(24/11/2013) - (Lc 23, 35-43)
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Nguyên văn Bài Tin mừng:
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”
Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”
Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
______________________________
MỘT VÀI SUY NIỆM
Năm Phụng vụ được bắt đầu bằng Mầu nhiệm Nhập thể, kỷ niệm ngày Đức Giêsu đến trần gian lần thứ nhất, cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài không xuất hiện như một cái gì uy nghi lẫm liệt tương xứng với Con Thiên Chúa, không xuất hiện như cái gì gây chấn động làm mọi người phải chú ý, nhưng Ngài lại xuất hiện dưới hình dạng của một hài nhi nghèo hèn nằm trong máng cỏ, để chia sẻ sự bất hạnh, sự đau khổ của con người, để Ngài có thể ở giữa chúng ta. Đó là sự khởi đầu thật khiêm tốn mà chỉ có tâm hồn thiện chí như các mục đồng, các nhà chiêm tinh mới có thể nhận biết.
Năm Phụng vụ sẽ được tiếp diễn với những sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Nó được tiếp diễn với bao phép lạ Ngài đã thực hiện, bao lời rao giảng về Nước Thiên Chúa, ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. (Lc 4, 18-19) Năm Phụng vụ cũng sẽ trải qua các sự kiện Thương khó, Tử nạn, Phục sinh và Thăng thiên, hoàn tất Chương trình Cứu Chuộc.
Thế nhưng, nếu Năm Phụng vụ được kết thúc tại đây thì quả là thiếu sót, có cái gì đó còn rời rạc, Đức Giêsu chưa được tôn vinh đúng như Ngài đáng được tôn vinh. Chính vì thế, nó phải được kết thúc với Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Ngài phải được Chúa Cha tôn vinh và bắt mọi sự quy phục dưới chân Ngài.
Chúa Giêsu là Vua Tình yêu và mọi người đều là thần dân của Ngài. Mọi người được sống trong Tình yêu Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và gìn giữ. Người Pharisêu luôn hỏi bao giờ Triều đại Thiên Chúa đến? Đức Giêsu trả lời: Triều đại Thiên Chúa đã đến rồi và đang ở giữa các ông. Ngày hôm nay Mừng Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Giáo hội muốn giới thiệu với mọi người, Triều đại Thiên Chúa có một vị vua, đó chính là Đức Giêsu.
Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ là một ngày lễ rất gần đây bởi vì lễ này đã cử hành lần đầu tiên năm 1925. Đây là sự canh tân của Giáo hội mà thời nào cũng có sự canh tân như vậy.
Để mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, một cách rất nghịch lý, Giáo Hội đưa ra cho chúng ta cảnh tượng mà Đức Giêsu khai mạc triều đại của Người: ngai vàng của Người là thập giá. Vương niệm Người là một vòng gai làm đổ máu khuôn mặt Người... lễ phong vương của Người là một “danh hiệu" của việc kết án tử được đóng đinh bên trên đầu Người. “Đây là vua dân Do Thái! Hai chứng nhân, hai nam tước của Người, là hai tên gian phi bị kết án với Người.
Nghịch lý cao cả của Tin Mừng! Vua ư? Phải! Nhưng chắc chắn không như cách hiểu của những người hoặc muốn đứng về phe Người để hoan hô tôn phong Người hoặc là những đối thủ của Người để lên án Người. Vua "theo cách của Thiên Chúa"!
Vâng, Đức Giêsu chính là Vua Tình Yêu. Khi nhìn ngắm Ngài chết đau khổ trên thập giá, chúng ta mới khám phá ra được tình yêu Thiên Chúa, vì chính cái chết đó, con người mới được giải hòa với Thiên Chúa, mới được phục hồi quyền làm con và ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha.
______________________________
PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:
“Dân chúng đứng nhìn”
Luca dùng từ rất ý nghĩa, ông không dùng từ “đám đông” nhưng dùng từ “dân chúng”, ở đây ám chỉ dân Thiên Chúa. Cũng cụm từ này, trong sự kiện Đức Giêsu đuổi bọn buôn bán ra khỏi Đền thờ, các Thượng tế và Kinh sư tìm cách giết Ngài nhưng không biết phải làm sao vì toàn dân say mê nghe Ngài. (Lc 19, 47)
Dân chúng đứng nhìn cái gì? Xin thưa: họ đứng nhìn Đức Giêsu treo trên thập giá. Thật quá bất ngờ, không thể nào hiểu được. Một người suốt đời chỉ biết thi ân giáng phúc, suốt đời chỉ biết rao giảng Tin mừng lại bị treo như vậy?
Họ không hò hét như các tay đàn anh trong Do Thái giáo, họ im lặng, sững sờ và thất vọng. Họ đã theo Đức Giêsu trong suốt cuộc hành trình lên Giêruasalem lần thứ ba, họ hy vọng Ngài sẽ cứu Israel khỏi ách thống trị của Rôma, khôi phục nước Israel hưng thịnh còn hơn cả thời Đavít và Salômon, vì chỉ có Ngài chứ không ai khác, chỉ có Ngài mới làm được việc đó. Thế mà bây giờ Ngài lại chết thảm như vậy. Cho đến bao giờ Israel mới trở lại chính mình, đến bao giờ nó mới thoát cảnh nô lệ. Thế là hết, một sự chấm dứt thật khủng khiếp, họ chỉ còn chết lặng người khi đứng nhìn Ngài ở đây.
“Còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”
Dân chúng đứng nhìn, còn những người lãnh đạo thì hả hê. Biết bao lần họ tìm cách giết Đức Giêsu nhưng không thể thực hiện, vì dân chúng say mê nghe Ngài. Đức Giêsu còn sống ngày nào, thì ngày đó họ vẫn ăn không ngon ngủ không yên, họ luôn bị căng thẳng khi bị Ngài vạch trần cái thói giả hình, cái thói đạo đức giả, bị Ngài đánh đổ mối lợi khi cho việc buôn bán xảy ra trong Đền thờ. Quan trọng hơn cả, dân chúng ngày càng xa lánh họ, uy tín của họ bị sút giảm nghiêm trọng.
“Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” đây là tiếng nói của Satan.
Trước khi bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã ăn chay và cầu nguyện suốt 40 đêm ngay trong hoang địa. Sau thời gian đó Ngài cảm thấy đói và Satan bắt đầu tấn công Ngài. Satan không biết chính xác Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến, chúng đang hồ nghi, vì ngày xưa khi cám dỗ ông Adong và bà Evà, chúng được Đức Chúa báo cho biết Ngài sẽ thực hiện Chương trình Cứu chuộc. Bây giờ để biết được Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không, chúng phải thử. Satan tấn công Đức Giêsu 03 lần: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4, 3); “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” (Lc 4, 6-7); “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!” (Lc 4, 9). Trong cả 03 lần tấn công, Satan đều thất bại, nhưng sự thất bại đó vẫn chưa thể xác định: “Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu thế không?”
Satan lại tiếp tục thử Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani, khi chúng bày ra trong tâm trí Ngài cái chết ô nhục sắp xảy ra, chúng xem Ngài phản ứng thế nào? Nhưng Đức Giêsu vẫn xin vâng theo Thánh ý Cha.
Bây giờ là phép thử cuối cùng, Satan nói trong tâm trí các thủ lĩnh người Do Thái, để họ thốt ra “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Vâng, vẫn là từ “nếu”. Nhưng cũng như các lần trước, Satan sẽ thất bại, vì Đức Giêsu hoàn toàn im lặng, một sự im lặng trong vâng phục Thánh ý Cha. Không ai có quyền bắt Thiên Chúa phải thỏa mãn trí tò mò của mình, và cũng không ai có quyền bắt Thiên Chúa chiều theo ý muốn của mình, trái lại Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta phải tôn thờ.
Khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng, đất trời bắt đầu rung chuyển, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về. (Lc 23, 47-48) Satan mới té ngửa, Đức Giêsu đích thị là Đấng Cứu Thế thì mọi sự đã trễ rồi. Chương trình Cứu chuộc đã được thực hiện. Chúng biết từ nay vương quốc của chúng sẽ bị lung lay vì đã xuất hiện Chúa Kitô Vua vũ trụ.
“Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”
Đó là những binh sĩ La Mã, những dân ngoại trong đoàn quân xâm lăng; họ dùng từ “vua" mà họ nhìn thấy ghi phía trên đầu Người. Họ cũng chế giễu Đức Giêsu. Đúng ra họ không nên chế giễu mới phải, vì họ không có liên quan gì với Đức Giêsu, họ không phải là người Do Thái và chỉ làm theo lệnh của cấp trên. Nhưng Satan nói trong những người này để họ cũng nói lời thách thức: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”. Trong trường hợp Đức Giêsu đáp ứng yêu cầu của họ thì mọi sự chuẩn bị từ khởi thiên lập địa đến giờ sẽ bị phá đổ, Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa sẽ thất bại. Đức Giêsu vẫn im lặng, một sự im lặng tuyệt đối, vì trong sự im lặng đó ta khám phá ra được tình yêu của Thiên Chúa.
Nếu cho ta đứng trên đồi Golgotha lúc này, ta sẽ đứng ở đâu? Đứng trong dân chúng, trong các thủ lĩnh hay trong đám binh sĩ? Xin thưa: Ta đứng ở cả 03 vị trí. Khi ta bắt Thiên Chúa phải đáp ứng cho ham muốn của ta, muốn Thiên Chúa phải theo ý ta, đó là lúc ta đứng trong dân chúng. Khi ta sống trong sự ghen ghét người anh em, tìm mọi cách để hại người anh em, đó là lúc ta đứng vào hàng ngũ của người thủ lĩnh, vì họ luôn ghen ghét Đức Giêsu. Và khi ta sống trong sự vô tâm trước cảnh đời của người khác, ta sẽ đứng trong hàng ngũ của đám binh lính. Như vậy, không phải cái chết của Đức Giêsu không liên quan gì đến ta, trái lại ta cũng là thủ phạm đóng đinh Ngài vào thánh giá, khi ta để mình rơi vào những thú tính, chiều theo những dục vọng thấp hèn, đang tâm làm điều xấu.
Ở đây có một chi tiết khác biệt giữa Luca và Matthêu. Luca ghi nhận: Binh lính đưa giấm cho Đức Giêsu uống. Còn ở Matthêu, chúng cho Ngài uống rượu pha với mật đắng (Mt 27, 34).
“Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”
“Đây là vua người Do-thái.” Một bản án thật lạ lùng và khó hiểu, nó không kể tội của tử tù như cách bình thường. Một bản án mang nhiều ý nghĩa:
+ Trước hết đó là sự sỉ nhục người Do Thái mà Philatô đã cố tình viết. Philatô xét thấy Đức Giêsu không đáng tội chết nên ông tìm cách tha, nhưng các thượng tế và kinh sư xúi giục dân chúng đòi giết cho bằng được. Ngay khi Philatô dùng kế tha Ngài bằng cách cho dân chọn giữa Đức Giêsu và Baraba, ông hy vọng người ta sẽ xin tha Đức Giêsu, nhưng không ngờ họ lại xin tha Baraba và vẫn đòi giết Đức Giêsu. Philatô cho viết bản án này để sỉ nhục nngười Do Thái, khi họ cương quyết đòi giết vua của mình cho bằng được, sẵn sàng chấp nhận thân phận nô lệ.
Thánh sử Gioan viết, những thủ lĩnh Do Thái sớm nhận ra ý đồ đó, họ xin Philatô không nên viết như vậy, mà hãy viết "Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái". (Ga 19, 21), nhưng Philatô không chấp nhận và vẫn giữ nguyên như cũ.
+ Philatô không ngờ khi viết “Đây là vua người Do-thái”, mục đích là để sỉ nhục nhưng đã biến bản án thành một bản phong vương. “Đây là vua người Do-thái”, trong cái nhìn Cánh chung, sẽ có một Do Thái mới thay thế Do Thái cũ, thì chính Bản phong vương này đã xác nhận Đức Giêsu là Vua vũ trụ.
“Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”
Đức Giêsu bị treo trên thập giá giữa hai tên gian phi, nói lên ý nghĩa người ta sẽ liệt Ngài vào hàng ngũ những người tội lỗi. Nhưng vô tình làm cho buổi phong vương Đức Giêsu Vua vũ trụ trở nên có giá trị, vì theo luật Môsê đòi phải có "hai chứng nhân" để mọi hành động trở thành hợp pháp, thì ở đây đã có đủ 02 nhân chứng, đó là hai tên gian phi.
Satan cũng không ngần ngại nói trong tâm trí một tên để tấn công Đức Giêsu: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. Vâng vẫn chiêu bài cũ, Satan muốn Đức Giêsu sử dụng quyền năng của Thiên Chúa khi chiều theo ý muốn của người khác, với mục đích chối bỏ tư cách Đấng Cứu Thế. Nhưng nó lại thất bại.
“Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
“Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!”. Vâng thách thức Thiên Chúa là một trọng tội, không ai có quyền thách thức Ngài, vì Thiên Chúa phải là Đấng để ta tôn thờ.
“Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái” Đây là lời nhận thức về tội lỗi của mình. Thánh nhân không phải là người không có tội, trái lại còn tội nhiều nữa là đàng khác, nhưng họ biết nhận ra lỗi lầm với thái độ chân thành khiêm tốn. Như vậy người trộm lành đã làm việc sám hối vào giây phút cuối đời mình. Nhận ra mình là kẻ có tội và đồng thời nhận ra Đức Giêsu là Đấng thánh.
“Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Người trộm lành đã nài xin đến tình thương của Thiên Chúa. Mặc dù anh ta chỉ xin Đức Giêsu khi nào vào Nước của Ngài nhớ đến anh. Trong câu nói này anh đã tuyên xưng Đức Giêsu là Vua. Ngài phải là Vua thì mới có quốc gia và quốc gia đó anh tin nó ở đời sau. Ta thật không ngờ, một người suốt cuộc đời chỉ làm điều gian ác, vào giây phút cuối cùng lại có nhận xét sâu sắc đến như vậy.
“Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Mặc dù người trộm lành chỉ xin Đức Giêsu nhớ đến mình, nhưng Ngài lại phán với anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Khi Thiên Chúa nhớ đến ai, thì người ấy đã ở trong trái tim của Ngài, vì nhớ tức đưa hình ảnh của ai đó vào nơi thâm sâu nhất của mình. Đối với con người, khi hai người nhớ đến nhau thì họ chỉ xuất hiện trong tâm trí của nhau, còn thể xác vẫn cách xa nhau. Nhưng với Thiên Chúa, thì khi nhớ ai thì người ấy đã ở trong Thiên Chúa.
Nhìn lên đồi Golgotha ta bỗng cảm thấy thật chua xót, 03 năm công khai rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu đã thất bại, không có lấy một người từng chịu ơn Ngài có mặt tại đây, ngay cả các tông đồ là những người thân tín, chỉ duy nhất một người chưa hề quen biết. Còn nhiều người có mặt lắm chứ, nhưng chỉ toàn những người thách đố “Nếu ông là Đấng Kitô,...” Họ đang nói tiếng nói của Satan trong hoang địa xưa.
Đức Giêsu Vua Vũ trụ như vậy sao?
Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét