc.
Ở miền quê Việt Nam thì cơm là món
ăn chính. Sáng cơm, trưa cơm, và tối cũng cơm. Bánh mì và xôi là những cao
lương mỹ vị tớ ít khi dám mơ lắm. Thỉnh thoảng theo mẹ vào chợ Núi Sập mới được
ổ bánh mì ngắn hoặc các chú đi lính về phép mới được bà nội chia cho một khúc.
Mà ‘bánh mì kẹp ruột’(bánh mì với ruột bánh mì) chứ không phải bánh mì thịt đâu
nhá. Viết ra người đọc tưởng xạo, nhưng mà tớ viết cho mình nên xạo làm gì.
Còn rau cỏ thì sao? Chỉ có cỏ là trừ
ra không ăn thôi, chứ rau gì nhú lên khỏi mặt đất Cái Sắn, tớ cũng được xơi cả:
rau dền, rau dệu, rau muống đồng, rau sam, rau thèo lèo, rau vòi voi, rau ngổ
trâu, rau cần, rau rút, rau ngót, bông súng, điêng điểng, so đũa, nõn chuối…
tất cả tớ đã ăn qua hết. Dĩ nhiên luộc là đỡ tốn kém và thông dụng nhất. Còn cà
ghém, rau đay, mồng tơi, rau lang, rau riếp là những loại đã có tên tuổi trong
sách vở rồi. Không cần kể ra nữa. Nghĩ lại tớ thấy mình đã sống trên một vườn
thuốc nam mà không biết.
Cuộc sống ở vùng ‘kinh tế mới’ như
thế nên khi lên 12 tuổi tớ vẫn là một thằng bé còm cõi đen đủi. Thế giới của tớ
bấy giờ nhỏ bé lắm. Chỉ biết hướng Đông là chân trời Kênh G kênh H. Chếch hướng
Bắc một tí là Núi Sập, Núi Ba Thê, và chếch hướng Nam là con đường mờ mờ đầu
kênh chạy từ Long Xuyên về Rạch Giá. Đêm đêm nghe tiếng bom nổ từng hồi rung
đất. Hỏi bố, bố bảo ở Miệt Cờ Đỏ. Tất cả những địa danh này với tớ chỉ là những
‘ý tưởng’. Còn Sài Gòn thì lại ‘siêu hình’ hơn gấp bội.
Là một thằng bé ốm o gầy còm, nhưng
nhờ quen xốc vác những công việc nặng như tát ao, đào chuột, leng đất, gánh
đất, đánh đống rơm, đội rau cho lợn, vác lúa vào bồ, hoặc chạy theo trâu bò,
chống ghe chèo thuyền, giăng câu đánh dậm nên tớ có một cái tài vặt rất quê
mùa: tài vật nhau.
Thật vậy, có nhiều đứa ở trong lớp chạc
tuổi tớ - trắng trẻo béo tốt - vậy mà tất cả đều bị tớ cho ‘năm dưới’ hết một
lượt trong những cuộc vật lộn hoặc được chính thức tổ chức hoặc chỉ đột xuất vì
một lời khiêu khích tên bố tên mẹ của nhau. Trong những cuộc vật có tổ chức thì
những đứa con trai lớn làm trọng tài và đám con gái lớn nhỏ làm khán giả đàng
hoàng. Những ‘kẻ chiến bại’ có đứa khôn hồn thì qui phục tớ ngay, có đứa ngoan
cố thì về cáo bố mẹ, nhưng bố mẹ chúng lại không dễ dàng tin đâu: “Mày mà thua
nó à? Thằng nào nằm trên?”. Cuộc vật lộn lại được tổ chức ngay ở gốc tre bên
đường để kiểm chứng. Tớ lại ‘nằm trên’ và đối thủ khóc nhè bên dưới. Thế đấy.
Bây giờ đa số trọng tài và đám khán giả vẫn còn sống và chắc chưa quên tớ đâu.
Cũng nhờ ăn những đặc sản miền đồng
ruộng và sống trên vườn thuốc nam nên tớ còn một cái tài vặt khác, văn minh hơn
một tí: đó là tài làm toán, toán đố với ‘toán’ một bên, ‘lời giải’ và đáp số ở
một bên hẳn hoi. Tớ nhớ trưa hôm ấy, thầy giáo dẫn cả lớp đi bộ ra đầu kênh để
lên huyện Thốt nốt thi tiểu học. Thấy tớ bé con, một ông cụ đang làm vườn bảo
thầy giáo: “thằng bé này theo đi chơi chứ thi cử gì. Mày thi đậu về đây ông cho
một ký kẹo cháu ạ”. Ông đâu biết tớ đã từng được thầy giáo nhờ ‘lên bảng’ dậy
lại toán cho cả Lớp Nhất, nhất là đám con gái. Thầy giáo tớ bảo ông cụ: “ông
nhớ kỹ lời hứa đấy nhá”. Mấy tuần sau có kết quả khóa thi, thầy giáo cứ đòi dẫn
tớ đi lấy ký kẹo, nhưng tớ xấu hổ nên không đi mặc dù đến giờ vẫn chưa quên lời
hứa của ông cụ ở Khu Hai trong Kênh F.
Đề thi toán tiểu học năm ấy là ‘đào
đìa”: người ta đào một cái đìa dài X mét, rộng Y mét, và sâu Z mét. Đất đào lên
nở ra 10%. Vậy nếu lấy đất ấy mà đắp một thủa vườn rộng M mét thì thủa vườn cao
được bao nhiêu? Quá dễ vì tớ đã học toán hình học với thày ở trường học và thực
hành đào đìa với bố ở nhà. Có đáp số và được ra khỏi phòng thi sớm là cái chắc.
Về môn vẽ thì tớ vẽ một chai bia Con
Cọp để trên một cái bàn.
Môn thuộc lòng thì tớ đọc bài Hận
Sông Gianh:
“Đây Sông Gianh, đây
biên cương thống khổ.
Đây sa trường đây nắm mộ
trời Nam.
Đây giòng sông giòng máu
Việt còn loang.
Đây cổ mộ xương tàn xưa
chất đống…”
Không nhớ tên tác giả, nhưng tớ vẫn
còn nhớ bài thơ buồn non nước này mãi.
Còn phần hát thì một mình tớ ‘đồng
ca’: “ Ta người Công Giáo gắng chí… cương quyết đấu tranh… Hướng về Va-ti-can,
thành cao sáng Va-ti-can…”
Nghe tớ hát, ông giám khảo cứ nhìn
tớ rồi nhìn sang cô giám khảo áo dài trắng nghiêm trang. Sau cùng ông cười ra
chiều khoái chí lắm. Ông cười vì không hiếu tớ hát gì hay là ông cười vì đã
thấy nơi tớ một thiếu nhi sớm có lòng YÊU NƯỚC qua bài Hận Sông Gianh và lòng
YÊU GIÁO HỘI qua bài Hướng Về Vatican. Có thể cả hai giả thuyết đều sai và biết
đâu ông cười cái NGÔ NGHÊ của tớ thì đúng hơn.
Hướng về Vatican, phải hường về
Vatican, nhưng tớ chẳng hề biết Vatican ở cái hướng nào mà hướng. Đường lên
tỉnh, lên quận còn chưa biết. Huống hồ. Hỏi bố thì bố bảo bố cũng không biết.
Tớ tưởng tượng Vatican là một nơi
trong sáng tươi đẹp. Ở đó Đức Giáo Hoàng, các Đức Hồng Y, các Đức Giám
Mục, các Linh Mục là nhưng người thông minh thánh thiện tuyệt hảo, sống trong
những nhà thờ đẹp, sớm ngày chăm chú cầu nguyện, nghiên cứu, học hỏi về Chúa để
mở mang đạo thánh khắp thế giới. Vatican là nơi có các người Anh, người Tây,
người Mỹ với trí thông minh siêu việt cùng nhau lo điều hành cả giáo hội, cầm
cân nẩy mực cho giáo dân khắp thế giới. Vatican là nơi mọi người trên thế giới
phải hướng về và lấy đó làm gương sáng mà noi theo. Là nơi có những cuộc cung
nghinh rước kiệu với đèn cờ ngập trời, trống nhạc uy nghiêm để hằng ngày tôn
thờ Chúa. Là nơi Đức Giáo Hoàng truyền phán một lời là cả thế giới phải nghe
theo. Nói chung, tớ nghĩ Vatican là tất cả, Vatican là tuyệt vời, Vatican là
không thể sai lầm. Còn những Giáo hội địa phương như Giáo Hôi Việt Nam, Giáo
Hội Phi Luật Tân ‘chẳng ăn thua gì’. Cái Sắn dĩ nhiên là số không, và chí có
‘TÂY’ mới là đầu Giáo Hội mà thôi.
Quan niệm về Giáo Hôi như vậy cứ
theo tớ cho đến tuổi 20 rồi qua tuổi 20 nữa. Thú thật, cho đến tuổi gần 30 tớ
vẫn nghĩ giáo hội thuộc về những ông Tây đạo mạo với mũi cao và râu quai nón,
bụng chứa đầy những kiến thức và nhân đức, rồi từ đó tớ trọng các giáo sĩ Tây
hơn các giáo sĩ Việt, nể giáo dân Âu Mỹ hơn giáo dân Việt Nam. Hai vị giáo sư,
một người Canada, một người Tầu. Tớ trọng thầy Canada hơn. Tại sao vậy? Có lẽ
tại tớ nhà quê. Tại bố mẹ tớ cũng nhà quê nên cái nhìn cũng rất quê mùa hạn
hẹp.(Cho xin lỗi vì quan niệm sai lầm này)
Khi ra nước ngoài lúc tuổi gần 30,
quan niệm của tớ về Giáo Hội tự nhiên và theo thời gian đã thay đổi nhiều.
Thay đổi thế
nào?
Trước hết, tớ kính trọng các giáo
hội địa phưong nhiều hơn, đánh giá giáo quyền địa phương cao hơn. Khi bỏ Việt
Nam, tớ như người mất quê hương, nhưng khi tìm được ý tưởng: “quê hương của tôi
là ở những nơi có tự do và tình người”, tớ thấy được an ủi và cũng từ đó tự
nghĩ: “Giáo Hội là những nơi có niềm tin và lòng yêu mến Chúa Giêsu”. Và
nếu Teilhart de Chardin bảo: “Thế giới này thuộc về những người biết mang lại
cho nó niềm hy vọng” thì tớ cũng lại nghĩ: “Giáo Hội thuộc về những người có
niềm tin và mến yêu Chúa Cứu Thế Giêsu”. Đơn giản thế thôi.
Thần tượng nơi những người ngoại
quốc trong tớ cũng bớt hẳn đi với vận tốc khá nhanh. Tớ nhìn Giáo Hội trong hai
chiều kích Thần Linh và Nhân Linh đồng đều hơn. Giáo Hội không là tập thể của
những vị thánh đã thành mà là đoàn người đang cùng nhau đi theo Chúa Giêsu để
tìm và hưởng ơn cứu độ. Giáo Hội không chỉ có nhân đức mà có cả tội lỗi nữa. Tớ
dễ dàng làm quen với những bề trái của giáo hội và dễ dàng chấp nhận những yếu
đuối của Giáo Hội bằng đức tin hơn. Bây giờ tớ nhớ lại lời của một giáo sư
triết học ở Dalat năm 1974:”Con thuyền Giáo Hội bị sóng gió mà không chìm là
một phép lạ vĩ đại mà ít người thời nay nhìn thấy. Cũng như những người đến Fatima
và Lộ Đức cầu xin khỏi bệnh rồi không được phép lạ mà vẫn còn niềm tin thì cũng
là những phép lạ mà không biết”.
Tớ cũng bớt thần thánh hóa các bậc
giáo sĩ cả về đạo đức cũng như kiến thức trong khi tớ đánh giá niềm tin của
người giáo dân cao hơn. Những bằng cấp Tiến Sĩ từ Fribourg, Thụy Sĩ, từ
Sorbonne, Pháp Quốc, những Thạc Sĩ từ Trường Truyền Giáo Roma hay George
Washington, Mỹ Quốc không còn mấy ý nghĩa với tớ nhiều nữa.(Tớ không kiêu ngạo
đâu, chỉ tại ngày xưa tớ nghĩ sai mà cho các đấng bậc trong đạo là thần là
thánh rồi. Thế thôi) Tớ nghĩ niềm tin nơi Chúa Giêsu và lòng yêu mến Ngài mới
đáng kể. Kiến thức - dù là kiến thức trong đạo – cũng chỉ là phần nhỏ. Bao
nhiêu đại học, bao nhiêu viện nghiên cứu cũng không qua cuốn Thánh Kinh nhỏ bé.
Bao nhiêu cấp bậc nghi lễ cũng chẳng qua lời Chúa mời gọi Thánh Phêrô - rất đơn
giản: “Con có mến thầy không?” Kho tàng đức tin nằm trong Thánh Kinh chứ không
phải ở trong những kho sách Thần Học của thánh Toma Aquino hay Triết Học của
thánh Augustino. Dĩ nhiên cần phải có những tri thức để diễn đạt và rao truyền
niềm tin cho những người thời đại hôm nay, nhưng tri thức cũng không qua lòng
yêu mến vì hình như thánh Phaolô đã viết:” dù nói được nhiều ngôn ngữ hay làm
được nhiều phép lạ mà không có lòng mến thì cũng là số không” thì phải.
Đâu phải biết nhiều là luôn mến
nhiều hoặc biết nhiều thì niềm tin vững vàng hơn. Thiên Chúa là vô cùng. Học
biết về Ngài cũng chỉ là vô cùng – Ngài thì vô cùng Bao La còn con người thì vô
Cùng Giới Hạn. Thật vậy, có những điều trong đạo mà ông chủ tịch hội đồng giáo
xứ Núi Sam, Châu Đốc không hiểu thì chính Đức John Paul II cũng chẳng biết hơn
bao nhiêu. Có những câu trả lời mà bà hội trưởng các bà mẹ công giáo xứ
Ahaheim, California tìm không thấy thì Đức Benedictô XVI cũng chưa chắc đã tìm
được. Nhưng tất cả vấn tin tưởng và yêu mến. Hình như vậy là đủ rồi vì Chúa
Giêsu cần Đức Tin bằng hạt cải chứ không cần kiến thức bằng cái bàn.
Rồi tớ vẫn kính phục hàng Giáo Sĩ,
nhưng tớ khâm phục sự dấn thân của các nữ tu khắp nơi trên khắp thế giới nhiều
hơn. Môt chị đệ tử dòng Mến Thánh Giá Hà Nội cũng như bà bề trên dòng Nữ Tử Bác
Ái bên Ấn Độ. Nữ tu da vàng hay da đen gì cũng thế. Dòng kín hay dòng vào đời
cũng vậy. Tớ kính phục hết thảy như những chứng nhân khi thấy họ sống điều họ
tin vì tớ nghĩ một nữ tu mà sống đúng lời khấn khiết tịnh, nghèo khó, và vâng
lời thì không thua gì một Linh Muc. Cũng như một người không có tôn giáo
mà sống tốt lành thì còn đáng kính hơn cả người có đạo sống đạo đức. Nếu Chúa
Giêsu xuống thế trễ hơn 2000 năm thì chắc phúc âm sẽ dài hơn một tí vì phải
viết nhiều hơn về các bà như bà Maria hay Martha.
Tớ nhớ lại vào năm 1973, khi về làm
việc ở Vàm Cống, Lấp Vò thuộc tỉnh An Giang là những nơi người ta theo đạo Hòa
Hảo rất đông. Tớ thấy ban trị sự các đình chùa của họ chẳng mấy học cao. Họ
chưa bao giờ nghe nói đến Triết Lý hay Thần Học, dù chỉ là một ý tưởng, nhưng
họ vẫn sống đạo và hành đạo ngon lành. Ở Long Xuyên lúc ấy có Đại Học Hòa Hảo,
nhưng còn rất thô sơ và cũng không chuyên dậy về Đạo Hòa Hảo. Vậy mà vẫn có
những người nhập đạo. Giáo dân Hòa Hảo chỉ ‘ngêu ngao’ giáo lý trên loa với
những cuốn kinh cũ rích, nhưng vẫn có những người tin theo vì có nhiều Người
Hòa Hỏa đã sống Đạo Hòa Hảo.
Tớ nhớ Chúa Giêsu bảo Thầy là cây
nho, chứ không nói thầy là đỉnh kim tự tháp. Chúa Giêsu bảo Thầy là viên đá góc
tường chứ không phải ngọn đèn trên đỉnh tháp chuông nhà thờ. Cho nên ngày xưa
tớ hay nhìn cơ cấu của Giáo Hội bằng cái nhìn top-down: Không có Giáo Hoàng thì
không có Giáo Dân. Bây giờ tớ thích nhìn bằng cái nhìn bottom-up: Không có giáo
dân thì không chắc có Giáo Hoàng. Ngày xưa tớ hay nhìn Giáo Hội từ Vatican sang
Paris, Brisborn, Berlin… Bây giờ tớ thích nhìn Giáo Hội từ Taipei, từ Sydney,
Moscow… về Roma hơn. Giáo Hội vững bền không chỉ bằng những nhà thờ chính tòa
nguy nga ở New York, London, hay Ottawa… mà Giáo Hôi luôn sống động nhờ những
giáo dân ở Seoul, ở Jerusalem, ở Hà Nội, ở Sai Gòn, và cả ở những giáo xứ quê
mùa vùng Cái Sắn nữa.
Tớ tưởng tượng ra một cuộc đại đại
dịch cúm gà với virus H5N1 xảy đến, và trên thế giới chỉ còn có một số người
sống sót, trong số ấy không có Giám Mục, không có Linh Mục, nhưng lại có tớ -
một tay có nhiều chất rùa, rắn, chuôt… trong người, đã được rửa tội và vẫn còn
tin vào Chúa Giêsu Cứu Thế - thì không biết tớ sẽ phải làm gì? “Lạy Chúa, xin
đừng cho điều ấy xẩy đến. Và nếu có xẩy đến thì cho con chết chung với đại đa
số anh chị em con luôn vì con yếu đuối lắm, chẳng biết lúc ấy còn tin Chúa
không?”.
Cô nàng sợ chuột giờ này đã ngon
giấc. Ngáy đều đều như cái máy Kohler bốn ngựa ‘rừ rừ’ dội về từ con sông đầy
phù sa chạy qua Núi Sập.
Còn tớ thì tự nhiên đêm nay khó ngủ.
Khó ngủ không phải vì nhớ đồng ruộng, nhớ ‘đặc sản chuột’ như hổ nhớ rừng, cũng
không phải nghĩ đến những việc hệ trọng trong Giáo Hội như phụ nữ có quyền làm
linh muc hoặc linh muc được phép có gia đình, mà khó ngủ vì bài thuyết trình
với đề tài “Giáo Dân Chính Là Giáo Hội Nơi Trần Thế” mà tớ đã nhận. Khó ngủ
không phải vì bài nói mà khó ngủ vì thấy mình chưa sống được điều mình sắp…phải
nói, dù là những điều rất nhỏ bé thôi.
Joseph Vũ
, San Dimas 11/07/2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét