Ngày xửa ngày xưa, có một ông tây chính hiệu “Phú lãng sa”,
trong người đặc sệt dòng máu “Gô loa”, nhãn hiệu con gà trống. Thế nhưng ông
tây này lại yêu đến chết mê chết mệt một “cô em Bắc kỳ nho nhỏ”.
Và khi đã yêu ai như điếu đổ, người ta sẵn sàng yêu cả đường
đi cùng với mọi tông chi họ hàng. Vì thế, ông tây này cũng xơi thịt chó như
điên, cũng húp canh cua rau đay chùn chụt, cũng dùng cà ghém quệt đẫy mắm tôm
và bắn thuốc lào kêu ro ro như bắp nổ. Đặc biệt, ông tây này đã hết lời ca ngợi
tiếng Việt của dân ta.
Hình như trong một bài báo, ông tây này đã bạo phổi cả gan
gọi tiếng Việt của dân ta là “mère des langues”, nghĩa là mẹ của các ngôn ngữ.
Và rồi ông tây này đã đưa ra lập luận của mình, gã chỉ còn
nhớ mang máng, xin ghi lại nơi đây để trình làng, đồng thời có thêm mắm thêm
muối tí chút cho rộng đường dư luận.
Ngôn ngữ cổ xưa nhất phải là ngôn ngữ độc âm, tượng hình và
tình cảm, giống như một đứa bé khi mới học nói, nó chỉ nói được từng tiếng một
và diễn đạt những cái cụ thể, gần gũi với nó nhất.
Dưới góc độ này thì tiếng Việt của dân ta thừa sức qua cầu.
Thực vậy, như chúng ta đã thấy tiếng Việt của dân ta tự bản chất vốn đã là một
ngôn ngữ độc âm, từng tiếng một và hơn thế nữa những ngôn từ thông dụng, cụ thể
và gần gũi nhất đều xuất phát từ….tiếng Việt.
Chẳng hạn như người Việt chúng ta gọi “Ba”, thì người Pháp
gọi là papa hay père, còn dân Ăng lê thì gọi là father. Người Việt chúng ta gọi
“Má, Mẹ” thì người Pháp gọi là maman, mère, còn dân Ăng lê thì gọi là mather,
người Tàu thì gọi là mẫu…
Riêng cái khoản tượng hình và tình cảm thì tiếng Việt
của dân ta hẳn phải ăn đứt thiên hạ.
Chẳng hạn chỉ một màu trắng mà thôi, trong tiếng Việt, đã có
biết bao nhiêu mức độ đậm nhạt khác nhau như : trắng bạc, trắng bệch, trắng
bong, trắng bốp, trắng dã, trắng đục, trắng hếu, trắng mét, trắng mịn, trắng
mởn, trắng ngà, trắng ngần, trắng nõn, trắng phau, trắng phếu, trắng tinh,
trắng tuốt…
Trong phạm vi tình cảm cũng vậy, chỉ nguyên cái chuyện giận
mà thôi cũng đã thấy nhiêu khê và rắc rối : giận bậy, giận cùn, giận dai, giận
dữ, giận giỗi, giận hờn, giận lẫy, giận phừng phừng, giận run cả người, giận
tím cả gan, giận bể cả phổi, giận sôi cả tim….
Có lần gã định dịch một câu hát của Trịnh Công Sơn qua tiếng
Pháp :
- Nắng có hờn hằn lên môi em…
Rốt cuộc, gã đành chào thua. Có thể vì khả năng tiếng “phăng
xe” của gã còn yếu kém, nhưng cũng có thể vì cái nắng, cái hờn trong tiếng Việt
Nam có những “gam”, những mức độ đậm đặc tuyệt vời khó mà diễn tả.
Gã không chuyên về ngôn ngữ học, nên chẳng hiểu lý luận trên
đây của ông tây này được ban giám khảo chấm cho được mấy điểm.
Riêng phần gã, gã hoàn toàn “ khẩu phục, tâm phục” cách ghép
chữ của ông cha ta ngày trước. Gã chỉ xin đưa ra một vài thí dụ điển hình mà
thôi.
Chẳng hạn : “học hành”, đã học thì phải hành, nghĩa là phải
làm, phải thực hiện thì mới ăn tiền. “Đạo đức” nghĩa là đạo giúp chúng ta trở
nên người nhân đức, vì thế đã có đạo thì phải sống tốt lành nếu không thì chỉ
bằêng thừa mà thôi. “Nhường nhịn” đã nhường nhau thì cũng phải nhịn nhau, dù
người ta có chửi cha chửi mẹ, đào mồ tổ tiên ông bà hay cho ăn những thức cao
lương mỹ vị thì cũng phải cắn răng chịu vậy, bởi vì đã nhường thì phải nhịn và
nhịn như vậy thì lắm lúc cũng…nhục lắm. Thế mới gọi là nhịn nhục chứ.
Trong mục “tán hiêu tán vượn” hôm nay, gã chỉ xin bàn đến
hai chữ “thương hại” mà thôi. Đây quả là hai chữ tuyệt vời và hết ý.
Thực vậy, tình thương là một cái gì tốt đẹp như khi cha mẹ
thương yêu con cái mình. Tình thương là một lý tưởng cao cả cần phải được cổ
võ. Chẳng hạn trước những đồng bào gặp phải thiên tai như bão lụt, chúng ta nên
biểu lộ tình thương một cách cụ thể theo kiểu : thương người như thể thương
thân, lá lành đùm lá rách, còn lá rách thì cũng cố mà đùm lấy lá…te tua.
Thế nhưng trong đời thường lại có biết bao nhiêu kiểu thương
vô cùng tai hại, mà hậu quả nhiều khi khó lường nổi.
Trước hết trong phạm vi gia đình.
Có những bậc cha mẹ vì thương con, sợ con phải cực, phải
nhọc, phải đau nên sẵn sàng “bao cấp”, làm hết mọi việc cho nó, biến nó
trở thành một thứ “cô chiêu, cậu ấm”, chỉ biết đòi hỏi, bắt người khác phục vụ,
chẳng biết khuôn mình vào một kỷ luật tối thiểu nào cả, luôn ỉ lại và không bao
giờ biết tự chủ lấy một ly ông cụ.
Bên cạnh nhà gã có một cặp vợ chồng già sinh được một mụn
con trai. Hai ông bà hết sức muông chiều cậu ấm như người ta diễn tả :
- Cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa.
Thấy bọn nhóc tập xe đạp, cậu ấm cũng đòi tập, những hai ông
bà kiên quyết nhất trí không cho vì sợ cậu ấm té ngã, trầy da tróc vẩy, toạc
đầu xẻ chân…Vì vậy cho tới già, cậu ấm vẫn không biết đi xe đạp và mang một nỗi
mặc cảm với chúng bạn.
Có những bậc cha mẹ vì thương con nên hết sức cưng chiều. Nó
đòi gì là lập tức cho ngay, thậm chí còn thỏa mãn ngoài nhu cầu của nó. Từ chỗ
có tiền, nó đâm đua đòi bè bạn học thói xì ke ma túy. Từ chỗ xì ke ma túy bước
sang trộm cắp, khoảng cách rất gần, chả cần đến một cú nhảy vọt.
Gã xin lượm lặt những mẩu tin trong báo Công an để chứng tỏ
sự thật bi đát trên.
“…Thành là con út trong gia đình nên rất được ông bố cưng
chiều. Cậu quí tử này đã đàn đúm cùng lũ bạn xấu tập tành hút xách. Thương con
cách mù quáng, thay vì đưa con đi cai nghiện, ông bố lại còn đưa thêm tiền để
nó thỏa mãn cơn nghiện. Ngày 6.11.1997, do không chịu nổi cơn ghiền, Thành đã
về nhà dí dao vào cổ ông bố, bắt ông phải đưa tiền cho hắn…
“…Vì cha mẹ cho rằng học nhiều cũng chẳng đi đến đâu, nên đã
mười mấy tuổi, Toàn vẫn còn là một “thằng bé lêu lổng”, ngỗ nghịch. Nhà gần
chợ, suốt ngày Toàn lê la quán xá, học đòi ăn chơi và không biết từ bao giờ nó
đã nghiện…ma túy. Nghe tin dữ ấy, cha mẹ Toàn chỉ còn biết mắng vuốt đuôi một
trận te tát, sau đó đâu lại vào đấy. Cuộc mưu sinh cuốn họ vào những lo toan
“cơm áo gạo tiền”. Việc Toàn nghiện hút được gia đình mặc nhiên thừa nhận như
thể đó là chuyện phải đến với một thằng bé 15 tuổi. Thời gian đầu chưa kiếm
được tiền, Toàn tự trích lại một phần thuốc bán được 5.000đ để dành cho cữ ngày
hôm sau. Hết tiền thì mua chịu, ký nợ. Cứ như thế, từng ngày từng giờ Toàn lún
sâu vào nghiện ngập, lún sâu vào việc buôn bán ma túy…
Có những bậc cha mẹ vì thương con, nên khi con sai lỗi, đã
không sửa dạy mà con dấu diếm và bênh vực những sai lỗi ấy. Chẳng hạn như trong
trường hợp của Toàn trên kia. Tại tòa án, khi được hỏi thì bà mẹ của Toàn đã
thản nhiên trả lời :
- Tôi biết nó hút héroin, nhưng vì nó còn bé, đưa đi cai
nghiện thì tội nghiệp…Tôi cũng biết nó bán héroin, mấy lần nó còn nhờ tôi bán
giúp. Thỉnh thoảng nó cho tôi ba, bốn chục ngàn. Tôi nghĩ con cái có tiền cho
thì xài, không cần hỏi lại.
Rất nhiều chuyện cỏn con không đâu của đám con nít, nhưng
chỉ vì bênh con nên đã hóa thành chuyện lớn làm mất đi bàu khí êm ấm và cảm
thông trong khu xóm : bênh con, lon xon mắng láng giềng là vậy.
Tiếp đến trong phạm vi xã hội.
Cũng có nhiều kiểu thương mà rất hại. Gã chỉ xin đưa ra một
trường hợp cụ thể đó là nạn ăn xin.
Tác giả Nguyễn thị Oanh trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã phân
tích như sau :
“Không nói đến người già cả, tàn tật, cô thế mà ta có nhiều
cách nâng đỡ, chứ không chỉ máy móc cho tiền, người còn sức lao động sẽ ỷ lại,
chai lỳ. Đó là cái hại thứ nhất.
“Việc kiếm tiền dễ dàng khiến cho nhiều người lấy xin ăn
thành một nghề. Như vậy cái hại thứ hai của cử chỉ ban phát là tạo một lớp
người ăn bám.
“Hơn thế nữa, ta còn góp phần tạo ra tội phạm là những kẻ
giả dạng thày tu, thương binh và nghiêm trọng hơn nhiều, ta góp tay vào nạn lạm
dụng trẻ em để làm công cụ xin ăn. Có em bị gây thương tật, bị cho uống thuốc
ngủ và nội chuyện phơi nắng suốt ngày…. cũng đã đủ nhức nhối.
Để gợi lòng thương, dân ăn xin dám làm những chuyện thật tai
hại khác. Ngoài việc lạm dụng trẻ em, còn một số mánh đã được báo Công an mô
tả.
“…Phổ biến nhất là chuyện tạo ra thương tật giả, lấy sự bi
đát ghê rợn để diễn cảm hầu kích thích lòng nhân ái, từ tâm. Những “dân chơi
bất cần thân thể” này chẳng sợ hoại thư, chẳng cữ bất cứ vi trùng gì, cứ
“triển lãm sản phẩm” là những vết lở loét rất kinh tởm, mủ máu, ruồi nhặng bu
đầy, có thế mới ép phê, mới tạo sự xót xa để rồi khổ chủ càng lòi nhiều tiền
ra.
Trong phút nói thật, có kẻ đã tiết lộ bí quyết như sau : Ban
đầu chỉ là một vết cào xước bằng đá xanh tự làm lấy, tự tạo ra. Rồi một nắm tóc
được ngâm lâu trong nước tiểu, rịt vào, băng thật kín lại, vết loét sẽ lan rộng
sau một tuần bị bí hơi và không được rửa ráy, bôi thuốc, mà còn phải ăn hằng
ngày xôi đậu phộng, bánh tét…để vết thương lồ lộ cho ruồi muỗi bu vào đẻ đái,
kết quả một tháng thôi đã quá đủ để bá tánh đi chợ nhăn mặt, sẵn 200, 500 tiền
thối đáng gì cho họ làm phước, tội nghiệp.
Để cho mắt sưng lên, chảy cả mủ lẫn ghèn, trông như đui đến
nơi, chúng chỉ cần nhỏ vài giọt mủ xương rồng.
Để tạo cảm giác mạnh với một dúm ruột máu me đỏ hỏn lủng
lẳng trước bụng, chúng dùng đoạn ruột heo rửa sạch bôi thuốc đỏ, đặt ở bụng,
rồi dùng bao nylon ém lại, lấy giây buộc quanh bụng. Qua lớp nylon cáu bẩn thật
là khó phân biệt, hơn nữa đã có mấy ai được biết ruột thật ra sao ?
Để vừa bò vừa lết, chúng nằm sấp trên chiếc xe đẩy tự tạo,
một chân gập ngược ra sau, buộc cho chặt, sau đó phủ lên trên bằng lớp quần áo
cũ rách…
Qua những mánh được xử dụng trong nghề ăn xin như vậy, có lẽ
nên tự hỏi xem mỗi khi bố thí, mình sẽ làm cho họ vươn lên hay ngược lại, sẽ
làm cho họ ỉ lại, đảy họ vào chỗ phụ thuộc, ăn bám và đánh mất lòng tự trọng.
Thương như vậy quả là thương mà hại.
Sau cùng trong phạm vi quốc tế.
Cũng không thiếu những kiểu thương mà hại. Một nước giàu
viện trợ cho một nước nghèo, trước mặt bàn dân thiên hạ, thì đó là một hành
động biểu lộ tình thương. Thế nhưng hành độâng biểu lộ tình thương này không
phải là không có những tác hại của nó.
Nếu viện trợ về súng ống, đạn dược, thì họ đảy chúng ta vào
vòng chiến tranh, làm cho quê hương bị rách nát hầu nuôi sống ngành công nghệ
chế tạo vũ khí của họ.
Nếu viện trợ về tiền bạc, thì họ làm cho chúng ta bị lệ
thuộc một cách êm ái. Khi muốn gây áp lực, chỉ cần cúp viện trợ, lập tức chúng
ta bị xính vính và xin qui thuận vô điều kiện như một chư hầu ngoan ngoãn và dễ
bảo.
Ngoài ra những đồng tiền bất hạnh này còn tạo ra một thứ
phồn vinh giả tạo, ru ngủ chúng ta trong việc phát triển kinh tế, để rồi không
cần thắt lưng buộc bụng, ăn xài theo kiểu bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính
nhà quan, nên đã lệ thuộc thì lại càng lệ thuộc hơn nữa, bằng không chẳng sớm
thì muộn cũng sẽ sụp đổ về chính trị cũng như về kinh tế.
Hôm nay dám xía vô lãnh vực chính chị chính em thì quả là
bạo phổi, vì lãnh vực này gã chẳng hề có tí hiểu biết nào sốt, đúng là múa rìu
qua mắt thợ, đánh trống qua cửa nhà sấm…Ví bằng có điều gì sai sót, thì gã
xin…rút.
Trở về với lãnh vực đời thường nhỏ bé, gã xin kể lại một
kinh nghiệm bản thân.
Hồi sống trên Đàlạt, gã có một bà dì. Gia đình bà dì này
cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Ông chú đi làm không đủ chi bởi vì họ có những
tám đứa con.
Nhiều lúc bà dì đã cầu viện gã giúp đỡ. Hoàn cảnh của gã lúc
bấygiờ cũng chẳng khấm khớ gì cho lắm, bởi còn đang trong kiếp học trò, dài
lưng tốn vải ăn no lại nằm. Chắt chiu vét hào bao thì cũng chỉ được mấy chục
ngàn. Mà mấy chục ngàn thì có là bao, đánh vèo một cai là đã hết. Đúng là của
vào nhà khó như gió vào nhà trống.
Nằm vắt chân lên trán để tìm kế giúp đỡ sao cho có hiệu quả.
Cuối cùng sau nhiều ngày tháng tiết kiệm, nghĩ tới nghĩ lui, gã bèn mua tặng
cho bà dì một chiếc máy may cũ hiệu Sinco.
Thế rồi, cũng từ chiếc máy may này, đời sống kinh tế dần dần
được cải thiện. Mấy đứa nhỏ đi học về, bèn chia phiên nhau may gia công giúp mẹ.
Thời gian sau, bà dì gã tậu thêm được một chiếc máy nữa, vì cũng lắm…con gái.
Kinh tế không những được bảo đảm mà còn có mòi phất lên là đàng khác.
Viết đến đây, gã bèn nhớ tới một câu thành ngữ của
người Tàu :
- Thụ chi dĩ ngư, cần cung nhất phạn chi nhu, giáo nhân dĩ
ngư, tắc chung thân thụ dụng vô cùng. Nghĩa là trao cho người ta con cá thì chỉ
giúp được một bữa ăn, dạy cho người ta biết câu cá thì người ta suốt đời được
hưởng dụng vô cùng.
Chẳng hiểu câu thành ngữ này có thể trở thành một đường lối
cho chúng ta trong việc giúp đỡ người khác và một chính sách trong việc viện
trợ cho các nước nghèo hay không ?
Còn gã, khi trích dân câu thành ngữ này của người Tàu, liệu
có đáng mặt ….cụ đồ hay “nho chùm” không đấy chứ ?
Tác giả: Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét