Chuyện phiếm của Gã Siêu.
Trong một lễ cưới nọ, thấy cô dâu
khí mang năng tuổi đời, những “bốn mươi mí” lận, ông cha bèn thương tình, nặn
óc giảng một bài khen ngợi, đại khái “nhân lão tâm bất lão”, người già nhưng
tâm hồn không già, bằng chứng cụ thề là cô dâu thân mến hôm nay vẫn yêu ngon
lành vì trái tim còn trẻ chưa hề mệt mỏi và bị lão hóa.
Thế nhưng, bài giảng này đã phản
tác dụng. Cô dâu vừa nghe đến hai chữ “nhân lão”, túc là người già, thì mồ hôi
đã toát ra ở đàng sau gáy và cho rằng ông cha chơi xỏ mình trước bàn dân thiên
hạ.
Khi mọi sự đã hoàn tất, cô nàng bèn
lập tức cắt đứt mọi liên hệ, triệt để áp dụng chính sách cấm vận “mí” ông cha :
không chào, không nói, không cười và không…biếu xén, không quà cáp.
Khi viết bài “Những sự ngược đời
của đờn bà con gái”, gã đã quên béng mất kinh nghiệm quí giá trên. Vì thế gã đã
trót bới móc cho khoái cái tay cầm bút và chửi xéo cho khoái cái lỗ miệng.
Mặc dù vừa đấm vừa vuốt, bằng chứng
là gã đã kết luận :
- Hỏng có đờn bà con gái thì đời
còn gì là đời. Hỏng có đờn bà con gái thì lũ đờn ông con giai sẽ lầm lũi cu ki
một mình, như “những con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn”. Nhà mà hỏng có đờn
bà con gái thì như xác không hồn, như đàn không giây.
Với cái kết có hậu mang tính cách
“vuốt” này, gã đã yên chí nhớn mà ăn no ngủ kỹ cũng như đấu tranh vì chén cơm
manh áo của mình, tưởng chừng mọi sự đã chìm vào quên lãng như viên sỏi trắng
nằm yên dưới đáy nước hồ thu…ai dè vào một buồi sáng trời trở lạnh như muốn lập
đông, cụ chủ nhiệm bèn bèn rờ gáy, tóm lấy cổ gã mà rằng :
- Ký bài của chú mày về đờn bà con
gái ấy đã làm cho địch, tức là phe kẹp tóc, đùng đùng nổi giận. Họ tới tấp phôn
về tòa soạn, kêu la oai oái cho rằng bất công, thậm bất công.
Có lẽ cụ chủ nhiệm, vì sợ bị phe
địch chơi trò cấm vận, như cô dâu đã chơi với ông cha, hay như Mỹ đã chơi với
Việt Nam, nên tiếp theo đó đã phán với gã :
- Chú mày liệu mà viết một bài khác
chê bai đờn ông, để mà đoái công chuộc tội, lập lại thế cân bằng, làm cho quí
bà quí cô hạ hỏa, bằng không thì cái bản mặt nham nhở của chú mày khó mà được
an toàn khi vác nó ra đường, không ăn giày cao gót thì cũng xơi cà chua, trứng
thối mệt xỉu.
Trước nhời phán xét như đinh đóng
cột ấy, gã cảm thấy tức anh ách như bị bò đá, nhưng cũng đành phải cúi mặt lầm
lũi xin vâng vì vâng lời vốn trọng hơn của lễ.
Bởi đó, gã phải cầm lòng cầm trí,
ngồi xuống viết liền tù tì những hàng chữ này đấy. Bàn về những thói hư tật xấu
của bọn đờn ông thì quả thật nói từ ngày này qua ngày khác chẳng biết đến bao
giờ mới hết, bởi vì đờn ông có biết bao nhiêu sự trái khoáy và nghịch lý của
mình.
Chẳng hạn như lúc nào cũng vỗ ngực
tự xưng là phái khỏe, thế mà xem ra lại yếu ớt hơn bất kỳ giống vật nào trên
mặt đất này như Homère đã viết trong tác phẩm “Odyssée”. Hay như Gandhi cũng đã
nói :
- Gọi đàn bà là phái yếu là một
điều phỉ báng. Đó là một sự bất công của người đàn ông đối với người đàn bà.
Nếu người ta hiểu sức mạnh là thô bạo thì chắc chắn người đàn ông hơn hẳn người
đàn bà. Còn nếu bất bạo động là điều luật của nhân loại, thì tương lai sẽ thuộc
về người đàn bà.
Đúng thế, nhiều ông ở ngoài xã hội
thì hét ra lửa như một bạo chúa, thế nhưng khi về nhà thì lại mềm nhũn như con
chi chi mỗi khi đối mặt với bà xã theo kiểu :
- Vợ gọi thì dạ bẩm bà em đây.
Hay :
- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó.
Quắc mắt khinh đời cái
bộ anh.
Và để lấp liếm điểm yếu nay, nhiều
ông lại lâm vào một nghịch lý thứ hai, đó là mặc dù rất mê vợ, nhưng đôi lúc
lại tỏ ra hống hách, măc dù bộ ngực lép kẹp nhưng lại hay chơi trò cả vú lấp
miệng em bằng thái độ độc tài và độc đoán hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với
người mình thương mến…
Vì vậy có người đã bảo :
- Đờn ông là thứ giống đực duy nhất
đánh đập giống cái là vợ hắn, như vậy hắn tàn bạo hơn hết trong các loài thuộc
giống đực trên hành tinh này.
Chính lúc người đờn ông tỏ ra cộc
cằn thô lỗ lại là lúc hắn yếu nhất vì không đủ nghị lực kiềm chế nổi cơn nóng
giận của mình.
Trong bài này gã chỉ xin bàn đến
“máu mê” của người đàn ông.
Dĩ nhiên nơi, huyết quản của
người đàn ông có nhiều loại “virus mê” thâm nhập và cắm dùi. Nào là mê tiền
bạc, mê danh vọng, mê địa vị, mê sự nghiệp, nào là mê cờ bạc, mê rượu chè…
Trước hết, gã xin nói tới một thứ
máu mê tuy dễ thương nhưng lại vô cùng….nguy hiểm, đó là mê đờn bà con gái.
Chuyện kể lại rằng :
Ngày xửa ngày xưa có một chú bé
được vị ẩn sĩ nọ đưa lên núi từ nhỏ. Ngày ngày tu hành học đạo, xa tránh cuộc
sống trần gian. Cho đến một hôm, chú bé trở thành một thanh niên khỏe mạnh và
cường tráng, vị ẩn sĩ mới quyết định đem chú xuống núi để thử lửa.
Cuộc sống nơi trần gian có nhiều
điều mới lạ khiến chú hết sức ngạc nhiên và thích thú. Thấy bất kỳ sự gì, chú
cũng ngắm nhìn và hỏi han.
Trên đường về, chú gặp mấy cô gái
và hỏi sư phụ :
- Thưa thày, cái gì thế ?
Vị ẩn sĩ ngước nhìn và thấy
mấy chiếc nón các cô đội trên đầu nên ôn tồn trả lời :
- Ồ, đó chỉ là mấy chiếc nón mà
thôi con ạ.
Về đến núi, chú đâm ra ngẩn ngơ như
kẻ mất hồn. Thấy vậy, vị ẩn sĩ liền hỏi :
- Con sao thế, bị bệnh ư ?
Chú buồn bã trả lời :
- Thưa thày, chẳng hiểu tại sao con
lại nhớ mấy chiếc nón ấy quá. Con thích mấy chiếc nón ấy lắm.
Câu chuyện dí dỏm này muốn nói lên
một sự thật, đó là nam và nữ thì thu hút lẫn nhau, đờn ông và đờn bà thì hướng
tới nhau, con giai và con gái thì hấp dẫn nhau.
Chẳng thế mà tục ngữ ca dao đã diễn
tả :
- Đàn ông ví như chiếc nơm, bạ đâu
úp đấy.
- Đố ai nằm võng không đưa.
Ru con không hát, anh chừa
nguyệt hoa.
- Trai thấy gái lạ,
Như quạ thấy gà con.
Thánh Phaolô còn xác quyết :
- Đàn ông không được dựng nên cho đàn bà, nhưng chắc chắn
đàn bà được dựng nên cho đàn ông.
Vì thế, đờn ông thường đi tìm kiếm chiếc xương sườn của mình
để đắp vào chỗ đã bị Thượng đế lấy mất.
Theo đinh luật kinh tế, những mặt hàng được ưa chuộng thì
hay tăng giá, còn những mặt hàng không được ưa chuộng thì bị sụp giá. Trong khi
mê đờn bà con gái, người đờn ông tự hạ giá và đánh mất chính mình.
Chả thế mà đã có một thời người ta sống theo chế độ mẫu hệ,
đờn bà con gái lên nắm quyền chỉ huy từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Hay như ca dao cũng đã bảo :
- Ba đồng một chục đàn ông,
Ta bỏ vào lồng, ta xách đi
chơi,
Ai ngờ dỏ đứt lồng rơi,
Nó bò lổm ngổm mỗi nơi một
thằng.
- Đàn ông ba bảy đàn ông,
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó
tha.
Các cụ ta ngày xưa đã bảo : gái
tham tài, trai tham sắc. Vì có máu mê đờn bà con gái như thế mà đờn ông con
trai dễ trở thành mềm yếu.
Bởi đó, Kipling đã có lý khi tuyên
bố :
- Một chị đờn bà ngốc nghếch nhất
cũng có thể xỏ mũi một anh đờn ông thông minh nhất.
Hay như dân Arménie đã bảo :
- Vàng khiến cho đờn bà cảm động,
còn đàn bà lại khiến cho đờn ông cảm động.
Người ta vốn so sánh :
- Dùng vàng để nhử đờn bà, dùng đờn
bà để nhử đờn ông và dùng đờn ông để tìm ra…vàng.
Một khi đờn bà con gái đã nắm thế
thượng phong, trên cơ, lúc bấy giờ nàng sẽ là pháo đài, còn chàng sẽ là tù nhân
bị nhốt ở trong đó.
Hiện giờ chưa có cách thức nào để
hủy diệt con “virus mê đờn bà con gái” trong huyết quản nguời đàn ông, như một
nhà văn đã viết :
- Với bệnh chó dại thì nhà bác học
Pasteur đã tìm ra phương thuốc trị liệu, còn bệnh mê đờn bà con gái thì chưa có
một nhà bác học nào nghĩ đến.
Tuy nhiên, theo gã thì các nhà bác
học không nên tìm ra phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh này và nếu có tìm ra
chăng nữa thì cũng không nên xử dụng, bởi vì nó sẽ gây nên nhiều hậu quả dây
chuyền thảm khốc, giống như bây giờ nếu người ta hủy bỏ được hấp lực của từ trường,
thì biết bao nhiêu chuyện rắc rối sẽ xảy ra.
Cũng vậy, nếu bây giờ đờn ông không
còn mê đờn bà con gái nữa, thì các bà các cô sẽ làm đẹp cho ai ? Các nhà tạo
mốt sẽ thất nghiệp. Các tiệm uốn tóc và thẩm mĩ viện sẽ phải đóng cửa. Các xí
nghiệp chế tạo nước hoa, son phấn, cùng với những loại kem dưỡng da, dầu gội
đầu…sẽ phải treo niêu.
Nói tóm lại, toàn bộ công nghiệp và
lực lượng nhân sự phục vụ cho cái đẹp của các bà các cô sẽ phải “phẹc mê bu
tích” nghĩa là sẽ phải dẹp tiệm, ngồi chơi xơi nước từ đây.
Và nếu đờn bà con gái mà không làm
đẹp thì đâu còn phải là đờn bà con gái nữa. Lúc đó hẳn xã hội sẽ buồn tênh.
Cái tội “mê đờn bà con gái” dưới
góc độ này thì cũng khá dễ thương và đáng yêu, nhưng dưới góc độ khác thì nó
cũng gây nên những hậu quả trầm trọng khó mà lường nổi.
Trước hết nó làm cho gia đình bị
tan vỡ.
Thực vậy, đờn ông thì đôi khi có
tật đèo bòng, giống như mấy ông tài xế xe hàng hay xe tải, miệng thì thề sống
thề chết :
- Nhất phu nhất phụ.
Còn trong thực tế thì lại :
- Mỗi mụ một nơi.
Đi đến đâu, hay nói một cách rõ
ràng hơn, ở đây và lúc này thì chỉ mình em thôi. Còn ở chỗ kia và lúc khác
thì…hỏng dám bảo đảm đâu.
Hay như tục ngữ đã diễn tả :
- Đàn ông những mấy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng
người.
Trong khi đó, đờn bà con gái vốn lại
hay ghen, máu “Hoạn thư” lúc nào cũng sẵn sàng bốc lên bừng bừng, như ca dao đã
bảo :
- Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay
ghen chồng.
Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng
chẳng ghen.
Hai thứ hỗn hợp “hay mê…” và “hay
ghen” mà trộn chung với nhau, thì chắc chắn sẽ bùng nổ một cách mãnh
liệt. Sức công phá của chúng có thể giật sập một gia đình đang êm ấm và hạnh
phúc.
Tới nước này, người ta sẽ không
ngần ngại lôi nhau ra tòa để bôi tro trát trấu vào mặt nhau, cốt giật cho được
tờ giấy ly dị. Và một khi đã ly dị thì sản nghiệp của anh đờn ông, nếu không đi
đoong, thì cũng mất toi một nửa, bởi vì phải chia đôi, chàng một nửa và nàng
một nửa.
Dân khố rách áo ôm như gã thì chẳng
nói đến làm chi, chứ còn những tay triệu phú mà bỗng mất đi một nửa sản nghiệp,
kể cũng đau. Nhưng làm sao cãi được lệnh của ba tòa quan lớn, bởi vì chồng như
đó, vợ như hom, của chồng công vợ kia mờ.
Anh đờn ông thì chết điếng còn chị
đờn bà thì vui mừng khấp khởi. Không chừng ly di lại trở nên một cái mánh mần
ăn, vì mỗi lần ly dị chị ta lại giàu lên trông thấy.
Báo “An ninh Thế giới” với bài “Khi
các ông chủ muốn ly dị” đã đưa ra những vụ ly dị tốn kém nhất, đại khái như sau
:
“Trước năm 1970, khi chưa diễn ra
cuộc cách mạng của phụ nữ trong việc phân chia tài sản ly dị, phần lớn tài sản
thuộc về người đang nắm giữ nó, thông thường là người chồng.
“Thậm chí, sau nhiều năm chung
sống, nếu ly dị, người vợ sẽ trắng tay. May mắn lắm thì có được một ngôi nhà,
nhưng họ thường không đủ tiền để giữ nó. Giờ đây, tất cả đã lùi vào dĩ vãng,
các ông chủ….đang phải đau đầu với những vụ ly dị tốn kém chưa từng có trong
lịch sử.
“Robert Goldman, theo quyết định
của tòa án, vào tháng 4 năm 1998, đã phải chia đôi 88,2 triệu đô la cho bà vợ
là Vira Hadun.
“Năm 1997, Lorua Wendt giành được
20 triệu đô la từ tay người chồng là ông Gary, tổng giám đốc công ty
Capital…tất cả đã tạo nên một làn sóng ly dị đang nhắm vào các ông chủ kếch xù
trên khắp thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của các công ty.
“Craig McCaw, một người đi tiên
phong trong lãnh vực điện thoại, hằng tháng phải chu cấp cho Wendy, cô vợ đã ly
dị của mình, 190.00 đô la. Nhưng chưa hết, năm 1995, tòa án còn buộc ông phải
chia sẻ số tài sản trị giá 1,3 tỷ Mỹ kim và số cổ phần trị giá 663 triệu trong
Nextel Communication và Next Link. Như thế,ø Wendy nghiễm nhiên trở nên thành
viên của Next Link, khiến công ty phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn.
“Năm 1997, Cotello, tổng giám đốc
tập đoàn thiết kế Cadence đã mất 30 triệu đô la cho cuộc ly dị với Magaret…..Và
còn nhiều nhiều nữa.
Không những sản nghiệp đi đoong mà
hơn thế nữa còn bị thân bại danh liệt là đàng khác.
Biết bao nhiêu thủ tướng, bộ trưởng
đã bay chức chỉ vì gian díu vời người đẹp này, người đep kia.
Gần đây hơn cả, tổng thống Mỹ Bill
Clinton cũng đã phải một phen xính vính và hú vía trong vụ ”xì căng đan” tình
dục với Monica Lewinsky.
Nơi người đờn ông còn nhiều thứ máu
mê khác.
Chẳng hạn như máu mê rượu chè với
tác phong :
- Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa
thị, rượu vào như chó điên giữa chợ.
Hay :
- Một xị thì mở mamg trí hóa,
Hai xị thì giải bớt cơn sầu,
Ba xị thì mũi chảy đầy râu,
Bốn xị thì ngồi đâu khóc đó,
Năm xị thì cho chó ăn chè,
Sáu xị thì làm xe lội nước,
Bảy xị thì ra nhị tì mà ở.
Chẳng hạn nay máu mê cờ bạc với cốt
cách :
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Áo quần bán hết, ngồi trần
tô hô.
- Cờ bạc canh đỏ canh đen,
Nào ai có dại đem tiền vứt
đi.
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Ruộng nương bán hết, chôn
chân vào cùm.
Đó là những thứ máu mê mà nhiều người đờn ông mắc phải. Rất
tiếc vì phần đất được dành cho gã có hạn, nên đành phải gác lại, khi nào thời
cơ thuận tiện sẽ tái xuất giang hồ.
Viết đến đây gã bỗng cảm thấy hổ
thẹn “mí” lương tâm, bởi vì phe mình lại đi phản bội phe ta, chơi cái trò vạch
áo cho địch xem lưng.
Có lẽ gã phải chuyển hệ mất thôi,
từ TV trắng đen ra TV màu, từ chê ra khen, từ bốc thối ra bốc thơm, để thiên hạ
khỏi….ghét cái mặt.
Thế nhưng nghề của con ong là châm,
nghề của con muỗi là chích, còn nghề của gã là chọc.
Ngày nào không chọc thì ăn không
ngon, ngủ không đẫy giấc, lỡ có bị thiên hạ chưởi thì cũng đành nhe răng mà
cười trừ :
- Rằng hư quen thói mất rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét