Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Trong những năm tháng gần đây, việc gian lận, xơi tiền của
dân của nước mỗi ngày một phát triển, cả về số lượng lẫn về phẩm chất. Mặc dù
không nhớ rõ lắm, nhưng gã cũng xin “kê đơn hoàn tán” những vụ điển hình.
Ngày xưa, Nguyễn văn Mười Hai, chủ tiệm nước hoa Thanh
Hương, đã dùng thủ đoạn vay vay mượn mượn để ẵm của những người dân tội nghiệp
hơn 104 tỷ đống.
Theo vết xe đổ, Phạm công Tước cũng đã dùng mánh mung trên
để nuốt trửng 130 tỷ đồng của ngân hàng Nhà nước.
Người đẹp Trần xuân Hoa, với độc chiêu ấy cộng thêm tí nhan
sắc trời ban cho, đã xơi tái 250 tỷ đồng của ngân hàng.
Noi gương các vị tiền bối, Phạm huy Phước cũng đã vay vay
mượn mượn và rồi đã ăn trọn hơn 300 tỷ đồng.
Có một thời, phong trào giật hụi, bể nợ như một trận cuồng
phong thổi vào đất nước, ở mọi nơi và trong mọi lúc, người ta dở khóc dở cười,
dở mếu dở máo vì đồng tiền chắt chiu bằng mồ hôi nước mắt của mình bỗng dưng bị
bốc hơi, còn thủ phạm thì cao chạy xa bay, hay ngồi tù ít ngày để tồn tâm dưỡng
tánh vì không còn khả năng chi trả.
Và gần đây hơn, hai vụ nổi cộm đã làm cho người dân phải xót
xa, đó là vụ Tân trường sanh và Tăng minh Phụng.
Với vụ Tân trường sanh thì số hàng nhập lậu lên tới hơn 900
tỷ đồng. Riêng số tiền chè nước lo lót khoảng 9 tỉ rưỡi. Còn vụ Tăng minh
Phụng, thì Nhà nước mất toi 4.000 tỷ đồng, bằng số tiền của toàn dân thắt lưng
buộc bụng mua công trái trong hai tháng đầu tiên được phát động của năm 1999.
Từ những sự kiện trên, gã bỗng nhớ tới câu chuyện cổ tích
“ăn khế trả vàng”.
Ngày xửa ngày xưa, tại một làng nọ có một nhà kia, ông bố
chết đi để lại hai người con trai với một gia tài kếch xù. Ông anh, ỉ mình là
trưởng nam quyền huynh thế phụ, đã nuốt vội nuốt vàng toàn bộ sản nghiệp to lớn
ấy, chỉ để lại cho chú em một túp lều tranh xiêu vẹo và một cây khế.
Hằng ngày, chú em hái khế đem ra chợ bán lấy tí tiền còm
đong gạo và mua sắm những thứ cần thiết cho sinh hoạt gia đình bởi vì đó là
nguồn thu nhập duy nhất.
Cũng như mọi ngày, sáng sớm hôm đó chú em ra hái khế, thì
một con quạ to ơi là to đã xơi hết những trái chín. Thấy vậy, chú em bèn than
thở cả tiếng :
- Quạ ơi quạ, quạ biết tôi nghèo túng mà còn nỡ lòng nào xơi
hết những trái khế chín của tôi.
Quạ trả lời :
- Anh đừng lo, ta sẽ đền ơn đáp nghĩa cho anh. Anh hãy về
may một cái túi rồi sáng mai chờ ta tại đây.
Nghe quạ nói, chú em về nhà may một cái túi, rồi sáng hôm
sau ra gốc cây khế chờ quạ. Chờ chưa được bao lâu thì quạ đến và công chú em
tới một hải đảo xa xôi, nhưng lại đầy vàng.
Khi chú em lượm chặt túi, quạ liền công chú về. Với
túi vàng này, chú em làm lại nhà cửa và trở nên một người giàu có trong làng.
Sững sờ trước sự phất lên mau chóng của chú em, ông anh bèn
gạ gẫm hỏi cho biết bí quyết mánh mung. Chú em đơn sơ thật thà kể lại đầu đuôi
sự việc là như thế cho ông ta.
Sáng hôm sau, ông ta ra hái khế, thấy quạ đã xơi hết trái
chín, liền than thở đúng bài bổn và được quạ căn dặn về nhà may túi.
Khấp khởi mừng thầm vì phen này ắt hẳn vớ to. Ông ta quát
tháo bà vợ may cho mình một chiếc bao thật lớn, loại bao hai dạ “được mùa” của
các bác nông dân vùng đồng bằng sông Cửu long.
Sáng hôm sau, ông ta cũng ra chờ ở gốc khế và được qua công
ra đảo vàng. Ông ta lèn cho đầy một bao, rồi lại còn nhét vào trong túi quần,
túi áo và ngậm cả ở trong miệng.
Quạ công ông ta về, nhưng vì không kham nổi trọng
lượng của bao vàng, nên cuối cùng đã phải thả ông ta xuống biển khiến ông ta bị
chết trôi chết nổi giữa sóng nước.
Từ câu chuyện trên gã nghiệm ra một sự thật :
- Phàm đã là người thì dường như không nhiều thì ít, ai cũng
có tí máu tham trong mình. Đã cầm cuốc thì ai cũng cuốc vào chứ nào ai có cuốc
ra bao giờ. Hễ có dịp, thì dường như ai cũng chịu khó vơ vét cho đầy túi tham.
Chỉ phiền một nỗi là đối với lắm kẻ thì túi tham ấy lại thủng đáy, cho nên vơ
vét vào mà chẳng bao giờ đầy.
Sự việc xảy ra ở bên Đức :
Khi trận đấu bóng kết thúc, mọi người ra khỏi sân vận động,
không hiểu tiền ở đâu mà rơi vãi lắm thế trên hè phố. Thế là tất cả, từ những
người đạo mạo và mô phạm cho đến những tay cà chớn, ai nấy đều mắt trước mắt
sau, lấm lét cúi giả bộ như sửa giây giày, nhưng thực chất là xuống lượm và
lượm cho bằng hết những đồng tiền rơi vãi.
Tuy nhiên, khi về tới nhà, dưới ánh đèn sáng choang thì mới
bật ngửa, té ra đó chỉ là những đồng tiền giả của một kẻ chơi khăm, muốn trắc
nghiệm xem có quí vị nào không tham.
Nếu gian tham là một chứng bệnh, thì nơi những người có
quyền có chức, chứng bệnh này thường được bộc phát qua hai dạng đặc biệt, đó là
tham nhũng và hối lộ.
Đúng thế, phải có quyền có chức, phải là các quan thì mới có
điều kiện và cơ may để đớp tiền chùa của nhà nước cũng như xơi tiền mồ hôi nước
mắt của dân, như cha ông chúng ta ngày xưa đã từng lên tiếng báo động :
- Con ơi, nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là…quan.
Người ta thường dùng lẫn lộn tham nhũng và hối lộ, nhưng
theo thiển ý của gã, mặc dầu có chung một mẫu số là xơi tiền của dân của nước,
nhưng mỗi bên đều có những lãnh vực riêng biệt.
Vậy thế nào là tham nhũng và thế nào là hối lộ ?
Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau bàn về tham nhũng.
Impact, một tạp chí chuyên ngành về tài chính có uy tín đã
đưa ra một định nghĩa khá mỹ miều như sau :
- Tham nhũng là sự coi thường tính minh bạch và liêm khiết
trong các vấn đề có liên quan đến lợi ích công cộng.
Định nghĩa này xem ra có vẻ hoa hòe hoa sói, nhiêu khê và
rắc rối.
Còn theo “Việt nam tự điển” của Lê văn Đức thì :
- Tham nhũng xuất phát bởi bốn chữ “tham lam nhũng lạm”. Bốn
chữ này có nghĩa là ăn bớt của chung.
Còn nếu nói huỵch toẹt như gã, thì :
- Tham nhũng chính là ăn cắp của công.
Nghệ thuật ăn bớt, ăn xén, ăn cắp…của các quan thì thiên
biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi.
Chẳng hạn như Nhà nước trao cho quan xây dựng một công
trình. Quan liền ký hợp đồng với một công ty nào đó, thỏa thuận nâng giá thành
lên để rồi chia nhau phần sai biệt. Làm như vậy, cả hai đều có lời, nhưng lại
là một thứ cấu kết liên doanh với ma quỉ.
Rồi khi mua sắm vật tư, quan có thể làm hóa đơn khống, nghĩa
là không mua mà vẫn có hóa đơn, hay mua một nhưng ghi thành hai, hay mua rẻ
nhưng ghi thành mắc…Vì thế, quan càng làm, càng có tiếng với dân, lại càng có
nhiều miếng để mà đớp.
Quan đánh hơi thấy chỗ nào có mùi tiền là liền vươn vòi bạch
tuộc tới đó, hay chịu khó nhúng cả bàn tay lông lá vào ngay. Thậm chí có những
quan vui vẻ xơi ở cả những chỗ không đáng xơi.
Chẳng hạn đồng tiền của những cơ quan viện trợ giúp cho
những người phong cùi hay mồ côi, chạy vòng vo tam quốc, thế nào cũng rò rỉ vào
túi các quan một mớ, quan lớn xơi nhiều, quan bé xơi ít, để rồi khi tới tay
trại phong cùi hay viện cô nhi thì chẳng còn bao nhiêu. Chỉ là như mấy giọt
nước tong teo được nhỏ xuống mà thôi.
Gã còn nhớ, năm 1978 vùng gã ở bị lụt lớn. Nhà nước
kêu gọi toàn dân nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Thậm chí ngay cả những
thày cô giáo vùng gã, vốn mang danh là những người “húp cháo”, lại đang gặp
thiên tai cũng phải hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ. Mà không hưởng ứng cũng
không được vì thiên hạ trừ tật vào tiền lương của mình. Thôi thì lá rách ít đùm
lá rách nhiều, lá rách vừa vừa đùm lá rách te tua, cứu trợ bất dắc dĩ cũng
chẳng sao, đổi khóc thành cười mà miệng thì cứ méo xệch.
Theo số liệu trên báo chí thì khoản tiền cứu trợ này thật
đáng khích lệ, nhưng cuối cùng trong cả ấp của gã thì chỉ có mấy gia đình thuộc
hạng “khố rách áo ôm”, nghèo rớt mùng tơi là được chiếu cố, đi lãnh mấy ký gạo
hẩm và một lít nước mắm thối của cái được gọi là cứu trợ đồng bào bị
thiên tai. Quả là đầu voi đuôi chuột.
Những vị quan có máu tham nhũng được sánh ví như là những
con chuột nhắt đục khoét bồ lúa, hay như một loại mối mọt ăn rỗng cây cột và
làm cho cây cột bị gẫy đổ lúc nào không hay. Quĩ của Nhà nước mỗi ngày một tóp
lại và trở nên rỗng tuếch, còn quĩ của các quan mỗi ngày một phình ra,
nào nhà lầu, nào xe hơi và trăm thứ lỉnh kỉnh khác nữa.
Hồi gã còn bé ở ngoài Bắc không có nhiều kẹo như bây giờ. Cả
nhà có mỗi một khạp mật được bố cất kỹ để dùng mỗi khi cần đến chất ngọt. Thế
là những lúc bố đi vắng, gã bèn chui vô ăn vụng bằng cách chấm ngón tay vào
khạp mật, ngoáy một vòng rồi đưa lên miệng mút lấy mút để, mút hết cả ghét
khiến ngón tay cứ…trắng tươi.
Với các quan cũng vậy, hành động tham nhũng chính là hành
động chấm mút. Các quan chấm ngón tay vào công quĩ rồi vô tư, mặc sức
mà…mút cho thoải mái.
Bây giờ gã xin bàn tới phạm trù thứ hai, đó là ăn hối lộ.
Ngày xưa có những bọn cướp thường chặn và bắt dân chúng phải
đóng một khoản tiền được gọi là “mãi lộ”, để “mua đường đi”, thì mới được qua
lại trên đoạn đường ấy. Chẳng hiểu có phải vì vậy mà phát sinh ra hai chữ hối
lộ, tức là đút lót tiền cho các quan để nhờ cậy một công việc, để được che chở
hay được một ơn huệ nào đó.
Nói cách khác, hối lộ là việc người dân dùng tiền bạc hay
quà cáp… có khi vui lòng, có khi bị ép buộc mà dâng cho các quan một cách kín
đáo trong một dịch vụ nào đó.
Thuở ban đầu, khi nhân chi sơ tính bản thiện, thì hành vi
biếu xén rất có thể chỉ là một hành vi đền ơn đáp nghĩa.
Chẳng hạn gia đình bị mất trộm, tôi đến công an trình báo và
công an không những đã tìm ra thủ phạm mà còn bắt thủ phạm phải hoàn trả những
món đồ đã chôm được của gia đình tôi. Khi nhận lại những của đã mất, tôi thầm
nghĩ mình cũng phải biết điều, ít nữa là đối với những anh em công
an. Mặc dầu họ không đòi, nhưng mình vẫn phải làm, như có một sự thúc ép từ bên
trong :
- Đã nhận ơn thì phải biết ơn và đền ơn.
Thế nhưng chuyện đời không đơn sơ và phẳng phiu như thế.
Kinh nghiệm cho thấy : đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn. Đằng nào cũng đút
thì nên đút trước, bởi lẽ sẽ làm cho quan vui vẻ hơn. Và một khi quan đã vui vẻ
thì công việc của mình hẳn sẽ đầu xuôi đuôi lọt, đỡ phải những mắc míu khó
khăn, như một nhà thơ đã phát biểu :
- Có tiền việc ấy mà xong nhỉ.
Trong báo”Tuổi trẻ chủ nhật” có ghi lại một mẩu chuyện hài
hước của Zadorop. Mẩu chuyện ấy đại khái như thế này.
Vừa qua, người ta đưa tôi vào bệnh viện để mổ ruột thừa gấp.
Thế nhưng bác sĩ nói :
- Hôm nay chúng tôi phải giải phẫu cho mấy người nước ngoài.
- Xin bác sĩ cứ tính gấp đôi.
Bác sĩ vui vẻ nói :
-Đây lại là chuyện khác, đáng lẽ anh nên nói ngay từ lúc
đầu.
Thế là bác sĩ mổ cho tôi ngay lập tức, không kịp tiêm
thuốc tê vì cô y tá gây tê xin nghỉ bù sáng nay.
Khi ruột thừa đã cắt xong thì đúng mười hai giờ. Bác sĩ
buông dụng cụ, lột bao tay và nói :
- Hết giờ làm việc.
- Thế ông không khâu lại cho tôi sao ?
- Tự nó sẽ lành thôi.
Tôi lại thử một lần nữa :
- Chỗ quen biết, ông cứ tính cả tiền xăng dầu, lẫn tiền cà
phê luôn nhé.
- Thế thì được, theo nguyên tắc chúng tôi không khâu cho ai
ngoài giờ cả. Nhưng chỗ quen biết với nhau, tôi linh động cho anh đấy.
Cuối cùng, bác sĩ đã khâu bụng lại cho tôi. Nhưng chẳng có
ai đưa tôi về phòng. Tôi cố gọi mấy cô y tá, nhưng ai cũng đi qua vội vã. Mãi
nửa đêm tôi mới nhờ được một người tàn tật cho bám vào xe lăn.
Chính vì thế, dân cảm thấy đó là như một bổn phận vì muốn
được việc thì cần phải biết điều, cần phải hối lộ. Còn các quan, được đút mãi,
được xơi hoài thành tật theo kiểu “quen mui thấy mùi ăn mãi”, và nghiễm nhiên
coi đó là một thái độ phải có, một bổn phận phải làm của dân.
Đây quả là cái vòng luẩn quẩn của một mê hồn trận, của một
thế cài răng lược, tựa lưng vào nhau mà sống : Có đớp thì mới đút và có đút thì
mới đớp.
Thậm chí trong vụ Tân trường sanh, bị cáo Phùng long Thất,
một cán bộ Hải quan cao cấp đã phải thốt lên ai oán :
- Thân mình không thể không nhận “bồi dưỡng”, vì ngày nào
cũng bị khách hàng o bế cung phụng.
Và như thế, tệ trạng hối lộ đã trở thành chuyện đời thường,
như một tục lệ đương nhiên. Mà đã là lệ thì khó mà xóa bỏ, bởi vì phép vua còn
thua cả lệ làng.
Tệ trạng hối lộ vẫn đang liên tục phát triển, trăm hoa đua
nở với những danh xưng thật mỹ miều, nào là tiền bồi dưỡng, tiền chè nước, nào
là phong bì, quà cáp…Tệ trạng này có mặt trong mọi lãnh vực, gã xin ghi lại nơi
đây một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này đã được đăng tải trên báo Công giáo
và Dân tộc.
“Khi xin giấy tờ về nhà đất, về kinh doanh hay mua bán
xe…tất cả đếu phải “trà nước” nếu muốn nhanh việc. Cho dù đây không phải là
luật, nhưng đã là lệ. Nếu phải chạy đi chạy lại nhiều lần cho một công việc nào
đó, gia đình sẽ bảo tôi là khờ, là không bén “nhạy”.
“Bây giờ muốn làm gì thì khó mà đi tay không. Việc tặng quà
đã trở thành cái nếp, gần như là một cố tật của xã hội. Người ta cho rằng
những món quà chỉ mang ý nghĩa “tình cảm”. Thật ra chẳng tình cảm chút nào cả,
chỉ có người tặng quà và người nhận quà mới biết rõ nó mang ý nghĩa gì. Theo
tôi, hối lộ có nhiều mức độ khác nhau, nhưng mức độ khởi đầu của nó là quà
biếu.
“Tôi xin làm bản sao khai sinh cho con để nộp đơn đi học.
Nhân viên hộ tịch bảo phải một tuần sau. Tôi đành đưa một phong bì bồi dưỡng.
Thế là mọi chuyện ổn thỏa nhanh chóng.
“Mấy lần trước về tới Tân sơn nhất, nhiều Việt kiều nhét 5
USD vào giấy thông hành. Lần này về thăm gia đình, lại chẳng tốn đồng
nào. Tôi nghĩ đã có sự thay đổi trong đội ngũ hải quan. Nhưng gia đình
tôi lại nói chắc là họ quên.
“Ba tôi mất ở bệnh viện bị đưa xuống nhà xác. Gia đình phải
chi tiền bồi dưỡng cho nhân viên quản lý, xác ba tôi mới được nhanh chóng về
nhà. Mẹ tôi cũng nằm viện, do rút kinh nghiệm, nên khi mẹ hấp hối, gia đình xin
đưa mẹ về trước. Nhưng cũng phải bồi dưỡng cho các bác sĩ, y tá…
“Có người đã gọi ngày nhà giáo là “ngày cho đồ thày cô”. Tôi
buồn quá. Một ngày kỷ niệm bị biến thành ngày nặng về vật chất, bôi nhọ luôn
những món quà đầy ắp tình cảm.
Lời phát biểu trên chưa đau cho bằng lời phát biểu của một
vị phụ huynh mà gã đã được nghe thấy :
- Chúng tôi đã đóng tiền cho các thày các cô nhậu rồi còn
đòi hỏi gì nữa!!!
Từ những cảm nghĩ trên, có người đã cho rằng : tiền hối lộ
chính là một “chất mỡ” bôi trơn bánh xe vận hành thương mại và đầu tư ở các
nước đang phát triển.
Họ nêu ra trường hợp một địa phương miền nam Trung quốc, nhà
đầu tư phải lo lót tiền cho chính quyền xã để mở một con đường giao thông huyết
mạch đi ngang qua xã này mà không có trong qui hoạch. Mấy năm sau, con đường ấy
phát huy tác dụng, nhà đầu tư lẫn địa phương đó đều giàu lên.
Tuy nhiên, một vài trường hợp như trên không đủ để thuyết
phục bất cứ ai thấm thía với tệ nạn tham nhũng hối lộ bởi vì nó chính là yếu tố
quan trọng hơn cả làm suy thoái kinh tế và mất ổn định xã hội.
Luật sư Nguyễn văn Phương cũng viết :
“Một nguyên nhân nổi bật và gây nhức nhối là vấn đề “tiền
bồi dưỡng”. Với “tiền bồi dưỡng”, người ta đã có thể mua được cả một ngành mà
nhiệm vụ là gác cổng không để hàng lậu lọt vào phá hoại kinh tế quốc gia. Nhưng
đâu chỉ có ngành Hải quan nhận tiền bồi dưỡng, mà vấn đề tiền bồi dưỡng có mặt
ở khắp nơi, trong mọi hoạt động, trong mọi ngành nghề. Thiếu nó thì công việc
không chạy, hoặc chạy không trơn tru, nên thật khéo khi người ta gọi nó là
“tiền bôi trơn”. Vấn đề này xảy ra thường xuyên quá đến nỗi người ta coi nó là
chuyện đương nhiên và không hề có mặc cảm tội lỗi khi thực hiện nó.
Theo con số thống kê quốc tế, trong thời gian từ 1988-1992,
kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm của mười tập đoàn xuất khẩu vũ khí đạn
dược lớn trên thế giới là 30 tỷ mỹ kim, trong đó có khoảng 4 tỷ mỹ kim được
dùng vào việc hối lộ trực tiếp hoặc gián tiếp các chính khách và các quan chức
cao cấp.
Nếu gã không lầm thì hình như chính phủ của thủ tướng Tanaka
bên nước Nhật cũng đã bị gục ngã vì số tiền hối lộ của một công ti chế tạo máy
bay tại nước Mỹ!
Tuy nhiên đút được và được đút cũng như đớp được và được
được đớp quả là một nghệ thuật. Ở đây gã chỉ bàn thêm chút xíu về hai thứ nghệ
thuật này.
Hồi trước ngày Giải phóng, tất cả các xe đò muốn qua trạm
kiểm soát một cách mau chóng thì anh lơ phải mau mắn nhảy xuống xe đút một tờ
báo cho viên cảnh sát. Dĩ nhiên là trong tờ báo ấy có kẹp thêm “Đức thánh
Trần”, tức là tiền năm trăm thời đó.
Bây giờ, các Việt kiều muốn thủ tục nhập cảnh được êm xuôi,
thì khi tới sân bay, cứ việc kẹp sẵn vài đồng đô la trong hộ chiếu là qua cửa
ải cái vù. Đó cũng là một cách đút.
Nếu đút cửa trước xem chừng có vẻ…căng, thì hãy chịu khó
luồn cửa hậu, cửa sau, nghĩa là hãy chịu khó liên hệ với quan bà, vì một lời
của quan bà đối với quan ông thì bằng ngàn lời của người dưng nước lã.
Thấy tiền và nhất là thấy vàng, chắc chắn quan bà sẽ rất lấy
làm xúc động mà bàu cử cho.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi vì lấy vàng để nhử đờn
bà và lấy đờn bà để nhử đờn ông, vốn là một qui luật của ngàn đời.
Riêng các quan, muốn đớp một cách khéo léo ít kẻ biết được,
thì mỗi khi có tí chuyện vui hay tí chuyện buồn như : đám giỗ cho các cụ thân sinh,
đám cưới cho con, đám thôi nôi cho cháu, hay đám kỷ niệm quan ông lấy quan
bà…thì cứ việc mở tiệc cho linh đình.
Đối với dân đen, thì đông vui hao, chứ đối với các quan,
đông vui…thì chỉ có lời. Các thân chủ khi nhận được thiệp báo tin thì hãy lo
chuẩn bị một phong bì thật chất lượng, hay quà cáp thật hậu hĩnh.
Có một vở kịch mang tựa đề là “phong bì” được báo Công An
thành phố tóm lược như sau :
Có ông bác sĩ “lương y như từ mẫu” nên rất nghèo, quanh năm
cứ được bà vợ cho ăn cơm với rau muống. Hết luộc tới xào, hết xào tới nộm,
khiến ông thấy rau muống là phát ngán.
Cuối cùng hai vợ chồng mới tìm ra nguyên nhân khi soi rọi
lại các đồng nghiệp của mình cứ giàu lên, đó là do ông bác sĩ chân chính
này không chịu nhận phong bì. Hai vợ chồng ông bác sĩ sau khi “ngộ” ra cái
nguyên nhân nghèo của mình, nên quyết định…nhận phong bì.
Bất ngờ có một đứa bé gái đến gõ cửa nhờ cứu mẹ đang nằm
trong bệnh viện chờ mổ và đưa cho ông bác sĩ cái phong bì. Quyết tâm thì có,
nhưng lương tâm thì chống lại, nên ông bác sĩ rất khổ sở, giằng xé trước cái
phong bì. Nhận hay không nhận ? Bà vợ càng thúc giục, ông bác sĩ càng đau
khổ.
Hỏi thăm hoàn cảnh của “khổ chủ” mới vỡ lẽ ra rằng trước đây
đứa bé gái cũng có một người cha đau nặng phải vào nhà thương để mổ, nhưng vì
nghèo quá không có phong bì nên người cha ấy đã chết. Bây giờ cô bé không muốn
mất thêm người mẹ, nên cương quyết phải đưa phong bì cho ông bác sĩ.
Cuối cùng, cái gút của vấn đề đã được mở cũng từ cái phong
bì khi có sự giằng co của bà vợ ông bác sĩ khiến tiền trong bì bị rơi :
thì ra chỉ là mấy đồng bạc lẻ.
Để kết luận gã xin kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ trong sách
“Cổ học tinh hoa”.
Có một ông quan vừa mới nhận chức tại một huyện xa xôi. Ban
đêm, một người bạn đến thăm và đút cho ông ta một số tiền lớn. Ông quan thanh
liêm nhất định không nhận, nhưng người bạn liền nói :
- Trời thì tối, chẳng có ai biết được đâu mà sợ.
Ông quan trả lời :
- Trời biết, đất biết, anh biết và tôi biết, sao lại nói
chẳng có ai biết được đâu ?
Thế nhưng, các vị quan thời nay cứ phớt tỉnh ăng lê, ung
dung xơi một cách tận tình, miễn sao đừng để cho sao quả tạ chiếu tướng.
Chỉ khi nào lỡ chùi mép không kịp, bị sờ vào gáy và bị lôi ra tòa xét xử thì
mới giật mình và vội vã kêu lên rằng :
- Mình bị oan…mình bị lừa…hay mình dốt và thiếu khả năng
nhưng bị đặt ngồi vào ghế cao một cách bất đắc dĩ…
Giữa lúc ba tòa quan lớn xét xử những vụ tham nhũng hối lộ
nổi cộm như Tân trường sanh, Minh phụng… thì báo chí cho biết :
- Các nhân viên hải quan đang thi hành nhiệm vụ vẫn tiếp tục
nhận tiền bồi dưỡng và những người làm thủ tục hải quan vẫn tiếp tục đưa tiền
bồi dưỡng như thường lệ.
Nếu vậy, cứ diệt tham nhũng, nhưng diệt rồi thì biết
lấy ai mà lo việc dân việc nước.
Và thế là tòa xử, tòa cứ xử. Ta đớp, ta cứ đớp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét