Chuyện
xưa tích cũ kể lại rằng :
Ngày
kia, vợ thày Tăng Tử đi chợ, thấy con khóc đòi theo, bà liền phỉnh gạt :
- Con ở nhà, rồi khi về, mẹ sẽ làm thịt heo cho con ăn.
Lúc vợ về, thày Tăng Tử bèn bắt heo làm thịt. Vợ bảo
là mình chỉ nói đùa mà thôi, nhưng thày lắc đầu :
- Đừng khinh rẻ trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm chi thì
con cái thường hay bắt chước mà làm như vậy. Nay mình nói dối con, là mình dạy
con nói dối rồi đó.
Từ câu chuyện trên gã nhận ra hai mẫu người. Thày Tăng Tử là
mẫu người nói và làm, còn bà vợ là mẫu người nói và lờ.
Trong cuộc sống, giữa nói và làm có biết bao nhiêu tình tiết
nhiêu khê rắc rối. Thậm chí nhiều lúc có cả một vực thẳm ngàn trùng xa cách.
Chính vì thế, gã xin mạn phép được bàn đến mối quan hệ giữa nói và làm.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người một cái lưỡi.
Nhờ cái lưỡi, con người có thể nói được. Và nhờ tiếng nói, con người biểu lộ
cho nhau những tình cảm, những ước muốn, những suy nghĩ hầu xích gần lại
‘’mí’’ nhau hơn. Bởi đó, người ta thường bảo :
- Người là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói.
Thế nhưng, phàm bất cứ việc gì trên cõi đời này cũng đều có
hai mặt. Mặt phải và mặt trái. Mặt phải của cái lưỡi, đó là một nhịp cầu cảm
thông được bắc bằng ngôn ngữ và tiếng nói.
Còn mặt trái, đó là những uẩn khúc, những hận thù, những đổ
vỡ mà cái lưỡi đã gây nên, đúng như người xưa đã bảo :
- Lưỡi người còn độc hơn cả họng ong.
Sở dĩ như vậy là vì cái lưỡi không có xương. Mà đã không có
xương thì lại lắm đường lắt léo. Nói dọc nói ngang, nói quàng nói bậy, nói thế
nào cũng được, như tục ngữ đã diễn tả :
-Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra.
Trong
mối liên hệ giữa nói và làm, thì hạng người tệ hại nhất đó là những kẻ
nói một đàng, làm quàng một nẻo. Những kẻ nói thì hay, nhưng làm thì ngược lại
những điều mình nói. Họ nói vậy mà không phải vậy đâu, cho nên phải đề cao cảnh
giác, bởi vì :
- Ngoài thì hơn hớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.
Họ
đúng là những kẻ ‘’khẩu phật tâm xà’’, ‘’miệng nam mô bụng bồ dao găm’’ như ca
dao đã bảo :
-Nam mô, một bồ dao găm
Một trăm dao mắc
Một vác dao bầu
Một xâu thịt chó.
Chính
Đức Kitô cũng bàn về hạng người này một cách rất chính xác :
-
Họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt trửng gia tài của các bà góa… Họ giống như
mồ mả, bên ngoài thì quét vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy giòi bọ và đủ mọi
thứ xú khí.
Người ta thường cho rằng :
- Nói và làm ngược lại điều mình nói là một chứng bệnh trầm
kha của nhiều người, đặc biệt của các thương gia và chính khách.
Với các thương gia trong lãnh vực buôn bán mà cứ thật thà
như đếm thì làm sao khấm khớ. Muốn khấm khớ thì phải cân non, thước thiếu, hàng
dổm vẫn cứ nói là hàng xịn.
Còn với các chính khách trong việc hoạch định chính sách và
đường lối của mình mà cứ thẳng như ruột ngựa thì làm sao thành công. Muốn thắng
lợi thì phải tung hỏa mù, càng mập mờ càng tốt.
Khi vui thì ta cắt nghĩa rộng cho đối phương thoải mái tí
chút, còn khi buồn thì ta cắt nghĩa hẹp để có thể chịt cổ những kẻ ngo ngoe
chống cưỡng. Chả hiểu nhận xét trên đúng hay sai.
Tiếp đến, một hạng người khác bớt nham hiểu hơn, đó là những
kẻ nói và lờ. Họ nói nhưng không làm, giống như bà vợ của thày Tăng Tủ, bảo đi
chợ về sẽ làm thịt heo, nhưng rồi bà liền đánh trống lảng, cho đó chỉ là chuyện
đùa.
Quái chiêu được hạng người này xử dụng đó là ‘’lờ tít’’.
Những điều tâm niệm được họ áp dụng trong cuộc sống, đó là :
- Yên lặng là vàng.
- Cố đấm ăn xôi.
- Nhất lí nhì lì tam ì tứ ẩu.
Sau khi tuyên bố vung vít, họ bèn lặn thật sâu, im hơi lặng
tiếng thật dài. Mặc cho thiên hạ phản đối, mặc cho thiên hạ yêu cầu. Nói lắm
mỏi miệng. Rồi cũng chìm xuồng và đi vào quên lãng để họ thủ lợi. Dù có bị mang
tiếng là đánh trống bỏ dùi, thả diều cắt dây, đem con bỏ chợ…thì lợi nhuận cũng
đã chui vô đầy túi.
Gã thấy trong những cuộc vận động, ứng cử viên nào cũng hứa
sẽ làm điều này, sẽ làm điều kia cho dân chúng khấp khới mừng thầm mà dồn phiếu
Đến khi đã ẵm được cái ghế này, ghế nọ, đã yên vị tại Quốc
hội, hay tại chỗ nọ chỗ kia, thì những lời hứa chắc như đinh đóng cột khi trước
liền bốc hơi và trở thành những lời hứa hão. Mọi sự vẫn y nguyên như cũ.
Gã vốn thường phong cho những kẻ nói và lờ, nghe và lặn là
những vị ‘’giám đốc’’, nghĩa là họ dám xúi, dám đốc cho thiên hạ làm, còn họ
thì chỉ tay năm ngón, ngồi nhà mát ăn bát vàng, dẻo miệng đỡ tay chân.
Họ chất những bó nặng lên vai người khác, còn bản thân thì
chả đụng một tí móng tay để lay thử. Bao nhiêu việc nhọc nhằn thiên hạ lãnh đủ,
còn họ chỉ việc phe phẩy vuốt mấy cọng râu cá chốt của mình. Nói thì nói vậy
chứ đôi lúc gã cũng thấy mình đã muốn và đã làm như thế.
Hạng người thứ ba gã muốn bàn đến đó là những kẻ nói thì
nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Dầu sao, đối với hạng người này, gã còn thấy
được một đốm sáng ở cuối con đường hầm.
Trước sự kiện ‘’làm chẳng được bao nhiêu này’’ họ có sẵn
trong bụng một ngàn lẻ một lý do để biện minh. Nào là tại, nào là bởi, nào là
vì… ôi thôi, cái khó bó cái khôn.
Họ quên mất lời người xưa đã dạy :
- Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng. Biết mình, biết
người trăm trận đều thắng.
Nhiều lúc họ cố tình không muốn biết mình, nên cứ tuyên bố
vung vít, cứ nói cho sướng cái lỗ miệng, rồi thì đến đâu hay tới đó. Mọi sự sẽ
hạ hồi phân giải. Mà phân giải không được thì sẽ đánh bài ‘’lờ tít’’.
Họ luôn đâm ngực người khác mà rằng :
- Lỗi tại anh, lỗi tại chị, lỗi tại hoàn cảnh…
Họ chẳng bao giờ dám đấm ngực mà rằng :
- Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Bây giờ, gã xin đề cập tới những hạng người mà lời nói
thường đi đôi vói việc làm. Giữa hai phạm trù này có một tỷ lệ thuận nào đó, và
đặc biệt, lãnh vực ‘’làm’’thì không ngừng phát triển.
Trước hết là những kẻ nói ít mà làm thì cũng ít. Họ tiêu
biểu cho những kẻ an phận, hưởng nhàn, luôn bằng lòng với gì mình có. Không
muốn đấu tranh, không muốn dây dưa vào những chuyện rắc rối của cuộc đời, xin
cho được hai chữ bình yên.
Trái với hạng người này là những kẻ nói nhiều mà làm thì
cũng nhiều. Nói hăng mà làm thì cũng hăng. Họ tượng trưng cho hạng yêu đời, và
năng động, dám nói, dám làm và dám lãnh nhâän trách nhiệm của mình trước những
thành công và thất bại. Đi tới đâu, họ cũng gieo vãi niềm vui mừng và hy vọng
cho những người chung quanh.
Sau cùng là những người nói ít mà làm nhiều, nói thỉ chẳng
bao nhiêu mà làm thì lại rất nhiều, thậm chí có những người không nói chi cả mà
vẫn âm thầm làm việc. Họ là những người vừa khiêm tốn, vừa nhiệt thành lại vừa
thiện chí.
Tiêu biểu cho hạng người này là thánh Giuse.
Mặc dù nắm giữ một vai trò quan trọng trong chương trình cứu
độ, thế mà qua Tin mừng, gã không thấy vị thánh này để lại cho hậu thế một lời
nói nào, mà chỉ toàn là những việc làm. Vâng phục tối mặt, ngay cả trong những
hoàn cảnh bi đát và tăm tối nhất. Gã xin kê đơn hoàn tán, kể lại một số việc
làm điển hình.
Vừa mới đính hôn với Maria chưa được bao lâu, thì Giuse thấy
người yêu bé bỏng của mình bỗng dưng mang bầu.
Giả như chúng ta, thì chúng ta phải làm cho ra nhẽ, phải bôi
tro trát trấu khiến cho cô ấy bị bẽ mặt. Còn Giuse, khi nhận ra Maria
mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, liền mau mắn đón cô ấy về nhà làm bạn
mình.
Tiếp đến, khi Maria đang bụng mang dạ chửa, và sắp tới ngày
sinh nở, thế mà chiếu chỉ của hoàng đế lại truyền cho mọi người phải trở về quê
hương bổn quán của mình để kê khai nhân hộ khẩu.
Giá như chúng ta, thì chúng ta đã nại lý do này lý do kia để
đánh bài xù. Còn Giuse thì đã âm thầm đưa Maria về Bêlem để chu toàn bổn phận
của một người công dân.
Rồi đang đêm, được thiên thần báo mộng :
- Hãy đưa con trẻ và mẹ Ngài trốn sang Ai cập vì Hêrôđê đang
truy tìm để giết hại.
Giá như chúng ta, thì chúng ta sẽ mường tượng ra những vất
vả của cuộc hành trình trốn chạy, những khó khăn của cuộc sống vất vưởng nơi
đất khách quê người để rồi ca bài “xù”. Còn Giuse thì khác, đã mau mắn vâng
theo lệnh truyền, giữa đêm hôm khuya khoắt, vội vã đưa Hài nhi Giêsu và Mẹ
Maria lên đường trốn sang Ai cập.
Cũng như sau này, qua lời báo của thiên thần, Giuse đã đem
gia đình về định cư tại làng Nagiarét, hầu Kinh thánh được ứng nghiệm.
Cuối cùng, suốt những năm tháng dài, Giuse đã âm thầm đổ
những giọt mồ hôi, lao động cật lực với đôi bàn tay chai cứng tại xưởng mộc
Nagiarét, cố đem lại cho gia đình chén cơm manh áo, bảo đảm một cuộc sống vật
chất ấm no hạnh phúc cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Giuse không nói nhưng đã làm thật nhiều. Rõ ràng khác xa với
chúng ta.
Thời buổi hiện nay là thời buổi lạm phát lời nói nhưng lại
khan hiếm và thiếu vắng việc làm.
Trong một ngày, trên báo chí, truyền thanh và truyền hình,
chúng ta được nghe biết bao nhiêu lời tuyên bố nảy lửa, biết bao nhiêu giọng
điệu tuyên truyền, biết bao nhiêu mẫu quảng cáo hấp dẫn… nhưng thử hỏi
kết quả được ngần nào ?
Có những lúc gã cảm thấy như người ta nói để mà nói, chứ chả
có một tí quyết tâm để biến lời nói thánh việc làm. Người ta tô hồng bằng những
bản báo cáo đầy triển vọng đang lúc thực tế còn rất bâáp bênh và đen tối.
Ngay cả những lúc thiên tai bão lụt ập xuống, mùa màng thất
bát. Mà mức thu hoạch vẫn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Thế có oai không chứ.
Có một khẩu hiệu khiến gã không ngừng suy gẫm, đó là câu:
- Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhưng rốt cuộc nhân dân làm đến mửa mật, mà tiền do mồ hôi
nước mắt lại chui tọt vào cái túi không đáy của những ông quan tham nhũng.
Riêng trong phần đạo, chúng ta cũng đang mắc phải tệ trạng
này :
- Lạm phát lời nói nhưng lại khan hiếm việc làm.
Từ
lúc có trí khôn cho đến bây giờ, chúng ta đã được nghe biết bao nhiêu bài giảng,
chúng ta đã học được biết bao nhiêu bài giáo lý, chúng ta đã đọc biết bao lời
kinh, còn những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những người chung quanh
thì liệu có được một ‘’dúm’’ hay không ?
Và ngay cả bản thân, có lẽ chúng ta cũng đã nói rất nhiều mà
làm chẳng được bao nhiêu!
Tuy nhiên, việc làm lúc nào cũng có lợi điểm, giá trị và ưu
thế riêng biệt của nó.
Thực vậy, nhờ việc làm chúng ta chứng tỏ cho người khác tình
yêu nồng nàn của chúng ta. Làm sao có thể nhận ra một tình yêu không việc làm,
bởi vì tình yêu không việc làm chỉ là một tình yêu đã chết, một tình yêu trong
mơ tưởng chứ không hề tồn tại trong cuộc sống.
Trái lại, với những việc làm dù nhỏ bé, dù tầm thường nhất
cũng đủ cho thấy mức độ đậm đà của tình yêu chúng ta.
Lắm khi chỉ là một nụ cười, một ánh mắt, một lời nói, một cử
chỉ trìu mến đã làm ấm lên cả cõi lòng người mình thương mến.
Hơn nữa, nhờ việc làm chúng ta có thể lôi cuốn và hấp dẫn
được người khác như tục ngữ đã bảo :
- Lời nói như gió lung lay
Việc làm như tay lôi kéo.
Hay như một câu danh ngôn đã bảo :
- Việc làm mới là một bài giảng hùng hồn nhất có sức lôi
cuốn và hấp dẫn. Lời nó chỉ là một tên lùn, còn việc làm mới thực sự là một anh
chàng khổng lồ.
Con
người hôm nay có lẽ đã chán ngấy những lời công bố, những khẩu hiệu tuyên
truyền, những hình ảnh quảng cáo theo kiểu thùng rỗng kêu to, nhưng lại rất cần
đến những chứng tá bằng việc làm, những chứng tá bằng cuộc sống.
Thiên
hạ cúi đầu ngưỡng mộ một cha Phêrô ở Paris, suốt đời giúp đỡ cho những kẻ lang
thang không nơi ăn chốn ở. Thiên hạ không ngớt ca tụng một mẹ Têrêxa ở
Calcutta, luôn hy sinh chăm sóc cho những kẻ nghèo hèn, ốm đau và hấp hối.
Chính
những hành động bác ái, chính những việc làm yêu thương nhằm xoa dịu những nỗi
đau là điều nhân loại hôm nay đang cần đến.
Còn
những ý đồ, những toan tính chính trị núp sau lưng những lời nói nặng phần
trình diễn, chẳng sớm thì muộn, chẳng hôm nay thì ngày mai cũng sẽ bị lịch sử
lật tẩy.
Viết tới đây, gã tự cảm thấy mình nói cũng khí nhiều, chỉ
xin ghi lại một ý tưởng nữa, cho cái kết luận được thêm phần… có hậu :
- Thượng đế đã ban cho chúng ta chỉ có một cái miệng, nhưng
lại có những hai bàn tay. Nếu như ai cũng ý thức điều đó, để rồi giảm nói mà
tăng làm, thì chắc hẳn cục diện thế giới sẽ đổi thay, khuôn mặt nhân loại sẽ tươi
sáng, môi trường xã hội sẽ ổn định và an bình hơn bao giờ hết.
Tác giả: Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét