Trang

Nhãn

12 tháng 7 2013

LẬN ĐẬN CON CHỮ (1)




Ấy là vào thời điểm trước năm 1960.
Không hiểu các xứ khác ra sao, chứ xứ tớ trước thập niên 60, học trò đi nhặt con chữ thật lao đao.
Hồi ấy mới định cư vùng Cái Sắn,  Kênh F2 chia làm 2 khu, Khu 2 và Khu 3, các học trò giờ đây một số đã về thiên cổ, bé tẹo như tớ cũng quá tuổi 60. Không có trường học, nên việc giáo dục toàn là tự phát. Này nhá! Khu 2 có ông giáo Sự, ông giáo Chưởng, Khu 3 có ông giáo Tuynh rồi ông giáo Ứng, các vị này chỉ dậy khai trí vỡ lòng, mở lớp tại nhà và thù lao học phí thì đóng bằng tiền hoặc lúa gạo, quá lớp ba lớp nhì lại được chuyển sang Kênh G học trường tiểu học Long Bình để “dọn mình” đi thi tiểu học.
“Thứ nhất hay chữ thứ nhì dữ đòn”, là phương châm nghể giáo thời đó, roi tre, cây muống rừng, thước kẻ là “côn trượng” răn đe học trò làm biếng, lòng bàn tay, đôi mông đít là bia để nhận những hình phạt, còn bắt quỳ gối, giang tay chỉ là chuyện nhỏ. Phạt mà không trừng, cốt để chúng tớ đi vào khuôn phép, không chểnh mảng sự học. Chúng tớ thì ngoan ngoãn chấp nhận, hơn 50 năm qua rồi, giờ đây chưa nghe một ai buồn hận về cái sự giáo dục lỗi thời mà dở hơi ấy, tớ là học trò bé nhất, nhưng có người đã là thanh niên thiếu nữ, chuẩn bị lập gia đình, có sao đâu? Con chữ thật quan trọng. Phụ huynh đưa con em đến trình thầy luôn dặn một câu thòng: “Xin ông giáo cứ sửa dậy cháu nhiều vào, cháu to xác vậy đấy, nhưng còn ngu si đần độn lắm!...”
Chuyện quần áo đồng phục, quên đi nhá, học trò con gái hơi bị hiếm, còn con giai thì quần đùi áo bà ba, đi chân đất mốc cời bụi băm, ghét gúa đóng tầng, móng tay đội khăn xếp đủ mười, mực tím dây đầy lem nhem da thịt, có anh còn thò lò mũi xanh, hậu quả tất nhiên của sự dinh dưỡng bằng cua rốc – cà ghém, khụt khịt quệt mũi bằng ống tay áo, thế nên vải nơi ấy được đắp chồng lên lớp nhựa dẻo bóng nhẫy, ngược lại với đầu tóc cúp ca-rê đàng hoàng lịch sự.
Cái mộng khoa bảng thật vô cùng vĩ đại, không rõ ông giáo nào  đã có bằng :Đít lôm” chưa, chứ chúng tớ ai lên Thốt Nốt thi, mà lấy được chứng chỉ tiểu học thôi, là cà gia đình thật danh giá hãnh diện, đôi khi còn mổ lợn đãi hàng xóm ăn mừng nữa là khác. Bởi vậy chúng tớ cố công ghì mài kinh sử, chấp hành roi vọt đáng yêu để nên người, quá thập niên 60, số lượng học trò thi đậu tiểu học đã lên khơ khớ.
Tớ lại kể tiếp về số du học sinh sang xứ người tìm con chữ. Kênh G chỉ cách đó một quãng đồng chiều ngang 1.500 mét, giữa cánh đồng là bãi tha ma mộ địa, ai đi ngang qua phải đọc một kinh vực sâu cầu cho các linh hồn, vừa đọc vừa nhắm mắt rảo bước cho nhanh, thậm chí còn chạy kẻo ma hiện lên quấy nhiễu, bản hòa tấu rộn ràng giữa hơi thở - nhịp tim cùng gót chân cuống quýt, mồ hôi vã ra trên khuôn mặt tái xanh chết khiếp, ma cỏ gì đâu, chỉ là thần hồn nhát thần tính.
Mùa khô thì lội bộ tắt đồng, ruộng lúa mùa đốt chờ cày còn đọng tro than, hai ống quyển bám đầy tro bụi, mùa nước nổi lại chống xuồng đi học, sáng sáng í ơi gọi nhau thật vui tai. Ở đó tổ chức giáo dục có vẻ quy mô hơn, người cầm càng chính là cha cố Luyến, mỗi lớp có một thầy chịu trách nhiệm toàn bộ, này tớ xin kể: lớp tư cô Vân, lớp ba thầy già Khoan, lớp nhì ông giáo Bang, lớp nhất B ông giáo Định và lớp nhất A ông giáo Thắng. ThầyThắng này chịu trách nhiệm dẫn thí sinh lên quận thi tốt nghiệp tiểu học.
Ngày đi thi ăn mặc chững chạc sạch sẽ, ghe máy chở ra đầu kênh và lên xe đò ngủ đậu nhà thờ Bò Ót, lần đầu lên quận học trò nào cũng lơ ngơ như quạ vào chuồng lợn, ngày thi cũng nhận phiếu báo danh và xướng tên mạch lạc, ngoài những môn thi theo chương trình giáo dục thời đó, còn có môn thi vấn đáp và hát, ai không hát được thì đọc một bài thơ tùy ý, có anh hát cả bài “Mừng Đức Bà” làm giám khảo trợn mắt ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cười xuề xòa xí xái cho qua. Đi thi về mặc sức tắm sông cho bõ lúc kinh sử gian nan, chờ 2 tuần sau đón kết quả vinh quy, bố mẹ thì bồn chồn nghe ngóng đợi chờ.
Ấy cái con chữ nó quý hóa như vậy, đã quá xa rồi những ngày đó, tớ biết chắc rằng trong chất chồng năm tháng, những học trò ngày xưa giờ đây đã quy Thiên hoặcthành ông cụ, trong ngăn ký ức mình vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm không quên thuở thiếu thời… Bây giờ con cháu họ, cử nhân- đại học là chuyện xoàng xĩnh, giới trẻ có biết đâu cha ông họ, đi tìm kiếm con chữ gian nan cơ cực dường nào, nhưng lại là tiền đề biết đúng nghĩa hai chữ tề gia…
Rảnh rang chút, tớ chẳng phét rống nhưng sẽ kể về con chữ của các du sinh trung học trong Núi sập, Kênh D, Kênh B sau thập niên 60 hầu các người trẻ đọc,  và các bạn già tớ ôn lại kỷ niệm.
Bùi Nghiệp

1 nhận xét:

Đức Hạnh nói...


Bài viết rất hay,hậu sinh bây giờ đọc rồi mới hình dung được cái thời gian nan của cha ông ta. Tuy mới hơn 50 năm nhưng như chuyện cổ tích vậy...Hay và cảm động!
Rất mong được xem thêm những bài viết của tác giả.