Trang

Nhãn

20 tháng 10 2013

TÌNH YÊU THỜI MỞ CỬA



Tác giả:  Chuyện Phiếm của Gã Siêu


Khi học về lịch sử Việt Nam, gã còn nhớ một trong những nguyên nhân khiến người Pháp đem quân chiếm đóng và dày xéo quê hương này, đó là chính sách “bế môn tỏa cảng” của vua chúa triều Nguyễn.
Thời bấy giờ, người Pháp đang cần thị trường để tiêu thụ hàng hóa, mở rộng bờ cõi, phát huy quyền lực và ảnh hưởng của mình. Thế nhưng, luật “cấm vận” và nghỉ chơi của triều đình Huế đã làm cho người Pháp đánh rơi bổn tính ga lăng của dân Gô loa, để rồi nổi máu yêng hùng “Tạc dăng”, biểu lộ ý đồ xâm lăng đen tối của mình.
Và dân tộc Việt Nam khốn khổ đã bị tròng vào cổ cái ách một-trăm-năm-nô-lệ-giặc-Tây.
Thế nhưng, các cụ ta ngày xưa hình như rất khoái món bế môn tỏa cảng và cấm vận này, nên đã bê nguyên con mà ấp dụng trong lãnh vực tình yêu.

Thực vậy, hồi đó khi con trai và con gái mới lớn lên thì bị cấm tiệt, không được giao du quen biết nhau, theo khẩu hiệu từ ngàn xưa đã để lại :
- Nam nữ thọ thọ bất thân.
Khi đến tuổi đi lập gia đình, thì phải tuyệt đối vâng lời quí vị phụ huynh :
- Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó.
Và tiêu chuẩn quí vị phụ huynh thường đặt ra để cho con cái mình được ngồi vào, đó là môn đăng hộ đối : phải cân bằng về tuổi tác, về địa vị, về kinh tế…Vì vậy, nhiều lúc đã xảy ra những chuyện thật chéo cẳng ngỗng :
- Mẹ em tham thúng xôi rền,
  Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh hưng.
  Em đã bảo mẹ rằng đừng,
  Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
  Bây giờ chồng thấp vợ cao,
  Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
Lắm khi hai ông bố ngồi chén thù chén tạc, rồi kết tình xui gia mí nhau, ngay cả lúc hai trẻ chưa mở mắt chào đời, vì thế mới xảy ra cái cảnh :
- Bồng bồng cõng chồng đi chơi,
  Đi đến chỗ lội đánhrơi mất chồng.
  Cho tôi mượn chiếc gàu sòng,
  Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.
- Lấy anh từ thuở mười ba,
  Đến năm mười tám, thiếp đà năm con,
  Ra đường thiếp hãy còn son,
  Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
Luật bế môn tỏa cảng này còn được biểu lộ một cách rõ rệt nhất qua chủ trương :
- Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy.
Hay :
- Ta về ta tắm ao ta,
  Dầu trong dầu đục, ai nhà vẫn hơn.
Hồi đó, hẳn chưa có lý lịch trích ngang để nắm vững đối tượng, nhưng nhờ chủ trương này, các cụ vẫn biết rõ kẻ mình định chọn.
Hơn nữa, sau khi gả bán, các cụ còn mua đứt đường về và tình nghĩa cho con cái :
- Có con mà gả chồng xa,
  Trước là mất nghĩa sau là mất con.
Hay là kiếm chác tí đỉnh lợi lộc để bù lỗ :
- Có con mà gả chồng gần,
  Có bát canh cần nó cũng đem cho.
Đến thời Pháp thuộc, hay Mỹ thuộc chăng nữa, lập trường này vẫn còn được tuân giữ nghiêm chỉnh. Những cuộc hôn nhân “dị chủng” hay “đa quốc gia” năm thì mười họa mới xảy ra và những kẻ trong cuộc đều bị thiên hạ coi khinh bằng nửa con mắt với tên gọi là “me tây” hay “me mẽo”, cho dù đôi lúc những cuộc hôn nhân này cũng đã thành công.
Thực vậy, có những anh chàng Mẽo phong nhã cũng xơi tiết canh lòng lợn như điên, cũng nhậu thịt chó riềng mẻ và nhâm nhi ly rượu đế đến say khướt có bợ mà mồm thì vẫn cứ ngân nga :
-Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Xuống âm phủ biết có hay không ?
Cũng ăn cà ghém và khi ăn còn quết mắm tôm thật đậm, đến như gã, dân ghiền mắm tôm hạng nặng cũng đành phải chào thua.
Có những chàng hoàng tử mắt xanh mũi lõ tỏ ra hào hoa “mí” người tình bé bỏng An nam mít, đến độ nhớ nhung phát ốm tương tư :
- Dê cờ ri tình thơ uyn lét,
  Để cho nàng con nét mông cơ.
Nghĩa là :
- Viết lên một bức thư tình
  Để nàng biết rõ lòng mình đắm say.
Có một ông chồng tây chính hiếu con nai vàng, ngày kia dẫn bà vợ an nam mít đi sắm đồ. Thấy vợ kêu :
-Tré sô (tres chaud), nghĩa là quá nóng
Ông chồng dư máu ga lăng liền
vội vàng mua lấy mua để kẻo bà vợ mi nhon bị cái nắng nhiệt đới hành hạ. Thế những khi về đến nhà, ông chồng tây liền bị bà vợ việt xài xể cho một trận tơi bời hoa lá :
- Ối giời ơi, ngu chi ngu lạ, người ta bảo “ tré sô” thì phải hiểu là “trố se” (trop cher) nghĩa là quá đắt. Nói lóng đấy… bò ạ.
Và ông chồng Tây chỉ còn nước trố mắt ngạc nhiên, tay giơ lên trời và miệng thì không ngừng kêu :
- Ố là là, ố là là.
Nếu lỡ bị nàng cho leo cây hay đá dăng cu lơ thì cũng đắng cay chua xót :
- Từ ngày lủy kít tê dơ
  Bon nơ cũng lắm, ma lơ cũng nhiều.
Nghĩa là :
Từ ngày mình bỏ rời nhau,
Mừng vui cũng lắm, khổ đau cũng nhiều.
Sau ngày giải phóng, đất nước mình được hoàn toàn độc lập tự do, nhưng tinh thần cấm vận, nghỉ chơi  vẫn được thi hành một cách triệt để, nhất là đối với dân tư bản.
Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì ta phải đề cao cảnh giác, kẻo địch lợi dụng những sơ hở để chống phá cách mạng. Bởi đó, việc đầu tiên cần phải làm ngay là xin mời quí vị ngoại quốc về quê ngồi chơi xơi nước để ta ổn định việc nhà, vì có tề gia thì mới trị quốc và bình thiên hạ.
Tiếp đến là phải dè chừng những kẻ có liên hệ với nước ngoài. Gã còn nhớ hồi bấy giờ gã đang cắm dùi tại một vùng vừa sâu lại vừa xa, thư từ liên hệ với bạn bè thật là khó khăn.
Thư về đến xã thì bị mất tích, phiêu diêu miền cực lạc, hay được những bàn tay tò mò tọc mạch ưu ái mở ra xem trước. Buồn tình, gã mới nhờ địa chỉ của một người thân trên tỉnh, thế mà cũng được công an sờ gáy :
- Anh có một hòm thư  bí mật trên tỉnh. Anh liên hệ với ngoại quốc. Anh là người được Xịa cài lại hả ?
Hồi bấy giờ vượt biên bị coi là phản quốc, phản dân tộc và những gia đình có thân nhân ra nước ngoài lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công  an  chiếu cố hỏi thăm, vì dù sao mình cũng mang lấy mặc cảm tội lỗi.
Trong thời gian này, đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng chả tìm thấy một cuộc tình đa quốc gia.
Nhưng rồi con tạo xoay vần. Nhà nước đã chơi một cú ngoạn mục, đá “vô lê” quay phắt 180 độ với chủ trương mở cửa, đổi mới. Việt kiều trở về được coi là yêu nước, được cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa.
Họ rót đô la cho thân nhân xây nhà xây cửa, góp vốn mần ăn. Người nước ngoài ào ào tới Việt Nam như tới miền đất hứa. Nào công ty này. Nào xí nghiệp nọ. Đất cát ven đô rơi vào một cơn xốt cấp tính. Bác nông dân ngày nào còn nghèo rớt mùng tơi, nay chỉ cần bán đi vài công ruộng là khẻo re, đủ phương tiện làm le “mí” thiên hạ.
Trong bối cảnh đó, tình yêu thời mở cửa mang lấy tính cách toàn cầu hóa. Nhưng cuộc tình đa quốc gia hay xuyên lục địa, những cuộc hôn nhân dị chủng nở rộ như lúa hè thu nảy mầm sau trận mưa dầm dề.
Thế nhưng, ăn theo vào đó, biết bao nhiêu chuyện hỉ nộ ái ố đã phát sinh. Gã xin ghi nhanh qua mấy tờ báo thường đọc như Tuổi trẻ Chủ nhật, Công an thành phố… rồi “cọp dê” để chiềng làng, báo cáo với bàn dân thiên hạ, hầu mua vui lấy “một vài chống canh”. Thảng hoặc có dư chút thời giờ chả biết làm gì, thì thử vắt tay lên trán, ngẫm nghĩ sự đời mà cười cho hai chữ nhân tình éo le.
Trước hết là cảnh tỉnh ‘’hờ’’ theo sự tính toán cho cả hai cùng có lợi, nhưng rốt cuộc bị bể mánh, chẳng ‘’nước mẹ’’ gì cả.
Số là vì nuôi mộng ước không bình thường được ra ngoại quốc và trở về làm việt kiều, một cô nường ở Sài gòn đã ưng thuận kết hôn giả với một cống dân Pháp chính gốc con gà trống ‘’Gô-loa’’ vừa chẵn băm lăm tuổi.
Theo sự thỏa thuận, hai người là vợ chồng trên giấy tờ pháp lý, nhưng không được sống chung ‘’mí’’ nhau. Khi đã định cư ở nước ngoài rồi, thì lập tức ly dị liền tù tì. Nếu mọi sự êm xuôi tốt đẹp, anh chồng hờ được hưởng ba ngàn đô, còn chị vợ hờ thì được phe phẩy ở nước ngoài.
Cuộc tình hờ này được trình tòa và được chính quyền thành phố ký nhận. Cứ tưởng mọi sự đã thuận chèo mát mái, ai dè vào phút chót anh chàng ‘’phú lãng sa’’ này lại nhảy rào, xé hợp đồng, đòi làm chồng thiệc, chứ không chịu đóng vai chồng hờ, khiến cho cô nường tóa hỏa tam tinh, chạy vội đến ba tòa quan lớn để xin can thiệp một phen, vì thà chịu vỡ mộng còn hơn là tàn một kiếp …hoa.
Dù sao chuyện tình hờ kể trên, thực chất chỉ là một loại tình dổm, dựa trên sự tình toán cân đo đong điếm.
Bây giờ, gã xin đi vào những cuộc tình nặng đô hơn và cũng day dứt hơn.
Dân Việt Nam ta vốn bản chất dễ hòa đồng và đón nhận cái mới. Chả thế mà ngày xưa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo đã sống chung hòa bình với nhau một cách rất đề huề trong xã hội.
Dưới thời Pháp thuộc, chúng ta đã xơi ngay phần tình túy của nền văn minh phương tây và đã mượn đỡ mẫu tự La tinh mà chế biến thành chữ quốc ngữ.
Vì  thế, chuyện những cô gái thích lấy chồng ngoại âu cũng chỉ là một chuyện hết sức bình thường. Ấy là gã chưa nói tới xu hướng toàn cầu hóa đang xâm lấn vào mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tình yêu.
Bởi vì như chúng ta thường bảo :
- Biên giới của yêu thương là thương yêu không biên giới.
Một khi đã ‘’chịu đèn’’ và ‘’phê’’ mí nhau rồi , người ta sẵn sàng vượt qua mọi ngăn cách về màu da, về ngôn ngữ, về thổ địa… để được sống cùng nhau. Ngày xưa cũng như hôm nay, vẫn có những cặp vợ chồng hai quốc tịch rất hạnh phúc và chuyện tình của họ đẹp như một huyền thoại.
Có một cô hàng bán nước giải khát ở bến Bạch Đằng. Cuộc đời  đang phẳng lặng, thì bỗng một anh chàng si tình xuất hiện. Ngày nào anh chàng mắt xanh da trắng này cũng đến nhấm nháp một con mực khô, uống hai long bia và ‘’bám trụ’’ tại quán suốt hai tiếng đồng hồ để được ngắm nghía cô hàng nước xinh đẹp một cách đăm đăm.
Và thế là tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, liên tục phát triển theo số tiền bo hậu hĩnh và số quà cáp mỗi ngày một tăng. Rồi sự gì phải đến đã đến. Anh chàng gà trống Gõ loa đã tỏ tình thẳng đét ‘’mí’’ chị gà mái an nam mít:
- Tôi yêu em, tôi muốn cưới em làm vợ. Em trả lời tôi đi.
Riêng  cô nàng đã bật mí cho biết :
- Yếu tố hớp hồn và hấp dẫn của con gái Việt Nam là nét thùy mị, dịu dàng, kín đáo và đặc biệt là sự bẽn lẽn, e thẹn. Rồi tà áo dài chiếc nón lá… đều là những cái thật dễ thương và đáng yêu.
Tuy nhiên, hiện tượng lấy chồng ngoại không thể không xảy ra những bất trắc, những bi kịch hụt hẫng bởi những mưu tính vụï lợi nhỏ nhen của cả đôi bên, đặc biệt lo ngại là những cô gái lấy chồng Đài Loan.
Bất chấp những trớ trêu từ các cuộc hôn nhân, mai mối chẳng khác chi mua bán nô lệ, đổi chác hàng hóa. Đó là chưa ai để ý đến số phận của những cô gái phải theo chồng về xứ lạ đang hối hả nộp đơn xin ly dị, tìm đường về nước, còn nóng vội hơn cả hôm xuất ngoại theo chồng. Những trục trặc đắng cay xảy ra đều do bởi những cái không biết sau đây.
Cái không biết thứ nhất là về bản thân của đối tượng.
Các cụ ta ngày xưa đã dạy :
- Lấy vợ xem tông,
  Lấy chồng xem giống.
Nhiều khi phải thẩm tra ngược dòng thời gian tới ba bốn đời xem có chi bất ổn. Đằng này người ta sờ mó và chọn mình, chứ mình đâu được quyền chọn người ta.
Phận gái lấy chồng ngoại giống như giọt mưa sa. May thì rơi vào chỗ nước trong. Chẳng may thì rơi vào vũng bùn hay đống phân trâu thì cũng đành phải chịu vậy.
Có chàng sang Việt Nam với mác kỹ sư, nhưng thực chất chỉ là tay thợ hồ hay bốc vác, không hơn dân cu li cu leo là mấy. Có chàng vì tai nạn bị phỏng nặng, toàn thân đầy sẹo to sẹo nhỏ nhưng được che phủ bằng những bộ quần áo đắt giá, nhưng khi về đến nhà thì… hỡi ôi.
Cô nàng kia vớ được anh chồng tướng tá cao ráo, đi đứng lúc nào cũng từ tốn chập chạp. Đến tân hôn, từ phòng tắm bước ra, cô nàng suýt hét lên bởi vì trước mặt cô là một anh chàng chỉ có ‘’một khúc mà thôi’’.hai chân giả quá khéo được lấy ra, kể ngay đầu giường. Thế là kể từ đó, anh chàng ‘’thiếu chân đứng’’ này luôn hành hạ cô nàng, bắt cô nàng phải cõng đi ăn, phải bế đi tắm… chỉ khi ra đường mới chịu gắn chân giả.
Cái không biết thứ hai là về mục đích.
Các cụ ta ngày xưa đã bảo :
- Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Thế nhưng, khi lấy chồng ngoại, người con gái lại mù tịt về chồng cũng như về nhà chồng, thì làm sao mà gánh vác ? Hơn nữa, phần lớn những cuộc hôn nhân này lại diễn ra theo nhịp điệu của mua bán. Người con gái không biết mình được mua để làm gì ?
Có những kẻ cưới vợ là để vợ làm những việc đồng áng nặng nhọc như những người làm thuê. Có những kẻ cưới vợ là để vợ chu toàn những công việc bếp núc trong nhà như một người đầy tớ. Có những kẻ cưới vợ là để thỏa mãn những đòi hỏi thân xác.
Báo Công an kể lại :
Một cô gái trẻ Việt nam lấy một ông chồng già Đài loan bằng tuổi ông ngoại. Ai ngờ khi về nước, lão viên ngoại đốn mạt này bắt cô phải phục vụ “chuyện ấy” cho em trai, rồi con trai, rồi cháu trai của lão cho đáng đồng tiền bát gạo lão đã bỏ ra để mua cô về.
Bất hạnh hơn nữa phải kể đến những cô gái lâm vào thế đường cùng nơi đất khách, bị lọt vào những tổ chức mại dâm quốc tế. Những tổ chức này tại Việt nam có thể được mang những vỏ bọc bên ngoài đẹp đẽ, như môi giới hôn nhân, lao động ở nước ngoài… những thí sinh được tuyển chọn, khi đi hăm hở bao nhiêu, thì khi về cũng vội vã bấy nhiêu.
- Khi đi thì dệt mộng vàng,
  Đến khi về nước thì ngậm bồ hòn đắng cay.
Cái không biết thứ ba là về ngôn ngữ.
Ngôn ngữ và tiếng nói là phương tiện Thượng đế trao ban để chúng ta chuyền đạt những tư tưởng, những ý nghĩ cho người khác hầu xích lại gần nhau và bắc được một nhịp cầu cảm thông.
Thế nhưng, vì bất đồng ngôn ngữ, không hiểu nhau, không cảm thông cùng nhau, thì cũng khó mà hạnh phúc với nhau.
Để chứng thực điều trên, gã xin kể lại một câu chuyện cho tất cả cùng… cười.
Thấy thiên hạ có con gái lấy chồng Đài loan, chẳng khác nào đào trúng mở vàng. Nhà cửa vinh vang. Xe cộ đổi đời liên tục. Ông hai Nhơn nôn nóng. Ngó đi ngó lại chỉ còn mỗi cô gái út tên là Mén. Kể ra Út Mén cũng hiền lành lại đẹp gái, vì thế ông kiên quyết phải cho con gái mình lấy chồng ngoại, chứ không cho lấy chồng nội.
Chẳng bao lâu mơ ước của ông đã thành sự thật. Một chàng rể Đài loan to con tốt tướng, tóc húi cao và tuổi sấp xỉ bằng ông xuất hiện. Lối xóm xì xào bàn tán. Ông bỏ ngoài tai, ông rất hài lòng và hãnh diện vì Út Mén đã có chồng ngoại. Hôm bà mối dẫn anh chàng Đài loan về ra mắt ông Hai Nhơn và coi mặt Út Mén, thiên hạ cứ tưởng rằng bạn ông ghé thăm.
Đến khi gia đình làm tiệc chiêu đãi, muốn biết khẩu vị của anh chàng rể tương lai thì được bà mối giải thích :
- Hễ anh chàng Đài loan kêu “ột ột” là thích ăn thịt heo, kêu “hùm bò” là thích ăn thịt bò, kêu “cạp cạp” là thích ăn thịt vịt, kêu “ò ó o” là thích ăn thịt gà. Khi ăn no thì ôm bụng xua tay. Và thế là cả nhà đều vui vẻ.
Một tháng sau, anh chàng rể Đài loan đột xuất về thăm bố vợ và cô vợ sắp cưới. Có lẽ vì đột xuất nên chỉ đi với bác tài xế mà không có bà mối kèm theo.
Bác tài xế thì tiếng anh mới chỉ lõm lõm, thích nói bằng tay hơn bằng mồm, còn tiếng tàu thì hoàn toàn mù tịt. Vì thế khi vô nhà, mọi người đều chào nhau, nhìn nhau, cười nhau và chẳng nói với nhau được sự gì.
Sau khi nhận quà cáp, ông Hai Nhơn bảo vợ và con gái làm tiệc đãi anh chàng rể quí. Những do không biết món gì hợp khẩu với anh chàng rể, ông bèn nhớ đến mấy ngôn ngữ bà mối đã méc lần trước. Ông bèn đưa tay khều anh chàng rể một cái và nói :
- Cạp cạp cạp.
Anh chàng rể gật đầu. Ông khều cái thứ hai và nói :
- Ò ó o.
Anh chàng rể cũng gật đầu. Ông tiếp tục khều cái thứ ba và nói :
- Ột ột ột
Anh chàng rể cười cười, rồi gật đầu. Thế là ông Hai Nhơn cùng Út Mén làm thịt một cặp vịt, một con gà và một con lợn bốn chục ký.
Trong khi ăn, anh chàng rể quẳng một mẩu xương gà xuống đất. Hai con chó chạy lại giành :
- Gừ gừ… Gâu gâu.
Có lẽ vì lạ tai vui mắt, chàng rể bèn buông đũa, bỏ bát, tay chỉ hai con chó, miệng mỉm cười và :
- Gừ gừ… Gâu gâu.
Ông Hai Nhơn tưởng anh chàng rể đòi ăn thịt chó, nên lập tức truyền cho con gái đun nước sôi và đích thân ông ra tay hạ thủ hai chú chó vô tội.
Nấu thịt cầy xong và dọn lên. Anh chàng rể và bác tài xế ngơ ngác. Vợ chồng ông Hai Nhơn cũng ngơ ngác. Cô Út Mén lại càng ngơ ngác hơn.
Vì ham chồng ngoại, rể ngoại, không ít người đã liều nhắm mắt đưa chân, phớt tỉnh ăng lê những chuyện không biết kể trên, để rồi đã phải lãnh đủ những hậu quả dở cười dở khóc.
Mà chắc chắn, khóc phải nhiều hơn cười rồi.

Không có nhận xét nào: