Hình như số báo xuân nào, người ta cũng phải tán hươu tán
vượn về con giáp.
Chẳng hạn năm nay là năm Canh Thìn, cầm tinh con rồng, thì
chắc chắn là phải đá động tới loài động vật “huyền thoại” này.
Viết không giống như vẽ.Thực vậy, chuyện xưa tích cũ kể lại
rằng ngày kia người ta hỏi một ông họa sĩ có tài và nổi tiếng :
- Theo ông, thì vẽ cái gì khó nhất ?
Ông họa sĩ trả lời :
- Vẽ người.
Người ta lại hỏi tiếp :
- Còn vẽ cái gì dễ nhất ?
- Vẽ ma, vẽ quỉ.
Đang khi người ta thắc mắc thì ông họa sĩ liền cười hề hề mà
giải thích :
- Người thì sống lù lù trước mắt, nếu mình vẽ không giống
thì thiên hạ sẽ chê mình là hạng “thợ vẽ thứ dổm”, nên chi vẽ người là việc rất
khó. Còn ma quỉ là loài chẳng ai trông thấy, nên muốn vẽ gì thì vẽ, thêm râu thêm
ria, thêm sừng thêm cẳng cũng chẳng ai hay. Ấy vậy cho nên vẽ ma vẽ quỉ là việc
dễ nhất.
Nghe xong lời giải thích này, người ta bèn lấy làm “khẩu
phục tâm phục” ông họa sĩ hết cỡ.
Nhưng trong lãnh vực viết lách thì khác. Giá như lúc này gã
được viết nhăng viết cuội về con mèo, con dê hay con…lợn, là những con vật sống
quanh chúng ta thì dễ dàng biết bao nhiêu, bởi vì trong hồ sơ lưu trữ, lý
lịch và tài liệu về những con vật này quả là phong phú và hay ho.
Chứ còn viết về…rồng, một con vật được liệt vào hàng “cổ
tích” thì thực là rỗng tuếch, chẳng có tí ti chất liệu nào cả.
Thế nhưng, phép vua thua lệ làng. Cái lệ của làng báo là đầu
năm phải xông đất và điểm mặt con vật cầm tinh. Và như vậy, gã đành phải “cũng
liều nhắm mắt đưa chân”, phệu bừa phệu bãi được tí nào hay tí nấy, bởi vì méo
mó có hơn không.
Chẳng hiểu ngày xưa thì thế nào, chứ còn bây giờ gã xin cam
đoan cả hai tay lẫn hai chân rằng : chưa một ai đã được nhìn thấy rồng. Thế mà
rồng lại len lỏi vào mọi nền văn hóa và có mặt ở khắp mọi nơi mọi chốn, bên tây
cũng như bên ta, mặc dù hình thù có khác nhau đôi chút.
Theo tự điển “Larousse” của mấy ông tây, thì rồng là một con
vật hoang đường, hình rắn nhưng lại có cánh và có đuôi.
Còn theo Tự điển Việt Nam của Lê văn Đức, thì phe ta xem
rồng là một con vật mình dài, có vảy to, miệng rộng, một sừng, chân có vấu,
được sinh ra ở dưới nước nhưng lại biết bay trên mây.
Rồng lại còn được mấy chú ba tàu xếp vào hàng đầu trong tứ
linh, bốn con thú linh thiêng, đó là long, ly, quy, phụng :
- Áo đen năm nút con rồng,
Ở xa con phụng, ở gần con quy.
Dù hình dong bên ngoài hơi khác nhau vài ba tí, chẳng hạn
như có cánh hay không có cánh, có sừng hay không có sừng, có chân hay không có
chân…thì rồng vẫn được mọi người quí mến :
- Bao giờ cá lý hóa long,
Đền ơn Cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Và từ chỗ quí mến ấy, hầu như mọi người Việt Nam chúng ta
đều rất thích mơ được làm…rồng.
Thực vậy, dân tộc nào trên mặt đất này cũng có niềm tự hào
riêng về gốc gác, về cội nguồn của mình.
Chẳng hạn như dân Nhật bản chính gốc Phù tang luôn hãnh diện
vì mình là con cháu của “Thái dương thần nữ”. Thảo nào mà lá cờ của họ chỉ có
mỗi một hình tròn đỏ, tượng trưng cho Mặt trời, nổi bật trên nền trắng.
Chẳng hạn như dân Pháp chính gốc Phú lãng sa luôn hãnh diện
vì mình thuộc nòi gà trống Gaulois. Thảo nào mà ngày xưa vào thời Cách mạng
1789, người ta đã vẽ hình con gà trống lên quốc kỳ của mình. Thảo nào mà ngày
nay trong những trận đá banh quốc tế, các cầu thủ Pháp thường thả một chú gà
trống vào trong sân để cầu may. Thảo nào mà mấy cố tây, mặc dù đã tu hành,
nhưng vẫn mang nặng đầu óc dân tộc và luôn hướng về đất mẹ của mình, đã đặt chú
gà trống ở đỉnh cao cây thánh giá trên ngọn tháp nhà thờ chính tòa thành phố
Đalạt. Vì thế, ngôi nhà thờ này vốn được bàn dân thiên hạ gọi là nhà thờ Con
Gà.
Còn người Việt Nam chúng ta, chính gốc Giao chỉ, thì lại
hãnh diện vì mình là con rồng cháu tiên. Niềm tự hào này bắt nguồn từ một
truyền thuyết như sau :
Lộc tục, con vua Đế minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh
dương vương. Kinh dương vương lấy con gái của Động đình quân là Long nữ, sinh
ra Sùng lãm. Sùng lãm nối ngôi Kinh dương vương, xưng hiệu là Lạc long quân.
Lạc long quân lấy Âu cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả
trứng, nở ra một trăm người con. Có sách thì ghi một trăm người con này bao gồm
một nửa là con giai, còn một nửa là con gái, cũng có sách lại chép tất cả đều
là đực rựa.
Ngày kia, Lạc long quân nói với Âu cơ :
- Ta là dòng dõi Long quân, tức là vua rồng. Còn khanh là
dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay đã được một
trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi đứa lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa
xuống biển.
Từ truyền thuyến này mà người Việt Nam chúng ta thường vốn
tự hào vì mình có “long phụ tiên mẫu”, cha rồng mẹ tiên. Hay mình thuộc về dòng
“tiên long”, thuộc về giống tiên rồng.
Và như thế, đã là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên
quê hương này, ai mà chẳng lấy làm vinh dự về cội nguồn ấy, và ai mà chẳng
thích mơ…làm rồng.
Rồng là một con vật được mọi người yêu quí.
Trong khi đó, dưới chế độ quân chủ, thì nhà vua là người
“ngon lành” nhất trong cả và đất nước. Chính vì vậy, hình ảnh con rồng vốn
thường được dùng làm biểu tượng cho nhà vua, cũng như tất cả những gì thuộc về
nhà vua…đều được gắn nhãn hiệu chữ “long” lên đầu.
Trước hết về hình dong bên ngoài của nhà vua, chúng ta ghi
nhận : long thể nghĩa là thân thể của nhà vua. Vì thế mỗi khi nhà vua cảm
cúm, nhức đầu sổ mũi và…hắt xì, người ta liền bảo rằng :
- Chết chửa, long thể lại bất an rồi.
Rồi long nhan nghĩa là khuôn mặt nhà vua. Không hiểu long tu
có phải là râu của nhà vua, hay chỉ là một giống lan rừng ?
Tiếp đến là những đồ vật lỉnh kỉnh bên cạnh nhà vua. Thôi
thì đủ thứ : long sàng là giường cho nhà vua nằm, long bào là áo cho vua mặc,
long án là bàn cho vua viết, long xa là xe cho vua đi và long châu là thuyền
cho vua ngự…
Chẳng hiểu còn bao nhiêu thứ “long” nữa thì gã xin khất vào
một dịp khác sẽ kê đơn hoàn tán sau, chứ bây giờ mà phải kể tất tật ra thì e
rằng bản thân gã sẽ phải…long đong lắm lắm.
Có lẽ cũng vì phẩm chất cao quí này mà ngày xưa những chiếc
kiệu của các xứ đạo ngoài Bắc đều được sơn son thếp vàng và hai đòn khiêng đều
mang hình con rồng, điều đó nói lên rằng cha ông chúng ta muốn dành cho Thiên
Chúa, cho Đức Mẹ hay cho các thánh vinh dự số một.
Âu cũng là một cách “hội nhập văn hóa” hết xảy của các bậc
tiền bối. Xin “khẩu phục tâm phục”.
Từ những điều vừa trình bày, thì nhà vua hẳn là người mơ làm
rồng nhiều nhất. Tuy nhiên, giấc mơ này không phải chỉ là độc quyền dành cho
nhà vua, bởi vì dân gian cũng muốn xí phần và ăn có, hay nói một cách nghiêm
túc hơn, cũng muốn chia sẻ tí đỉnh giấc mơ này, nghĩa là cũng muốn được làm
rồng, được gặp rồng, hay ít nữa là được giống rồng…
Trước hết là kẻ sĩ trong xã hội ngày xưa.
Đây là giai cấp học rộng biết nhiều, luôn vâng theo những
lời dạy bảo của Khổng tử : khi thì ở ẩn để mà tồn tâm dưỡng tánh, khi thì nhập
thế để mà hành động, khi thì xuất thế để mà về hưu.
Chính vì vậy, khi thời cơ thuận lợi đến, kẻ sĩ tự mơ thấy
mình chính là rồng gặp được mây, nên tha hồ mà vùng vẫy để phục vụ xã hội. Chả
thế mà Nguyễn công Trứ đã từng viết :
- Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem tất cả sở tồn làm sở dụng.
Hay trong truyện “Phan trần” cũng có câu :
- Bây giờ cha tuổi tác này,
Mong con gặp hội rồng mây kịp người.
Ăn theo với kẻ sĩ chính hiệu con nai vàng là các cụ
đồ.
Giấc mơ của các cụ đồ thì khiêm tốn hơn, chỉ mong sao cho
nét bút của mình được lả lướt, được mát mắt thiên hạ để mọi người ưa thích, hầu
kiếm tí tiền còm khi ngồi viết câu đối vào mỗi dịp tết đến, như Vũ đình Liên đã
mô tả trong bài “ông đồ già” :
- Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết,
Tâm tắc ngợi khen tài,
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa rồng bay…
Ngoài ra, những kẻ tài giỏi, giàu sang hay quyền thế cũng
thích mơ được làm rồng, hay tự đồng hóa mình với…rồng.
Chẳng hạn như một anh chồng tài giỏi và ranh mãnh, chẳng may
vớ phải một cô vợ dốt đặc cán mai làu táu. Khi “phút đầu gặp em tinh tú quay
cuồng” đã hết và tuần trăng mật cũng đã tan, bước vào đời thường, lúc phải đối
mặt với cái ngây ngô ngốc nghếch của vợ, hẳn anh ta đã phải quát tháo :
- Ngu chi ngu lạ, ngu vừa vừa thôi chứ, để cho con người ta
còn ngu nữa với.
Và nếu biết ca vọng cổ, anh sẽ quai mồm ra mà hét :
- Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.
Còn nếu như kẻ có tí quyền hay tí chức mà rộng tay ban phát
ơn huệ hay đích thân thăm viếng một kẻ khố rách áo ôm, thì lúc bấy giờ chẳng
khác gì “rồng đến nhà tôm” vậy.
Hồi trước năm 1975, cũng khối kẻ thích mơ làm rồng.
Nếu gã nhớ không lầm thì hãng hàng không Việt Nam lúc bấy
giờ cũng đã lấy hình con rồng làm biểu tượng cho mình, chắc hẳn quí vị đứng đầu
hãng này mong muốn cho máy bay của mình bay như rồng. Vì thế, những tên nhà báo
nham nhở liền gán cho hãng này cái tên không mấy đẹp đẽ, đó là “E rồng
lộn”.
Và hình như huy hiệu của ông Nguyễn văn Thiệu ngày nào cũng
có vẽ hình con rồng. Chắc hẳn là ông tổng thống này khoái mơ được làm rồng,
thậm chí biết đâu còn khoái mơ được làm một ông vua. Chả thế mà dinh Độc lập,
bây giờ gọi là dinh Thống nhất, nơi ông ăn ở và làm việc, vốn được cánh báo chí
gọi đùa là…”phủ đầu rồng”.
Mình mơ làm rồng đã đành, mà hơn thế nữa, còn muốn cho những
người mình yêu, mình thương cũng sẽ trở thành rồng.
Sở dĩ như vậy là vì “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi đã
“chịu đèn” mí nhau rồi, thì củ ấu cũng tròn, trái bồ hòn cũng ngọt và một trăm
chỗ lệch cũng được kê cho bằng.
Chính vì thế, cô vợ dù có xấu đến đâu chăng nữa, thì anh
chồng cũng vẫn cứ hít hà khen lấy khen để :
- Lỗ mũi thì tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà,
Đi chợ mất tám tiền quà,
Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm…
Lông mũi nàng mà anh chồng cứ mơ tưởng là râu rồng, thì quả
là tuyệt vời và hết ý.
Chỉ khi nào không còn thương, hay là thương không nổi nữa,
thì anh ta bèn quay phắt 180 độ như thiên hạ vốn diễn tả :
- Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Còn chị vợ khác, khi thấy anh chồng của mình yếu kém về nghệ
thuật nói dối, đã ăn vụng mà lại không chịu chùi mép cho sạch, thành thử
chẳng dấu được ai, thì cũng đã sánh ví anh chồng…yêu quí ấy như “rồng nằm bể
cạn” :
- Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
Hầu như ở mọi nơi và trong mọi lúc, rồng đều được mặc lấy
những đặc tính tốt đẹp, chỉ có một vài trường hợp là rồng đã gây nên những thảm
họa cho cuộc sống. Rất may, trong những trường hợp này, thì không phải là rồng
thứ thiệc, mà chỉ là một loại rồng dổm mà thôi.
Chẳng hạn như : rồng hút nước, rồng rê…đây là một hiện tượng
thiên nhiên, tạo nên những cơn lốc xoáy, hút nước lên trời hay giật sập nhà cửa
dưới đất của một vùng rộng lớn.
Còn khi ngồi vào bàn tiệc, mà một anh chàng phàm ăn tục
uống, thuộc vào hàng “lấy cái bụng làm chúa”, chẳng thèm để ý chi tới những
người chung quanh, cứ gục đầu xuống như muông chim, thoải mái húp canh chùn
chụt, chắc hẳn sẽ được thiên hạ kê ngay tủ đứng vào miệng :
- Ăn uống chi mà cứ như rồng cuốn…không chừng nuốt phăng cả
bát đĩa và bàn ghế.
Qua những điều được bàn rộng tán dài, chúng ta thấy dân Việt
Nam rất khoái rồng. Không phải chỉ các cụ ngày xưa mới thích mơ làm rồng, mà
hơn thế nữa, ngày hôm nay từ quan cho chí dân, từ ông nhà nước cho đến anh nông
dân, tất cả chúng ta không phải chỉ mơ làm rồng mà còn cố gắng biến giấc mơ này
trở thành sự thật. Nghĩa là đất nước chúng ta phải trở thành một con rồng trong
lãnh vực kinh tế, không đại long thì chí ít cũng phải tiểu long, không rồng lớn
thì chí ít cũng phải rồng nhỏ, không toàn cầu thì chí ít cũng phải trong
vùng Đông nam á.
Người Việt Nam chúng ta về chỉ số thông minh không thua kém
bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Cộng thêm vào đó là đức tính cần cù siêng
năng. Đất nước lại nhiều tài nguyên. Đó là những điều kiện thuận lợi để hóa
rồng.
Cách đây chừng bốn mươi năm, nếu gã không lầm, thì Thái lan,
Malaysia, Indonesia, ngay cả Singapore và Đại hàn cũng chả là cái thá gì đối
với Việt Nam.
Mức thu nhập bình quân đầu người của dân ta cũng đâu quá tệ
so với họ. Lúc bấy giờ Việt Nam mình chỉ kiêng nể mỗi một anh chàng Nhật
bản mà thôi.
Nhưng rồi chiến tranh leo thang, suốt hai mươi năm dân ta lo
bịch nhau, thì họ đã đặt được nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Tiếp theo
là hai mươi năm dân ta loay hoay mò mẫm tìm cho ra một đường lối kinh tế, thì
họ đã bước được những bước tiến khổng lồ. Thành thử cho đến bây giờ dân ta vẫn
còn là một dân nghèo…rớt mùng tơi. Trong khi đó, họ đã vươn mình trở thành
những con rồng kinh tế trong vùng.
Chính vì thế, dân ta cũng muốn noi gương bắt chước họ, vươn
mình trở thành rồng. Thế nhưng việc hóa rồng không phải là một việc dễ dàng và
chóng vánh một sớm một chiều. Trái lại, đó là một việc đòi hỏi nhiều cố gắng
của tất cả trong mọi lãnh vực qua nhiều tháng nhiều năm. Nhưng ưu tiên phải là
lãnh vực con người.
Thực vậy, nếu cán bộ còn tham nhũng và hối lộ, ăn gian và ăn
cắp, nếu học sinh còn quay và cóp, nếu thiên hạ còn bán bằng cấp giả, nếu người
sản xuất còn tung ra thị trường những mặt hàng dổm thiếu chất lượng, nếu những
người buôn bán còn thiếu thành thật trong việc cân đo đong đếm, nếu bộ giáo dục
còn chưa có được một chương trình đào tạo hợp tình và hợp lý…thì không hiểu đến
đời thuở nào đất nước này mới hóa rồng được hay mãi mãi chỉ là một loài...bò
sát.
Vì thế, để nền kinh tế Việt Nam được trở thành một con rồng
trong khu vực, thì con người Việt Nam phải hóa rồng trước đã, nghĩa là phải mặc
lấy những phẩm chất cao quí của rồng.
Bàn về chuyện “chính chị chính em”, kinh bang tế thế sao mà
thấy nhức cái đầu quá, gã xin nói đến chuyện con nít.
Phải thành thực mà công nhận rằng : trẻ nhỏ ngày nay có rất
nhiều đồ chơi và trò chơi. Có những em đã dành khá nhiều thời giờ, thay vì ngồi
học bài và làm bài, thì lại ngồi trước màn hình với những trò chơi điện tử. Bấm
loạn cào cào. Kéo lên kéo xuống như điên. Mà phần lớn lại những trò chơi này
lại nghiêng về bạo lực : nào mìn, nào bom, nào súng, nào đạn…nào bắn, nào đấm,
nào đá…Và gã bỗng thấy thương cho tuổi thơ bây giờ.
Không như ngày xưa, lúc gã còn nhỏ. Hồi đó chỉ toàn là những
trò chơi dân gian hay tự biên tự diễn. Những trò chơi mang nặng tính cách nhân
bản và đẹp như một bài thơ, vì đôi khi có cả vần cả điệu.
Chẳng hạn như chơi chuyền :
- Đôi tôi, đôi chị, đôi cành bị, đôi cành hoa.
Đôi lên tư, đôi ông sư, đôi bà vãi…
Chẳng hạn như chơi pháo :
- Pháo kêu vang, cả làng chịu chưa ?
Chẳng hạn như chơi ô quan :
- Hết quan, tàn dân, thu quân, bán họ.
Phe con gái kẹp tóc thì chơi chuyền, chơi trải gianh, chơi ô
quan, chơi nhảy giây, nhảy cò cò, chơi chồng nụ…Phe con trai húi cua thì chơi
khăng, chơi đáo, chơi pháo, chơi bi, chơi quay, chơi diều…
Tuy thế nhưng lại rất phong phú, bởi vì mùa nào thì chơi trò
nấy. Và có những lần gã đã trở thành…rồng.
Thực vậy, vào những đêm trăng sáng, bọn nhóc tì xếp hàng
trên một khoảng sân rộng. Đứa sau ôm eo đứa trước kết thành rồng, còn một
đứa được chỉ định làm ông thày thuốc.
Bắt đầu trò chơi, xấp nhỏ rồng rắn tung tăng nhảy quanh sân,
vừa đi vừa đọc lớn :
- Rồng rồng rắn rắn,
Lên mây có cây lúc lắc,
Hỏi ông thày thuốc,
Có nhà hay không ?
Rồi dừng lại trước mặt ông thày thuốc và ông thày thuốc
liền hỏi :
-Rồng rắn đi đâu ?
Rồng rắn trả lời :
-Đi lấy thuốc cho con.
Tiếp đến là cuộc đối chất giữa ông thày thuốc và rồng rắn :
- Con lên mấy ?
- Con lên một.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên ba.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên bốn.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên năm.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên sáu.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên bảy.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên tám.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên chín.
- Thuốc chẳng
ngon.
- Con lên mười.
- Thuốc ngon vậy.
- Xin khúc
đầu.
- Những xương cùng xẩu.
- Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
- Xin khúc
đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Sau đó, ông thày thuốc phải đuổi thế nào để tóm được cái
đuôi con rồng. Còn con rồng thì phải hết sức ngăn chặn, để ông thày thuốc không
tóm được cái đuôi của mình.
Khi nào ông thày thuốc tóm được cái đuôi, thì tên nhóc tì
làm đuôi sẽ bị giáng chức xuống làm ông thày thuốc. Còn ông thày thuốc thì được
nhập vào con rồng, có nghĩa là là ông thày thuốc đã hóa rồng và đã làm rồng.
Cứ thế, cứ thế…trò chơi lại được bắt đầu với tiếng trẻ thơ
reo vang :
- Rồng rồng rắn rắn,
Lên mây, có cây lúc lắc,
Hỏi ông thày thuốc,
Có nhà hay không ?
Chắc hẳn trên cao ông trăng cũng phải nhoẻn miệng cười, vì
có một chú nhóc lại sắp trở thành rồng đến nơi.
Tác giả: Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét