Trang

Nhãn

21 tháng 11 2013

VALENTINE VÀ NGƯỜI TÌNH.


  Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Nếu mở lịch năm thánh 2000, gã thấy trong tháng hai có rất nhiều ngày lễ đáng nói. Chẳng hạn ngày mồng 2 thánh hóa tu sĩ, rồi ba ngày tết nguyên đán theo truyền thống dân tộc, ngày 11 thánh hóa bệnh nhân và người tàn tật, ngày 18 cầu cho các nghệ sĩ, ngày 22 cầu cho các viên chức phục vụ giáo xứ, ngày 27 cầu cho các nhân viên y tế, riêng gã thì chọn ngày 14, được gọi theo tiếng Ăng lê là “Valentine’s day”, cầu cho những người chuẩn bị lập gia đình. Bởi vì, chuyện tình yêu ở mọi nơi và trong mọi lúc, xưa cũng như nay, tây cũng như ta, vốn dĩ đã là chuyện mê ly và hấp dẫn.

Quả thực, đề tài này đã làm cho gã mất ăn mất ngủ hai ba ngày liền. Số là lúc này vì đã có tí tuổi, nên đầu óc thường hay quên. Đọc thì nhiều mà nhớ chẳng được bao nhiêu.
Để viết về ngày này thì trước hết phải biết nguồn gốc của nó. Và thế là đành phải hì hục mở các chồng báo cũ, bở cả hơi tai, mờ cả mắt mà cũng chả thấy.
Rồi nhờ mấy anh và mấy chị hàng xóm cứu bồ…nhưng họ cũng đành chịu thua. Giá như lúc này có được một cuốn bách khoa tự điển thì hay biết mấy, đỡ tốn sức lao động. Thành thử biết sao nói vậy, làng nước ạ.
Theo suy luận thường tình thì “Valentine’s day” dứt khoát là phải bắt nguồn từ ông thánh Valentinô. Thế là lại một phen vắt giò lên cổ chạy tìm về ông thánh này. Cuối cùng vớ được cuốn Tự điển các Thánh (Dictionnaire des Saints), lật ngay vần V, thì hỡi ơi, những rắc rối và nhiêu khê cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Quả thực, không kể rất nhiều vị tên là Valentinô trong danh sách các Thánh Tử đạo, còn có ba vị cùng tên là Valentinô và cùng được mừng kính vào ngày 14 tháng 2.
Vị thứ nhất là thánh Valentinô, Tông đồ và Giám mục Tyrol. Chuyện kể lại rằng : Vì ngán ngẩm trước trách nhiệm nặng nề, đó là hoán cải các dân ngoại sống ở rặng núi Alpes và dọc theo sông Danube, thánh nhân đã lên đường đi Rôma để thỉnh ý Đức Giáo hoàng Lêô cả. Thế nhưng Đức Giáo hoàng lại phong thánh nhân lên chức Giám mục, rồi sai về nhiệm sở cũ.
Từ đó, thánh nhân luôn hết mình cho việc rao giảng Tin mừng tại Tyrol và thiết lập một cộng đoàn qui tụ các linh mục để theo đuổi mục đích trên. Thánh nhân qua đời vào năm 74.
Vị thứ hai là thánh Valentinô, Giám mục Terni, được diễm phúc tử đạo vào năm 273. Chuyện kể lại rằng : Có một triết gia ngoại đạo tên là Craton, mời thánh nhân qua Rôma để chữa bệnh cho cậu con trai của mình đang đau nặng, bởi vì lúc bấy giờ thánh nhân đã nổi tiếng là một  người… rất mát tay. Thánh nhân chỉ hứa là sẽ chữa lành, nếu như Craton và cả gia đình trở lại. Cuối cùng, cậu con trai được khỏi bệnh.
Ba người học trò Hy lạp của ông triết gia xin rửa tội. Sự việc này không làm cho quan toàn quyền được hài lòng, vì thế ông đã truyền chém đầu thánh nhân. Ba người học trò quê ở Athènes liền mang xác thánh nhân về Terni.
Vị thứ ba là thánh Valentinô, tử đạo tại Rôma vào năm 269. Thánh nhân là một linh mục sống dưới thời hoàng đế Clauđiô. Thánh nhân có một tình bác ái yêu thương đặc biệt dành cho các tín hữu bị bắt bớ bằng cách thăm viếng họ trong chốn tù ngục.
Rất nhiều lần thánh nhân đã nói về niềm tin kitô giáo cho hoàng đế. Ngày kia thánh nhân xác quyết với quan chánh án Astêriô như sau :
-Đức Kitô là ánh sáng thế gian.
Quan chánh án trả lời :
-Tôi chỉ tin điều ấy, nếu ông chữa cho con gái tôi khỏi mù.
Sau khi cầu nguyện, thánh nhân đặt tay trên cô gái mù và cô gái mù liền được nhìn thấy. Quan chánh án và cả gia đình xin trở lại.
Bị dân chúng xách động, hoàng đế truyền chém đầu thánh nhân trên đường Flaminiô.
Theo một bài viết trên báo “Kiến thức ngày nay” số 342, thì vị thánh Valentinô thứ ba này chính là nguồn gốc cho lễ hội tình yêu.
Số là lúc bấy giờ hoàng đế Clauđiô muốn có một quân đội hùng mạnh, nên đã ra lệnh mọi đờn ông tới tuổi đều phải nhập ngũ. Thế nhưng, có nhiếu người không muốn xa vợ con và gia đình. Điều này làm cho hoàng đế giận dữ. Ông quyết định cấm tiệt mọi cuộc kết hôn, bởi vì nếu đờn ông không lập gia đình thì họ sẽ không phản đối việc tham gia quân đội.
Trong khi đó, thánh nhân là một linh mục, chuyên làm lễ cưới cho những người yêu nhau. Ngay cả sau khi hoàng đề ban hành lệnh cấm, thánh nhân vẫn âm thầm và bí mật cử hành.
Đêm kia, thánh nhân đã bị bắt đang khi làm lễ cưới. Đôi tân hôn nhanh chân chạy thoát, còn thánh nhân thì bị tống ngục. Trong thời gian sống trong ngục, rất nhiều người trẻ tuổi đã đến thăm thánh nhân. Họ ném hoa và những bức thư ngắn qua cửa sổ cho thánh nhân. Họ muốn thánh nhân biết rằng họ luôn tin tưởng vào tình yêu.
Một trong những người trẻ tuổi đó là con gái của người gác ngục. Được phép của cha, cô bé vào thăm thánh nhân và cho rằng thánh nhân đã hành động đúng, còn luật lệ của hoàng đế chỉ là điều hết sức phi lý. Trước khi bị đem ra pháp trường, thánh nhân đã để lại cho cô bé bức thư cám ơn của mình với hàng chữ :
- Gửi con tình yêu từ Valentinô của con.
Lời nhắn này được viết vào ngày thánh nhân phải chết, 14 tháng 2 năm 269. Phải chăng đó chính là nguồn gốc việc gửi thiệp và tặng quà trong ngày lễ hội này.
Theo nghĩa rộng, thì “Valentine” là ngày tình yêu. Đây là một lễ hội quan trọng của nhiều người, dù là đang yêu hay là đã yêu. Vì thế, những đôi vợ chồng già vẫn có thể biểu lộ tình mến thương cho nhau trong ngày hội này. Bởi chưng tuổi già có nét đẹp của tuổi già, nét đẹp của những trái cây chín vàng. Dù rằng “má đã hom hem lại lẹm cằm” như bà già trầu, thì nụ cười vẫu cứ tươi ơi là tươi và duyên ơi là duyên.
Hơn thế nữa, ai dám bảo rằng người già không có tình yêu hay tình yêu bị xơ cứng vì tuổi đời chồng chất. Nguyễn công Trứ ngày xưa đã bảo :
- Càng già càng dẻo càng dai.
Và không hiểu một tác giả nào đó cũng đã viết :
- Bà già đã bảy mươi tư,
  Ngồi trong cửa sổ viết thư cho bồ.
Bởi vậy, trong ngày “Valentine”này, xin các cụ ông và các cụ bà hãy anh dũng tặng quà cho nhau để hâm nóng tình yêu hay ít nữa là sống lại cái ngày xưa “hoàng thị”, chất đầy những kỷ niệm ngọt ngào của mình.
Còn theo nghĩa hẹp, thì “Valentine” là ngày tình nhân. “Pháp – Việt từ điển” của Đào đăng Vỹ thì định nghĩa đó là hội kén chồng của dân Ăng lê và “Valentinô” là  anh chàng được một cô nàng chọn trong ngày này.
Tự điển “Petit Larousse” thì gọi đó là lễ hội của những anh con giai và những chị con gái, đặc biệt là của những cặp uyên ương, vì thế “Valentinô” chính là anh con giai được chấm. Tuy nhiên một khi đã được chấm chọn thì có bổn phận và nghĩa vụ phải…tặng quà cho chị con gái.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của chính sách mở cửa, cũng như do ảnh hưởng của phim ảnh Hồng Kông, giới choi choi tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, cũng đã bắt đầu học đòi háo hức đón mừng ngày “Valentine”.
Đây chính là một dịp để những anh đờn ông nhớ đến những chị đờn bà, rồi tặng quà và gửi thiệp cho nhau để trang điểm cho tình yêu thêm phần màu mè hoa lá. Lực lượng hưởng ứng ngày này một cách ồn ào phần đông là những kẻ đang yêu, vì thế nó cũng mang nặng ý nghĩa của ngày tình nhân hơn.
Về những món quà thường được xài trong ngày “Valentine” thì thay đổi tùy tập tục của từng địa phương. Theo một bài sưu tầm trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật, thì :
- Tại Pháp, hoa là món quà được tặng cho nhau nhiều nhất với những ý nghĩa tượng trung khác nhau. Hoa hồng đỏ dành cho tình yêu nồng cháy, hoa hồng nụ biểu thị tình yêu buổi ban đầu, hoa tím ám chỉ tình yêu thầm kín, hoa “pensée” gợi lên lòng chung thủy và hoa “forget-me-not” là dấu chỉ của một tình yêu…bất tử. Ngoài ra, những loại quà khác cũng được ưa chuộng, đó là nữ trang như vòng cổ, nhẫn đeo mang hình hai trái tim lồng vào nhau hay hay bàn tay đan lấy nhau…
- Tại Mỹ, người ta thường cầu chúc cho nhau một ngày “Valentine” hạnh phúc và gửi cho nhau những cánh thiệp có in hình thần tình ái hoặc những món quà có hình trái tim.
- Tại Nhật, các chị nàng thường tặng cho các anh chàng kẹo sôcôla, còn các anh chàng thì lại thường mời các chị nàng đi ăn cơm tiệm.
- Tại Trung quốc, người này tặng cho người kia những món quà nho nhỏ, để người kia luôn mang bên mình mà tưởng nhớ đến người này, chẳng hạn như khăn tay, dây thắt lưng…
- Tại Việt Nam, dân chập chững yêu thương thường gửi thiệp mừng và tặng cho nhau những đóa hồng. Thơ mộng hơn một tí nữa thì rủ nhau đi…ăn chè.
Suy gẫm về mối liên hệ giữa tình yêu và hôn nhân, gã nhận thấy có nhiều cách diễn tả, nhưng tựu trung người ta thường chia ra làm ba thời kỳ.
Với những người thích màu sắc, thì trước khi cưới là một màu hồng rực rỡ, liền ngay sau khi cưới là một màu trắng đục, còn lâu sau khi cưới là một màu xám ảm đạm.
Với những người thích nghiên cứu về thời tiết, thì trước khi cưới là những ngày mùa xuân nắng ấm, liền sau khi cưới là những ngày hè thu oi bức hay mưa dông, còn lâu sau khi cưới là những ngày dài mùa đông lạnh giá.
Với những người thích âm thanh, trước khi cưới anh nói thì em nghe và em nói thì anh nghe, liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe và em nói thì em nghe, còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói nhưng hàng xóm phải nghe.
Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì thỉnh thoảng nồi niêu xoong chảo lại có dịp bay vù ra ngoài sân.
Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chiếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam lòng chịu ướt.
Qua những hình ảnh diễn tả kể trên, thì giai đoạn đầu tiên là giai đoạn đẹp đẽ nhất. Đó là giai đoạn người ta tập tễnh đi vào tình yêu, giai đoạn của những đôi uyên ương, giai đoạn của những cặp tình nhân. Có một ông thi sĩ đã viết :
- Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
  Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Hay như một bài hát đã diễn tả như sau :
- Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng.
Vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, tình yêu như tăng cường cho người ta thêm sức mạnh, thêm can đảm để rồi khó khăn nào cũng vượt qua, như tục ngữ ca dao đã nói :
- Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
  Thất bát sông cũng lội,
  Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.
- Yêu nhau chẳng quản xa gần,
  Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
Và đôi khi, trong những lúc hăng tiết vịt vì tình yêu, người ta cũng dám làm những điều xằng bậy nhất nhân danh tình yêu. Sau đây gã xin kể hầu bà con mấy mẩu chuyện vui vui mà gã đã cắt trên báo Công an Thành phố.
Mẩu chuyện thứ nhất mang tựa đề là “giá nào cũng yêu”.
Anh B yêu chị C, một người hàng xóm thùy mị đoan trang. Sau nhiều lần tỏ tình bị từ chối, anh ta nổi quặu, liền bày ra nhiều trò quậy phá : hằng đêm anh ta cứ liên tục ném đá, ném bùn và phóng uế vào nhà chị C. To gan bạo phổi hơn, một đêm tối trời  anh ta bèn cắt luôn đường điện sinh hoạt của gia đình chị C. Thế nhưng đang khi thực hiện ý đồ mờ ám này thì bị công an tuần tra bắt giữ.
Mẩu chuyện thứ hai mang tựa đề là “giá nào cũng gặp”.
Lẽ thường, khi đến nhà bạn gái, thì anh chàng con giai nào cũng tỏ ra hiền lành, lịch sự để “lấy điểm”, nhưng đối với Nguyễn thanh Tùng thì khác. Dù buổi tối nhà bạn gái đã đóng cửa tắt đèn, hắn vẫn hiên ngang đập cửa đòi gặp cho bằng được. Lúc 22 giờ ngày 15 tháng 5 năm 1999, hắn lại đến gõ và giật cửa nhà cô bạn gái. Bị gia đình cô bạn gái kiên quyết không mở, hẳn bỏ đi, nhưng sau đó quay trở lại với một con…bò.
Hắn dùng một sợi dây cột bò, buộc vào cánh cửa nhà cô bạn gái, rồi lấy roi quất mạnh vô mông bò làm bò nhảy dựng lên, bỏ chạy và…kéo sập luôn cánh cửa. Sau sự việc này thì hắn khó có cơ may bước qua ngưỡng cửa nhà cô bạn gái để mà làm anh rể quí.
Mẩu chuyện thứ ba mang tựa đề là “giá nào cũng cưới”.
Q và X là đôi ban thân từ hồi cấp ba. Sau khi tốt nghiệp đại học, Q liền nhờ người mai mối đến gia đình X xin được cưới X làm vợ. Nào ngờ cha mẹ cô gái lại thách cưới quá cao, đòi Q phải chuẩn bị đồ cưới, nào vàng bạc, nao vòng đeo tay, nào tơ lụa vải vóc…lại còn phải tổ chức đám cưới ở những hai ba nơi…Và nhất là phải tặng cho cha mẹ vợ 5 triệu đồng gọi là tiền bù lỗ cho công lao sinh thành và nuôi dưỡng. Mặc dù đã năn nỉ hết lời, nhưng cha mẹ X vẫn khăng khăng từ chối.
Trong lúc rối trí, Q đã nảy ra một sáng kiến kiếm tiền. Vào tối ngày 29 tháng 7 năm 1999, lợi dụng lúc ông chú họ của X đi vắng, Q liền lẻn vào dắt chiếc xe gắn máy của ông đi cầm được 12 triệu và đem tiền về mua sắm đồ cưới liền tù tì. Sau một ngày điều tra, công an đã xác định được thủ phạm chính là Q. Thế là đám cưới phải dời lại vô thời hạn, không biết đến bao giờ…
Tuy nhiên, theo gã nghĩ, có một hành động dại dột nhất mà những người chớm yêu đôi khi thường hay làm, đó là ăn ở với nhau trước khi cưới. Hành động này hình như mỗi ngày một gia tăng và liên tục phát triển. Vì thế, đã gây nên một hậu quả đáng lo ngại.
Linh mục Nguyễn hồng Giáo trên báo Công giáo và Dân tộc cho biết : Ở thành phố Hồ chí Minh, năm 1991 có 140.764 ca nạo thai, hút thai mà chỉ có 77.231 ca sinh, nghĩa là cứ một ca sinh thì có 18 ca phá. Tỷ lệ này cao hơn Liên xô, gấp 3 lần ở Hungari, gấp 4,5 lần ở Ý và gấp 7 lần ở Anh.
Đáng lưu ý là trong số 60.520 ca nạo thai ở bệnh viện Hùng vương từ năm 1985 đến năm 1991, thì có 3,34% ở lứa tuổi 13 đến 19 và 10,3% ở lứa tuổi 20 và 21. Những con số trên đây là vào thời kỳ mới mở cửa, còn bây giờ chắc chắn đã cao hơn nhiều.
Về chuyện ăn ở với nhau trước khi cưới, gã xin tạm chia thành hai loại. Loại thứ nhất được gọi một cách văn vẻ là “hôn nhân thử”, còn nếu gọi một cách nôm na và bình dân, thì đó là “ăn trước kẻng”.
Thực vậy, trong những tổ chức hay trong những cộng đoàn, chẳng hạn như ký túc xá, dòng tu…thì giờ nào việc nấy và người ta thường dùng tiếng kẻng để báo hiệu. Keng một cái là xuống lớp. Keng một cái là đi xơi cơm. Keng một cái là leo lên giường ngủ. Vì thế, ăn ở với nhau trước khi cưới thì cũng giống như xơi cơm trước khi tiếng kẻng báo hiệu được phép vang lên.
Trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật, tác giả Nguyễn thị Oanh đã làm một cuộc điều tra nho nhỏ trong giới sinh viên về chuyện hôn nhân thử và cho biết như sau :
- Tất cả họ, nam cũng như nữ, đều từ tỉnh lẻ lên thành phố tạm trú để học hành.
Kịch bản giống hệt nhau, được chia thành sáu màn :
- Màn thứ nhất : họ gặp nhau trong một dịp nào đó.
- Màn thứ hai : họ thích nhau và bắt đầu yêu nhau : thường xuyên đi ăn, đi học, đi chơi với nhau.
- Màn thứ ba : Họ gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Nàng có thể giặt giũ cho chàng. Còn chàng thì hay lui tới phòng nàng trong ký túc xá. Có khi ban quản lý bắt gặp một “đực rựa” ngủ trên giường của cô nữ sinh viên.
- Màn bốn : Thấy bất tiện, nên họ quyết định thuê một căn phòng để sống chung. Lúc đầu có thể “giường ai người ấy ngủ”, “nệm ai người ấy nằm”, nhưng chuyện này chẳng kéo dài được bao lâu. Phần lớn thì họ sống với nhau như vợ chồng. Ở vào thời điểm này họ rất hạnh phúc. Mặt mày cô gái trở nên tươi rói và rạng rỡ.
- Màn năm : khó khăn bắt đầu khi tài chánh trở nên eo hẹp. Họ phải tìm việc làm thêm. Sự căng thẳng và mệt mỏi tạo ra những va chạm. Cô gái thì tiều tụy vì phải gánh vác cả vai trò nội trợ lẫn sinh viên, nên việc học giảm sút rõ rệt. Có khi lại thi rớt và bỏ học. Anh chàng hào hoa ngày nào thì nay bộc lộ bộ mặt thật của mình, nào phong kiến, bỏ mặc công việc cho cô gái và nhất là bắt đầu dòm ngó những hình bóng khác.
Tội đỉnh của bi kịch là cái thai. Chẳng có ông “bố nhí” nào lại vui mừng khi biết mình có con. Và như thế, đa số đã đi phá thai.
- Màn sáu : sự chia tay. Trong số trên bốn mươi trường hợp thì chỉ có một vài trường hợp tiến đến hôn nhân hay hy vọng tiến đến hôn nhân mà thôi. Còn hầu như tất cả các anh chàng đều nhanh giò mau cẳng cao chay xa bay.
Rút kinh nghiệm từ kịch bản trên, thì người mất mát nhiều nhất chính là chị nàng : tiết hạnh, danh dự, học hành, tương lai…Chỉ một thời gian ngắn cô gái xinh đẹp đã gầy đi, xanh xao và già hẳn. Có trường hợp toan tự tử, có trường hợp đã tự tử và đã chết.
Còn loại thứ hai, gã cũng xin gọi một cách nôm na và bình dân. Đó là ăn vụng.
Mặc dù phần cốt lõi giống nhau, nhưng giữa ăn vụng và ăn trước kẻng  có đôi chút khác biệt.
Thực vậy, ăn trước kẻng, như chúng ta thấy, thì có bài bản hẳn hoi. Ở bên phương tây, có những cặp thử sống đời sống vợ chồng mí nhau một thời gian, rồi mới đi tới quyết định : hợp thì tiến tới, không hợp thì rút lui.
Gã có một tên bạn ở bên Mỹ, sống chung với một cô nường dễ thường đã tới sáu bảy năm rồi mà vẫn còn dùng dằng chưa quyết định, khiến gã phải bực mình mà phang cho nó một trận :
- Mi là con nhà hai phần, đạo gốc hẳn hoi từ lúc cha sinh mẹ đẻ, mà làm như vậy thì đâu có ổn, thử gì mà thử mãi thử hoài, bộ định thử cho tới lúc con người ta rách nát te tua đấy hử ?
Thế mà nó vẫn cứ nhe răng cười hề hề :
- Mi thì rõ thật là lẩm cẩm. Không thử thì biết đàng chó nào mà lấy. Nói theo con nhà có đạo thì một khi cái giây hôn phối đã choàng vào cổ thì bất nhóc nhách, chẳng thể nào di dời cho được. Lôi nhau ra ba tòa quan lớn để xin ly dị, dù có mất nửa phần sản nghiệp, thì lương tâm mình cũng không cho phép. Còn âm thầm rời xa và âm thầm cô đơn vò võ hơn một nửa đời còn lại thì quả là vừa uổng phí lại vừa chẳng chịu nổi. Đành phải thử cho chắc ăn.
Nghe vậy, gã bèn lắc đầu chào thua. Bởi vì, nó chỉ tin vào sức riêng  mình chứ chẳng cậy dựa vào ơn trên một ly ông cụ nào cả.
Như gã đã nói : ăn trước kẻng thì có bài bổn hẳn hoi và bàn dân thiên hạ đều biết, còn ăn vụng thì quả là ngẫu hứng qua cầu, ăn lén ăn lút, không để cho một ai chứng giám.
Có thể vì hai người quá thương nhau nên muốn biểu lộ một hành vi dâng hiến. Lý do này xem ra hơi hiếm.
Có thể vì hai người muốn “thử ngòi”, “hưởng sớm mùi đời” cho biết, hay vì không cưỡng nổi những đòi hỏi của “con lợn lòng” trong những lần gặp gỡ sau những màn hôn hít, vuốt ve. Lý do này xem ra khí nhiều.
Có thể vì anh chàng quá năn nỉ ỉ ôi và đôi khi đi tới chỗ hờn dỗi và hù dọa :
- Đằng nào thì chúng mình cũng cưới nhau…cho anh một tẹo…chìu anh một tí…hay là em không còn yêu anh nữa.
Và thế là cô nường đành phải miễn cưỡng chiều theo :
- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
  Mà xem con tạo xoay vần tới đâu.
Sau những lần thầm lén vụng trộm như thế mà còn tiến tới hôn nhân, kết thúc bằng một đám cưới, thì quả là phúc bảy mươi đời cho cô nườøng.
Còn nếu như anh chàng thuộc dòng họ sở, ca bài quất ngựa truy phong, thì người thiệt hại nhất vẫn là cô nường. Mất cả chì lẫn chài. Mất cả vốn lẫn lãi. Và nếu như còn để lại một kết quả cụ thể, sờ sờ trước mắt, là đứa con, thì hẳn cô nường sẽ phải ân hận cả một đời.
Tâm lý phe đờn ông con giai là muốn chinh phục. Và cuộc chinh phục càng cam go thì chiến thắng càng vẻ vang. Thử hỏi một khung cửa mà mọi bàn chân đều qua lại được, thì đâu còn giá trị gì mấy. Anh đờn ông con giai khi chưa được ăn thì năn nỉ ỉ ôi, nhưng khi đã thỏa mãn, đã no nê phủ phê thì biết đâu lại đâm ra chán ngán. 
Hơn thế nữa, thái độ quá dễ dãi của cô nường : đòi gì được nấy, đôi khi lại phản tác dụng. Trước mặt thì anh chàng ca tụng cô nường là chịu chơi, là tuyệt vời, là hết xảy…nhưng  sau lưng biết đâu lại chê bai và hạ giá :
- Ngữ  ấy chỉ là hạng qua đường cho…đỡ buồn mà thôi.
Vì thế sự đoan trang và đứng đắn vẫn còn là điều cần thiết để tạo nên nét duyên ngầm cho phe con gái. Đôi lúc còn phải tỏ ra khó khăn một tí thì mới hấp dẫn.
Nhất là phải biết làm chủ lấy bản thân. Phải biết bật đèn đỏ báo động khi địch quân muốn xâm phạm vùng phi quân sự, hay muốn vượt khỏi ranh giới và lằn mức cuối cùng được phép. Đừng lỡ dại để rồi :
- Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
Lúc ấy, có hối thì cũng đã bất cập, có ân hận thì cũng đã quá muộn màng.
Vẻ trong trắng của cuộc tình,
với chút quà xinh nho nhỏ,
cho những người đang yêu trong ngày “Valentine”.
Rồi ngày mai,
khi tuổi đời chồng chất,
vẫn còn đọng lại một chút nhớ thương.


Không có nhận xét nào: